CÂY CHÙM NGÂY- TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG TRONG DƯỢC PHẨM


Cập nhật lần cuối vào 06/04/2023

Trong những năm gần đây, Việt Nam hướng đến nhiều nghiên cứu về các tác dụng phòng chữa bệnh của dược thảo. Cây Chùm ngây (Moringa oleifera Lam., Moringaceae) là một trong những đối tượng đang được quan tâm vì những tác dụng tích cực đến sức khỏe cộng đồng của các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học. Tất cả các bộ phận dùng của cây Chùm ngây đều có những công dụng thiết thực trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trong y học dân gian Ấn Độ, cây Chùm ngây được dùng để điều trị cổ trướng, thấp khớp, vết cắn có nọc độc, làm thuốc kích thích tim và hệ tuần hoàn. Hạt Chùm ngây có tác dụng diệt khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa và thường được sử dụng để làm sạch nguồn nước bị ô nhiễm. Lá Chùm ngây dùng uống để chữa sốt, viêm phế quản, viêm nhiễm ở da, mắt và tai, viêm màng ngoài tim; diệt giun sán; giảm cholesterol, ổn định huyết áp, bảo vệ gan; giảm cân, điều hòa đường huyết; sử dụng điều trị mẩn ngứa hay cải thiện các dấu hiệu của lão hóa da. Bột lá Chùm ngây khi dùng thường xuyên có khả năng cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm tăng tiết sữa ở phụ nữ đang cho con bú. Ở Philippin, lá Chùm ngây còn được được chỉ định phòng và điều trị thiếu máu, do chứa lượng sắt cao. Lá Chùm ngây hiện đang được hai tổ chức Thế giới WHO và FAO xem là giải pháp ưu việt cho các bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh dưỡng [1]. Đối với trẻ em từ 1 – 3 tuổi, mỗi 20 g lá tươi Chùm ngây cung ứng 90% calcium, 100% vitamin C, vitamin A, 15% sắt, 10% protein, lượng kali, đồng và vitamin B thiết yếu. Đối với các bà mẹ đang mang thai và cho con bú, chỉ cần dùng 100 g lá tươi mỗi ngày sẽ được bổ sung calci, vitamin C, vitamin A, vitamin E, sắt, đồng, magne, sulfur, các vitamin cần thiết. Do đó, lá Chùm ngây được xem là nguồn thực phẩm cho các trường hợp bị suy dinh dưỡng ở trẻ em và trẻ sơ sinh [3, 4].

Ở Việt Nam, cây Chùm ngây mọc hoang dại trên các đồi núi ở Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) và được trồng ở một số tỉnh Nam bộ. Người dân vẫn sử dụng lá Chùm ngây để chữa bệnh theo kinh nghiệm lâu đời của nhiều nước khác nhau trên thế giới hoặc dùng hạt vào việc lọc cho nước trong, lấy lá Chùm ngây làm rau ăn.

Bảng 1. Tóm tắt các tác dụng dược lý của các bộ phận dụng của cây Chùm ngây [2, 6, 7, 8]

Bộ phận dùngTác dụng dược lý
Chống xơ vữa động mạch Kháng viêm Kháng ung thư Kháng khuẩn Chống oxy hóa Bảo vệ gan Hạ cholesterol máu. Hạ lipid máu Hạ glucose máu Điều hòa miễn dịch Bảo vệ tế bào thần kinh
RễKháng viêm Kháng khuẩn Bảo vệ gan – thận
HoaKháng khuẩn Bảo vệ gan – thận
QuảKháng viêm Kháng ung thư Kháng khuẩn Chống oxy hóa Hạ cholesterol máu
HạtKháng viêm Kháng ung thư Chống khối u Kháng khuẩn Chống oxy hóa Điều hòa miễn dịch

Bảng 2. Những hoạt chất trong cây Chùm ngây và tác dụng sinh học theo hướng điều trị bệnh lý mạn tính [7, 8, 9]

