Cập nhật lần cuối vào 06/04/2023
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, trên toàn thế giới ước tính có gần 20.000.000 ca mắc bệnh ung thư mới (cả hai giới, mọi lứa tuổi). Việt Nam có hơn 97.000.000 dân thì có 182.563 ca mắc bệnh ung thư mới, và số ca tử vong do ung thư trong năm 2020 là 122.690 1. Điều đó cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam vẫn còn khá cao. Ung thư giai đoạn cuối, đau là một trong những triệu chứng thường xuyên và gây ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của bệnh nhân2. Nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân trong các giai đoạn bệnh, chiến lược chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) đã được đẩy mạnh trên toàn cầu. Nhu cầu CSGN của bệnh nhân ung thư và các bệnh nan y khác ngày càng được công nhận, bao gồm cả nhu cầu kiểm soát cơn đau một cách đầy đủ 3. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, kiểm soát đau là mục tiêu hàng đầu trong thực hành CSGN. Xử trí đau có thể tiến hành tại các cơ sở y tế, tại nhà, cộng đồng 4. Opioid được khuyến cáo sử dụng trong các cơn đau từ trung bình đến nặng 4. Hiệu quả giảm đau của opioid trên bệnh nhân ung thư đã được chứng minh 5. Tuy nhiên việc sử dụng opioid trên thực tế vẫn chưa được tối ưu. Sử dụng opioid không đúng cách, xử lý opioid không thích hợp đã làm tăng khả năng lạm dụng thuốc tại Hoa Kỳ 6. Ngược lại, sử dụng opioid không đủ liều lượng sẽ kiểm soát cơn đau không hiệu quả. Bệnh nhân có thể trì hoãn việc uống opioid vì quá lo lắng về bất lợi của thuốc hoặc lo sợ bị nghiện 7. Điều đó nói lên rằng hiểu biết về sử dụng opioid không chỉ quan trọng đối với người làm công tác y tế mà còn quan trọng đối với bệnh nhân ung thư được điều trị giảm đau bằng opioid, càng quan trọng hơn khi họ đang được CSGN tại nhà.
Bệnh nhân cần được hướng dẫn và tư vấn kỹ cách sử dụng, lưu trữ và xử lý opioid an toàn trước khi sử dụng. Có nhiều khảo sát đã chứng minh bệnh nhân ung thư có nguy cơ sử dụng không đúng cách, lưu trữ không an toàn và không xử lý opioid không còn sử dụng8. Reddy A và cộng sự đã khảo sát các mô hình lưu trữ, sử dụng và thải bỏ opioid ở bệnh nhân ung thư ngoại trú (2014). Kết quả báo cáo cho thấy 26% sử dụng opioid không an toàn, 19% cất giữ opioid ở nơi dễ thấy, 69% cất opioid trong tủ không khóa và chỉ 9% có khóa 8. Trong một nghiên cứu gần đây, Gregorian R và cộng sự (2020) cho thấy những bệnh nhân được tư vấn về opioid có khả năng giữ thuốc ở vị trí có khóa cao hơn so với những người không nhận được tư vấn (42,4% so với 12,4%; P<0,0001) 9. Điều đó cho thấy bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng, lưu trữ và xử lý opioid an toàn có xu hướng thực hành tốt hơn, từ đó hạn chế phần nào tình trạng lạm dụng opioid.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA: Food and Drug Administration) và Cục quản lý Thực thi Thuốc của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DEA: Drug Enforcement Administration) đã có các hướng dẫn thống nhất về việc sử dụng, lưu trữ và xử lý opioid 10,11. Những điều nên làm và không nên làm được trình bày trong tài liệu giáo dục về opioid như sau 12-15.
Sử dụng opioid an toàn
– Chỉ sử dụng các loại thuốc opioid do bác sĩ kê đơn.
– Dùng thuốc theo quy định, không tự ý thay đổi liều lượng hay tự ý ngừng dùng opioid.
– Không dùng chung opioid với người khác.
– Không uống rượu và các loại thuốc bất hợp pháp khác khi dùng thuốc giảm đau opioid.
– Cung cấp cho bác sĩ điều trị danh sách các loại thuốc mình đang dùng.
