Cập nhật lần cuối vào 25/05/2021
TS Vũ Gia Phong từng học chuyên ngành Neuro Science (thuộc về khoa học thần kinh) kết hợp với chương trình Artificial Intelligence (Trí tuệ Nhân tạo) để lập trình. Nhưng từ những biến cố, TS Phong quyết định học sâu chuyên ngành vi sinh để nghiên cứu y sinh chủ yếu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Con đường vươn tới ước mơ bác sĩ, tiến sĩ
Từ đam mê cá nhân về những lập trình
Lần đầu, chân ướt chân ráo qua Mỹ và chưa ôn thi, Vũ Gia Phong đạt được số điểm 1410/1600 ở kỳ thi SAT (trong đó 800 – số điểm tối đa của môn toán). Sau đó, với một cuốn sách mượn trong thư viện về SAT, anh đã đạt 1600/1600 trong kiểm tra SAT lần thứ hai.
SAT là điểm bắt buộc đối với sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế khi muốn học chương trình cử nhân tại trường đại học. Đây là kỳ thi quan trọng để đánh giá năng lực, kiến thức tự nhiên và xã hội. SAT là chứng chỉ được nhiều trường đại học, cao đẳng ở Mỹ dùng để đánh giá kiến thức tự nhiên, xã hội và tư duy logic của thí sinh.
Năm 2002, TS Vũ Gia Phong vào học tại Đại học California, San Diego (University of California – UCSD) và tốt nghiệp với vị trí thủ khoa, 4.0/4.0. Tại đây, TS Vũ Gia Phong đã học kết hợp giữa khoa học thần kinh và trí tuệ nhân tạo cũng như máy tính.
Đến mơ ước cứu người khi sự sống người thân bị đe dọa
Sau đó, nhiều biến cố đã xảy ra. Một người bạn thân của Phong mất vì ung thư. Một năm sau đó, má của Phong cũng được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung.
“Má tôi được phẫu thuật. Bác sĩ nói bà có thể sẽ sống được 5 năm, nhưng đến nay bà đã sống khỏe được 10 năm rồi. Tôi mới quyết chí học y. Các thầy dạy đã khuyên tôi rằng, vi sinh vật dùng để trị liệu trong y học. Vì vậy, tôi cũng đã học ngành vi sinh học để tiếp tục nghiên cứu,” TS. Vũ Gia Phong chia sẻ.
Sau đó được GS Roger Tsien giới thiệu, Vũ Gia Phong vào học chuyên ngành Nutritional Sciences and Biochemistry tại trường UC Berkeley cũng thuộc hệ thống UC. Đây là hai chuyên ngành về dinh dưỡng chuyển hóa và hóa sinh.
UC Berkeley được xem là một trong những trường đại học công lập hạng nhất. Đại học này cũng được xếp hạng cao trên bản đồ quốc tế, theo đánh giá của nhiều bảng xếp hạng uy tín như webometrix, USnews….
Vũ Gia Phong còn nhận học bổng toàn phần sau đại học của UC Berkeley. Trong tổng số hơn 45.000 sinh viên sau đại học trực thuộc 10 trường trong hệ thống, anh là 1 trong số 4 sinh viên xuất sắc nhận được giải thưởng Luận án Tiến sĩ xuất sắc của Văn phòng Chủ tịch Viện Đại học California vào năm 2014.
“Dinh dưỡng chuyển hóa với hy vọng giúp nâng đỡ bệnh nhân ung thư. Môn hóa sinh cũng có một phần liên quan đến chuyển hóa, một phần liên quan đến gien di truyền. Chúng tôi theo học hóa sinh với GS Sidney Altman để nghiên cứu các biện pháp trị liệu phân tử bằng RNA bằng cách điều phối các sản phẩm sinh hóa có trong cơ thể, ức chế/kích hoạt tổng hợp gene, tạo ra vi khuẩn hay virus nhân tạo,” TS Vũ Gia Phong cho biết.
Những nghiên cứu y sinh cứu người của TS Vũ Gia Phong
Ngiên cứu y sinh về trị bệnh truyền nhiễm
Với nền tảng vi sinh vững chắc, đây là con đường nghiên cứu mà TS Vũ Gia Phong theo đuổi vì có thể cứu được nhiều người hơn. Trong đó, hướng nghiên cứu chủ yếu của TS Vũ Gia Phong là trị liệu gien, trị liệu phân tử và chẩn đoán phân tử.
“Chẩn đoán phân tử là thiết kế các thí nghiệm để xem con người mắc bệnh gì, biến chủng virus gì. Tôi đã tham gia trong nhóm nghiên cứu bộ kit phát hiện chẩn đoán biến chủng EV71 gây ra bệnh tay chân miệng tại Quảng Đông, Quảng Châu, Vũ Hán, Hồ Bắc… vào năm 2012. Sau đó bộ kít này cũng đã được đi vào sản xuất,” TS Vũ Gia Phong cho biết.
Kéo phân tử
Ngoài ra, TS Vũ Gia Phong còn phát triển kéo phân tử cắt được hầu hết các loại virus có RNA. Nhiều bài báo cáo nghiên cứu của anh đã đăng trên Viện Hàn lâm Hoa Kỳ cho thấy anh đã sử dụng kéo phân tử cắt được các chuỗi RNA của virus HIV1, HBV… như một loại thuốc trị liệu, giúp không sản sinh ra virus được nữa.
Sau đó, năm 2013, anh đã nghiên cứu về trị liệu phân tử đối với virus viêm gan siêu vi B – HBV. Kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên ấn phẩm Molecular Therapy thuộc tạp chí Nature.
TS Vũ Gia Phong nhấn mạnh, chúng ta có thể mơ bay cao để đi xa
Năm 2017, anh thực hiện một nghiên cứu khác với kéo phân tử trên trị liệu nhiễm Cytomegalovirus (HCMV), đặc biệt trên phụ nữ mang thai. Một số trẻ bị nhiễm bệnh này có thể khiến thần kinh phát triển kém, dẫn đến khiếm thị hay khiếm thính.
“Tôi mong muốn những nghiên cứu này trong thời gian tới sẽ được triển khai trong trị liệu lâm sàng. Và tôi còn đang nghiên cứu kéo phân tử trong cắt chuỗi thông tin mRNA tạo ra protein sinh ung,” TS. Vũ Gia Phong nói thêm.
Phát triển nghiên cứu tại khoa Y, Đại học Quốc tế Hồng Bàng
TS. Vũ Gia Phong chia sẻ, anh đã mở một số khóa nghiên cứu ngắn cho các sinh viên khoa Y, HIU. Qua đó, sinh viên khoa Y, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, sẽ được hướng dẫn sử dụng kéo phân tử để cắt một số virus. Ngoài ra TS Vũ Gia Phong còn dạy các sinh viên khoa Y chiết xuất hoạt chất, pha thạch nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ… Đây là một cầu nối giữa khoa Dược và khoa Y trong các nghiên cứu y sinh cũng như trong khám chữa bệnh.
“Chúng ta cần nuôi dưỡng cảm hứng cho các sinh viên. Đạt được những thành công nhỏ sẽ tạo nên niềm đam mê và ngược lại. Chúng ta hoàn toàn có thể mơ bay cao để đi xa. Ít ra khi bay lên cao, dù thành công một nửa, chúng ta cũng có thể thành ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời,” TS. Vũ Gia Phong khẳng định.