Hợp chấtTác dụng sinh họcMô hình/Động vật nghiên cứuỨng dụng lâm sàng
Các flavonoid (Quercetin và các dẫn chất)Giảm sự tăng lipid máu Hạ đường huyết     Giảm biểu hiện của diacylglycerol acyltransferase Ức chế cholesterol esterase và α-glucosidase   Ức chế sự hoạt hóa của NF-κBThỏ, Chuột Zucker, Chuột lang     Nghiên cứu in vitro     Chuột nhắt trắng nuôi bằng chế độ ăn giàu lipidXơ vữa động mạch Đái tháo đường Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu   Bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường   Bệnh tim mạch
Acid chlorogenicHạ đường huyết Hạ cholesterol trong huyết tương và trong gan Giảm biểu hiện CD68, SERBP1c Chống béo phì Ức chế các enzym liên quan với bệnh đái tháo đường týp 2Chuột cống trắng Chuột Zucker Chuột lang   Chuột nhắt trắng nuôi bằng chế độ ăn giàu lipidĐái tháo đường Bệnh tim mạch Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu   Bệnh béo phì, bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường
Các alkaloidBảo vệ timChuột cống trắng bị gây độc trên timBệnh tim mạch  
Các tanninKháng viêmChuột cống trắngBệnh tim mạch Ung thư
Các isothiocyanatGiảm biểu hiện các marker viêm Giảm đề kháng insulin   Ức chế tín hiệu NF-κBĐại thực bào RAW 264.7 Chuột nhắt trắng Tế bào ung thư vúBệnh tim mạch   Đái tháo đường   Ung thư
β-sitosterolGiảm sự hấp thu cholesterolChuột cống trắng nuôi bằng chế độ ăn giàu lipidBệnh tim mạch

Tài liệu tham khảo

  1. Brilhante RSN, Sales JA, Pereira VS, Castelo-Branco DSCM, Cordeiro RA, de Souza Sampaio CM, de Araújo Neto Paiva M, Santos JBFD, Sidrim JJC, Rocha MFG (2017), Research advances on the multiple uses of Moringa oleifera: A sustainable alternative for socially neglected population. Asian Pac J Trop Med., 10(7):621-630.
  2. Fahey JW (2005), Moringa oleifera: a review of the medical evidence for its nutritional, therapeutic, and prophylactic properties. Part 1. Trees Life J., 1 (5): 1-15.
  3. Martin C, Martin G, Garcia A, Fernández T, Hernández E, Puls L (2013), Potential applications of Moringa oleifera. A critical review. Pastosy Forrajes, 36:150–158.
  4. Piyush Kashyap, Shiv Kumar, Charanjit Singh Riar, Navdeep Jindal, Poonam Baniwal, Raquel P. F. Guiné, Paula M. R. Correia, Rahul Mehra, Harish Kumar (2022), Recent Advances in Drumstick (Moringa oleifera) Leaves Bioactive Compounds: Composition, Health Benefits, Bioaccessibility, and Dietary Applications. Antioxidants (Basel) 2022 Feb; 11(2): 402. Published online 2022 Feb 16. doi: 10.3390/antiox11020402
  5. Rocío Peñalver, Lorena Martínez-Zamora, José Manuel Lorenzo, Gaspar Ros, Gema Nieto (2022), Nutritional and Antioxidant Properties of Moringa oleifera Leaves in Functional Foods. Foods. 2022 Apr; 11(8): 1107. Published online 2022 Apr 12. doi: 10.3390/foods11081107.
  6. Satish V. Patil, Bhavana V. Mohite, Kiran R. Marathe, Narendra S. Salunkhe, Vishal Marathe, Vikas S. Patil (2022), Moringa Tree, Gift of Nature: a Review on Nutritional and Industrial Potential. Curr. Pharmacol. Rep. 2022; 8(4): 262–280. Published online 2022 May 16. doi: 10.1007/s40495-022-00288-7
  7. Saini RK, Sivanesan I, Keum YS (2016), Phytochemicals of Moringa oleifera: A review of their nutritional, therapeutic and industrial significance. Biotech., 6(2): 203.
  8. Tejas GH, Umang JH, Payal BN, Tusharbinu DR, Pravin TR (2012), A panoramic view on pharmacognostic, pharmacological, nutritional, therapeutic and prophylactic values of Moringa oleifera Lam. Int. Res. J. Pharm., 3: 1–7.
  9. Vergara-Jimenez M, Almatrafi MM, Fernandez ML (2017), Bioactive Components in Moringa oleifera Leaves Protect against Chronic Disease. Antioxidants (Basel),16(4): E91.

Tổng hợp: PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hương

Bộ môn Dược lý-Dược lâm sàng


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172