Stress ở sinh viên – Tình trạng báo động hiện nay


Cập nhật lần cuối vào 08/03/2024

TS.BS. Huỳnh Tấn Tiến
Khoa Y, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 25% gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, căng thẳng. Stress chỉ đứng sau bệnh tim mạch về gánh nặng bệnh tật.

50% bệnh nhân không được phát hiện

Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress như hoảng sợ, ám ảnh, rối loạn sang chấn và lo âu. Có tới 50% bệnh nhân mắc rối loạn do stress không được phát hiện.

Stress là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần cần phải được quan tâm trong các trường đại học, cao đẳng, nhất là sinh viên khối sức khỏe. Tình trạng stress ở sinh viên được ghi nhận là rất nghiêm trọng.

Tỷ lệ và mức độ stress trong thời kỳ này cao hẳn hơn các thời kỳ khác trong cuộc đời. Trong thời kỳ dịch Covid-19 các em phải học online với bao lo lắng, căng thẳng làm cho tình trạng stress tăng cao, thầy cô phàn nàn các em rất thụ động, chất lượng học giảm.

Nghiên cứu năm 2019, tỷ lệ sinh viên y học dự phòng Đại học Y Dược TPHCM mắc stress, lo âu, trầm cảm là 45,5%.

Nghiên cứu tại một trường ở TPHCM năm 2020 tỷ lệ stress là 37,9%. Các mức độ stress được phân bố lần lượt: Stress nhẹ 12,6%, stress vừa 9,9%, stress nặng 11,3% và stress rất nặng chiếm 4,1%.

Tình trạng stress rất đáng được quan tâm khi tỷ lệ stress ở mức độ nặng và rất nặng khá cao.

Một nghiên cứu năm 2021 tại một trường Cao đẳng ở Đồng Nai cho thấy, sinh viên có stress rất nặng cũng hơn 10%. Stress liên quan nhiều lĩnh vực như năng lực sinh viên, sự tiếp cận với giáo viên, mối quan hệ thầy trò và phương tiện học tập.

Về mặt tinh thần, khi bị stress, tính tình thường trở nên khó chịu, dễ cáu gắt, bực dọc, lo âu, thiếu kiên nhẫn. Thiếu hứng thú với các hoạt động, chán nản và uể oải khi học tập giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, có cái nhìn tiêu cực, bi quan. Tâm trạng luôn lo lắng, bồn chồn bất an, kích động, gặp ác mộng thường xuyên, khó kiểm soát hành vi và cảm xúc.

Bệnh lý thực thể: Thường xuyên mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn và dễ thức giấc.Thay đổi thói quen ăn uống. Stress còn gây ra các triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi, chóng mặt, cơ thể uể oải, giảm năng lượng, đau dạ dày, trướng bụng, tiêu hóa kém…

Stress kéo dài gia tăng mắc các bệnh lý

Stress kéo tụt thành tích kém do thiếu tập trung khi học tập, cơ thể mệt mỏi, uể oải, dễ phát sinh mâu thuẫn với bạn bè, người thân do khó kiểm soát cảm xúc và hành vi. Sinh viên đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như trầm cảm. rối loạn giấc ngủ.

Stress kéo dài cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như viêm loét dạ dày tá tràng, cao huyết áp, thiếu máu não, rối loạn tiền đình. Với những người có cơ địa dị ứng, căng thẳng làm bùng phát hen suyễn, viêm da cơ địa và các bệnh lý khác.

Để giảm stress đối với sinh viên, các trường cần quan tâm chăm sóc sinh viên từ cơ sở vật chất, tạo môi trường học thân thiện, có các chương trình sinh hoạt tốt để các em xem trường là của mình, gắn bó và đi đâu cũng nhớ về trường…

Thầy cô giáo phải gần gũi, yêu thương sinh viên, có phương pháp giảng dạy tốt, làm sao để các em đặt niềm tin và yêu thương gắn bó thầy trò.

Đối với gia đình, phải quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cho các em học tập, tham gia công việc gia đình và theo dõi các em phát hiện những triệu chứng bất thường để kịp thời điều trị.

Còn bản thân sinh viên cần nâng cao sức khỏe thường xuyên, điều chỉnh lối sống, nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn để tăng cường sức đề kháng với stress, ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục để giữ cơ thể khỏe mạnh, không để tăng cân hay xuống cân quá nhanh, quản lý tốt thời gian.

Đặc biệt phải thực hiện liệu pháp thư giãn, có tác dụng làm giảm nhịp tim, nhịp thở để đối kháng lại phản ứng stress.

Ăn uống đầy đủ và quân bình chất dinh dưỡng như chất bột là 55 – 60%, đạm 20%, béo 22%; chú trọng đạm động vật, béo thực vật. Ăn nhiều rau và trái cây để đảm bảo lượng vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước, không để táo bón.

Ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, vận động thể dục 30 phút như đi bộ, tập thể dục… Nghỉ ngơi và giải trí phù hợp, không nên suốt ngày làm việc với máy tính và điện thoại. Tổ chức tốt góc học tập.

Quan hệ tốt với bạn với nhóm học tập và có phương pháp học tập khoa học. Ghi chép, tóm tắt bài học để ôn thi dễ dàng không bị stress trong mùa thi.

Bài gốc ở BÁO TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172