Lưu trữ opioid an toàn
– Lưu trữ thuốc giảm đau opioid ở một nơi an toàn mà người khác không nhìn thấy ngoài bệnh nhân hoặc người chăm sóc chính giúp bệnh nhân quản lý thuốc.
– Cất giữ opioid nơi có khóa.
– Bảo quản thuốc cách xa trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và vật nuôi.
– Không nói với người khác mình đang dùng thuốc giảm đau opioid.
– Theo dõi số lượng thuốc đã sử dụng. Báo cáo bất kỳ loại thuốc nào bị thiếu cho cơ quan quản lý.
Xử lý opioid an toàn
– Nộp lại thuốc thừa cho cơ sở đã cấp/ bán thuốc khi không dùng hết.
– Không chia sẻ hoặc cho bất kỳ ai thuốc giảm đau opioid chưa sử dụng.
– Một số loại thuốc có thể được xả trong bồn cầu nếu không có sẵn các phương án xử lý khác, bao gồm buprenorphin, fentanyl, hydrocodon, hydromorphon, methadon, morphin, oxycodon, oxymorphon và tapentadol.
– Gấp các đầu dính của miếng dán fentanyl lại với nhau trước khi vứt bỏ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GLOBOCAN. Cancer Today. March, 2021. Accessed Jun, 10, 2022. https://gco.iarc.fr/
2. Wilkie DJ, Ezenwa MO. Pain and symptom management in palliative care and at end of life. Nursing outlook. Nov-Dec 2012;60(6):357-64. doi:10.1016/j.outlook.2012.08.002
3. Ferrell BR, Temel JS, Temin S, et al. Integration of Palliative Care Into Standard Oncology Care: American Society of Clinical Oncology Clinical Practice Guideline Update. Journal of clinical oncology : official journal of the American Society of Clinical Oncology. Jan 2017;35(1):96-112. doi:10.1200/jco.2016.70.1474
4. Bộ Y tế. Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ. Quyết định 183/QĐ-BYT. 2022:1-14.
5. Koyyalagunta D, Bruera E, Solanki DR, et al. A systematic review of randomized trials on the effectiveness of opioids for cancer pain. Pain physician. Jul 2012;15(3 Suppl):Es39-58.
6. WHO. Opioid overdose. Accessed Jun, 10, 2021. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/opioid-overdose
7. Nguyen LM, Rhondali W, De la Cruz M, et al. Frequency and predictors of patient deviation from prescribed opioids and barriers to opioid pain management in patients with advanced cancer. J Pain Symptom Manage. Mar 2013;45(3):506-16. doi:10.1016/j.jpainsymman.2012.02.023
8. Reddy A, de la Cruz M, Rodriguez EM, et al. Patterns of storage, use, and disposal of opioids among cancer outpatients. The oncologist. Jul 2014;19(7):780-5. doi:10.1634/theoncologist.2014-0071
9. Gregorian R, Marrett E, Sivathanu V, et al. Safe Opioid Storage and Disposal: A Survey of Patient Beliefs and Practices. J Pain Res. 2020;13:987-995. doi:10.2147/JPR.S242825
10. FDA. Where and How to Dispose of Unused Medicines. Accessed July, 06, 2021. https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/where-and-how-dispose-unused-medicines
11. DEA. Drug disposal information. Office of Diversion Control, Drug Enforcement Administration, U.S. Department of Justice Web site. Updated September. 9, 2014. Accessed July, 06, 2021. http://www.deadiversion.usdoj.gov/drug_disposal/index.html
12. FDA. Safe medicine disposal options. Updated December. 30, 2015. Accessed July, 06, 2021. https://www.fda.gov/drugs/news-events-human-drugs/safe-medicine-disposal-options
13. CDC. U.S. Opioid Dispensing Rate Mapsactive ingredient. Accessed November, 06, 2022. https://www.cdc.gov/drugoverdose/rxrate-maps/index.html
14. FDA. Lock it Up: Medicine Safety in Your Home. Accessed July, 06, 2021. https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/lock-it-medicine-safety-your-home
15. Reddy A, de la Cruz M. Safe Opioid Use, Storage, and Disposal Strategies in Cancer Pain Management. The oncologist. Nov 2019;24(11):1410-1415. doi:10.1634/theoncologist.2019-0242
Nguyễn Thị Ngọc Yến
Bộ môn Dược lý – Dược lâm sàng