Cập nhật lần cuối vào 10/05/2020
Chương trình sẽ được tổ chức trong cả hai học kỳ của năm học 2019 – 2020. Để có thêm thông tin về chương trình thú vị này, chúng tôi đã trao đổi với PGS.TS. Lê Khắc Cường, Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
PV: Xin chào thầy. Được biết Trường ĐHQT Hồng Bàng và Trường THPT Nguyễn Du TP.HCM phối hợp tổ chức các chuyên đề tích hợp kiến thức Việt Nam học cho học sinh khối 10 và 11 của Trường THTP Nguyễn Du. Xin thầy cho biết rõ hơn về chương trình này.
PGS.TS. Lê Khắc Cường: Vài năm gần đây, một số trường THPT tại TP. HCM đã từng bước đưa các kiến thức mới về văn hoá Việt Nam vào chương trình học (chính khoá hoặc ngoại khoá) nhằm nâng cao hiểu biết về đất nước, con người, văn hoá Việt Nam, qua đó giúp học sinh thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống của dân tộc. Chương trình hợp tác giữa Trường ĐHQT Hồng Bàng và Trường THPT Nguyễn Du nằm trong hướng đi đó. Hiệu trưởng đã giao việc này cho Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế thực hiện. Suốt 2 tháng qua chúng tôi đã cố gắng để có một chương trình vừa thiết thực, vừa phù hợp với học sinh bậc trung học, không trùng lặp với những gì các em đã học.
PV: Thưa thầy, chương trình giảng dạy do Viện đề xuất hay do Trường THPT Nguyễn Du thiết kế và Khoa biên soạn? Cụ thể chương trình đó bao gồm những chuyên đề gi?
PGS.TS. Lê Khắc Cường: Để có một chương trình phù hợp, chúng tôi đã xem lại các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn từ bậc phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học nhằm tránh trùng lắp những kiến thức mà các em đã học, sau đó dự kiến nội dung các chuyên đề. Tôi đã họp với BGH Trường PTTH Nguyễn Du để thống nhất chương trình. Về cơ bản, Trường PTTH Nguyễn Du thống nhất với đề xuất của chúng tôi và đồng ý tổ chức giảng dạy ngay từ giữa tháng 9/2019 cho đến giữa tháng 11/2019. Chương trình bao gồm 4 chuyên đề.
- Việt Nam quê hương tôi do TS. Đỗ Xuân Biên biên soạn và trình bày;
- Văn hoá Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Văn Kha biên soạn và trình bày;
- Tôi yêu tiếng nước tôi do tôi biên soạn và trình bày;
- Nghệ thuật truyền thống Việt Nam do TS. Võ Sông Hương biên soạn và trình bày;
Các chuyên đề 1, 2, 3 do giảng viên cơ hữu của Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng phụ trách. Chuyên đề 4 chúng tôi mời TS. Võ Sông Hương, giảng viên thỉnh giảng của Trường phụ trách.
Theo lịch thì mỗi chuyên đề sẽ được trình bày trong 2 buổi, mỗi buổi 3 tiết vào các chiều thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hàng tuần. Các chuyên đề này sẽ được trình bày cho học sinh khối 10. Do sĩ số đông nên phải chia 3 lớp, mỗi lớp trung bình 150 học sinh. Chương trình kéo dài từ đầu cho đến hết học kỳ 1 là vì thế.
PV: Thế sang học kỳ 2 thì sao ạ? Chương trình sẽ dừng lại hay tiếp tục với khối 11, 12, thưa thầy?
PGS.TS. Lê Khắc Cường: Trong buổi làm việc với BGH Trường THPT Nguyễn Du, các thầy cô mong muốn Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tiếp tục biên soạn thêm các chuyên đề về Việt Nam để trình bày cho học sinh.
Chúng tôi dự kiến sẽ biên soạn tiếp các chuyên đề như Trang phục truyền thống Việt Nam, Ẩm thực Nam Bộ, Lịch sử khai phá đất phương Nam, Các di sản vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, Báo chí Việt Nam giai đoạn khởi thuỷ,…
PV: Khối lượng công việc lớn như thế, chắc các thầy cô sẽ vất vả?
PGS.TS. Lê Khắc Cường: Chắc thế (cười). Tuy nhiên, chúng tôi vui vì được giới thiệu những kiến thức về Việt Nam với các em học sinh. Nói chuyện với các em học sinh phổ thông cũng là một trải nghiệm thú vị cho các thầy cô lâu nay quen dạy bậc đại học!
Lực lượng của Khoa có đến 40 giảng viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nên hy vọng chúng tôi sẽ hoàn thành công việc này. Lĩnh vực nào thiếu, chúng tôi sẽ mời thêm các thầy cô ngoài trường tham gia. Chẳng hạn giai đoạn 1 chúng tôi mời TS. Võ Sông Hương chuyên ngành Văn hoá học cộng tác. Cô Hương có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật vì từng là diễn viên. Khi trình bày chuyên đề Nghệ thuật truyền thống Việt Nam, cô vừa đối thoại, vừa… diễn xướng, nên các em học sinh rất thích.
PV: Vâng, cảm ơn thầy về những chia sẻ thú vị này. Chúc chương trình hợp tác giữa hai trường thành công tốt đẹp.