Các Startup Việt tô đậm hình ảnh ngôi sao vàng trên bản đồ khởi nghiệp của thế giới


Cập nhật lần cuối vào 06/01/2021

Đứng thứ 3 về số lượng start-up cũng như các thương vụ đầu tư tại Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành một cường quốc khởi nghiệp, tô đậm lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng trên bản đồ khởi nghiệp thế giới.

ơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia nhận xét, Việt Nam đã tăng trưởng “phi thường” về số lượng start-up.

Số lượng start-up tăng theo cấp số nhân

Theo báo cáo Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019 do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade) công bố, Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Báo cáo chỉ rõ, bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam có thể bắt nguồn từ năm 2004, khi Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường. Kể từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn phát triển: làn sóng đầu tiên vào những năm 2004 – 2007; làn sóng thứ hai vào những năm 2007 – 2010 và làn sóng thứ ba từ năm 2011 đến nay.

Austrade nhận xét, Việt Nam đã tăng trưởng “phi thường” về số lượng start-up, từ con số 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Đặc biệt, các không gian làm việc chung (co-working space), vườn ươm khởi nghiệp, tăng tốc khởi nghiệp cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp bùng nổ từ năm 2016.

Hàng loạt co-working space như Toong, Up, Dreamplex, Circo, Hatch!, Nest, Hub.IT… ra đời để phục vụ cộng đồng khởi nghiệp. Các chương trình đầu tư, đào tạo mới như Vietnam Silicon Valley, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), cùng nhiều cơ sở ươm tạo thuộc các cơ quan chính phủ, trường đại học và viện nghiên cứu cũng được ra mắt.

Khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ và thường xuyên theo sát giới khởi nghiệp trong nhiều năm, ông Phạm Anh Cường, sáng lập, CEO Hệ sinh thái doanh nghiệp BestB, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital cho biết, hiện nay, số lượng start-up của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh so với thời kỳ trước, chất lượng cũng được nâng lên, hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước cũng đã tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh.

“Những người Việt trẻ rất nhanh nhạy, nên đã phần nào bắt kịp xu hướng công nghệ trên thế giới. Các start-up Việt cũng đã bắt đầu hòa nhịp với giới khởi nghiệp quốc tế, chủ động ra nước ngoài gọi vốn và tham gia các cuộc thi trên thế giới.…”, ông Cường nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc VinaCapital Ventures cũng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang dần hoàn thiện, nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức Chính phủ và khối tư nhân. Tuy nhiên, ông Khanh nhấn mạnh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là một quá trình dài hạn và không có điểm dừng, kể cả những hệ sinh thái phát triển nhất như ở Thung lũng Silicon vẫn còn đang thay đổi và hoàn thiện từng ngày, từng giờ.

Trở thành cường quốc trên bản đồ khởi nghiệp

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành ESP Capital đánh giá, chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong mảng khởi nghiệp để trở thành một cường quốc trên bản đồ khởi nghiệp.

Theo bà Uyên Vy, Việt Nam đang là một trong những điểm đến tiềm năng nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, nhiều start-up Việt đã tận dụng rất tốt xu thế này để tạo ra những sản phẩm có giá trị thực, tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng nhờ ứng dụng công nghệ hiệu quả. Việc tận dụng AI (trí tuệ nhân tạo) cũng là một bước tiến mạnh mẽ, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam ghi dấu ấn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

2 năm trước, Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trên 6 nước Đông Nam Á về số vốn và số thương vụ đầu tư khởi nghiệp, nhưng đến năm 2018, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 và xu thế tăng trưởng ngày càng đậm nét. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, các start-up Việt Nam đã huy động tổng cộng 246 triệu USD, cao hơn kết quả đã đạt được năm 2018 (theo số liệu từ Topica).

“Sở dĩ, Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, miền đất hứa của giới khởi nghiệp là nhờ 4 yếu tố: tài năng, ngân quỹ đầu tư dồi dào, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và sự ủng hộ tích cực từ Chính phủ”, bà Uyên Vy nhận định.

Giám đốc điều hành ESP Capital cũng dự báo, với những điều kiện thuận lợi, Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ cho giới khởi nghiệp trong vòng 15 năm nữa – khi dân số vẫn trong giai đoạn “tỷ lệ vàng”. Cụ thể, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sẽ bùng nổ; còn du lịch, y tế và logistics là những lĩnh vực mà theo bà Uyên Vy, nếu áp dụng công nghệ tốt có thể thắng lớn. Đặc biệt, những start-up có khả năng thực thi tốt, tập trung vào nhóm khách hàng trẻ và trung lưu được kỳ vọng sẽ phát triển vượt trội.

Nguồn baodautu


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172