Cập nhật lần cuối vào 25/06/2021
Còn khoảng một tuần nữa thôi các sĩ tử sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi quan trọng làm cơ sở để mở cánh cửa đại học. Làm gì để giữ được phong độ tốt nhất từ nay cho đến khi kết thúc môn thi cuối cùng, đừng bỏ lỡ 5 tuyệt chiêu dưới đây nhé!
Viết ra kế hoạch ôn tập cho giai đoạn “nước rút”
Kỳ thi sắp đến rồi nhưng không việc gì phải “xoắn” cả nè! Việc cần làm lúc này là ôn tập kiến thức đã được học và cách tốt nhất là viết ra một kế hoạch ôn tập cụ thể cho từng môn.
Ví dụ, chúng ta sẽ phải làm bản kế hoạch ôn tập trong 7 ngày. Một ngày chúng ta sẽ có 3 buổi (Sáng – Trưa – Tối). Dựa vào đây chúng ta sẽ chia thành nhiều ô, mỗi ô tương ứng với một buổi học. Quy định số giờ cho mỗi ô tùy theo nhu cầu ôn tập của mỗi bạn. Rồi đặt lần lượt các môn thi vào các ô.
Việc này tuy có mất thời gian ban đầu nhưng lại tiết kiệm vô số thời gian cho bạn về sau, đặc biệt có bản kế hoạch trong tay bạn sẽ dàng theo dõi tiến độ ôn tập của mình và không bỏ sót môn học nào. Tuy nhiên, vẫn cần có sự “thiên vị” chút ít số giờ ôn tập dành cho các môn thi là tổ hợp môn đăng ký xét tuyển đại học nhé!
Học vẫn học nhưng chơi thì vẫn cứ chơi!
Trong những ngày “nước rút” như thế này dù cho chúng ta có học ngày học đêm, “học nhồi học nhét” thì chỉ khiến chúng ta “bội thực” kiến thức và mệt mỏi, áp lực hơn mà thôi. Nên nhớ là, chúng ta đã học đủ nhiều trong rất nhiều ngày trước đó rồi, bây giờ chỉ là giai đoạn hệ thống lại các kiến thức đã học mà thôi.
Ôn tập lại các bài học quan trọng theo kế hoạch đã viết ra ở trên một cách có hệ thống, xen kẽ với những giờ giải lao, giải trí, vui chơi. Trong những ngày cận ngày thi hãy thoải mái tinh thần, nghe nhạc, tám chuyện vui cùng bạn bè để xả stress và giữ cho tâm lý luôn ổn định trước khi bước vào kỳ thi.
Ăn những món bụng thích não yêu!
Nhiều thí sinh thường quan niệm nên ăn các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng, đậu trắng…), xôi gấc sẽ may mắn và dễ “đậu”. Thế nhưng đây là suy nghĩ không hoàn toàn đúng, bởi đậu dẫu là thực phẩm tốt nhưng nó không đủ để cung cấp năng lượng cho các bạn ôn tập và thi cử. Hơn nữa, kiến thức, dinh dưỡng và sự vững vàng trong tâm lý mới là những yếu tố quyết định đến kết quả thi cử. May mắn chỉ là một biến số rất nhỏ mà thôi.
Ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng (chất đạm, đường, chất béo, vitamin, khoáng chất) mới là điều cần thiết. Đặc biệt, các sĩ tử nên bổ sung các chất DHA, acid folic, magie… thường có trong các loại cá (cá hồi, cá thu, cá trích…) hay các loại rau có màu xanh đậm (rau ngót, cải bó xôi, súp lơ…) để tăng cường trí não, giúp ôn tập và làm bài tốt.
Chớ quên vận động, chớ lười thể thao
Khi ôn tập, đừng ngồi ở bàn học quá lâu mà sau 30 phút học hãy đứng lên, đi lại để thư giãn và thả lỏng các cơ. Việc này sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn, tránh đau lưng, đau vai…
Nếu được mỗi ngày hãy dành ít nhất 20-30 phút để tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng không những tốt cho sức khỏe, tinh thần thi cử cho thí sinh mà còn giúp loại bỏ nguy cơ tích tụ mỡ thừa gây tăng cân béo phì.
Giữ khoảng cách với 4 “khắc tinh” của giấc ngủ
Uống nhiều cà phê, chất kích thích (rượu, trà), ăn nhiều thực phẩm ngọt, béo, vận động và dùng điện thoại nhiều trước khi ngủ là 4 “khắc tinh” ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Thức khuya không những gây suy giảm hệ miễn dịch mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung, chóng mặt, nhức đầu… và làm bạn thiếu năng lượng, độ tập trung vào ngày hôm sau.
Để có một giấc ngủ chất lượng vào ban đêm, sĩ tử hãy chỉ sử dụng một lượng hợp lý cà phê hoặc những thực phẩm chứa caffein trước 5 – 6 giờ chiều mỗi ngày. Ngoài ra cũng không nên ăn nhiều đồ ăn ngọt, béo và vận động quá mức trước khi đi ngủ, vừa không tốt cho hệ tiêu hóa vừa khiến bạn cảm thấy năng động và cảm thấy khó đi vào giấc ngủ.
Đừng mãi mê nghịch điện thoại trước khi đi ngủ. Các thiết bị điện tử và ánh sáng phát ra có thể làm hỏng chất lượng giấc ngủ. Không sử dụng điện thoại di động trước khi đi ngủ, tắt bớt đèn sẽ giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn.
Bài: Loan Lê
Đồ họa: Phương Dung
Phòng Tuyển sinh và Truyền thông