Cập nhật lần cuối vào 31/05/2022
Hơn 500 sinh viên Y khoa học ở các trường đại học trên địa bàn TPHCM háo hức tham dự hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Ngày 26/5, tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng diễn ra Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” do Báo Tiền Phong phối hợp với trường đại học này tổ chức. Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của lãnh đạo Bộ Y tế, các báo cáo tham luận, thảo luận từ nhiều bệnh viện đã mang đến thông tin đa chiều, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cố y khoa.
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong, cho biết, sự cố y khoa dù là điều không mong muốn nhưng rất dễ xảy ra trong thực tế khám chữa bệnh. Nguyên nhân có thể do khách quan hoặc chủ quan, vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là nhận diện để hạn chế tối đa việc này, nếu đã xảy ra thì hạn chế tối đa tác hại của sự cố.
Trong phát biểu của mình, Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết: là một trường đại học với 36 ngành, đa bậc học từ đại học đến sau đại học, gồm thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa I, đào tạo liên tục… và đa lĩnh vực, trong đó lấy khối ngành sức khỏe làm mũi nhọn với đầy đủ các chuyên ngành Y, Dược, Điều dưỡng, Xét nghiệm y học, Vật lý trị liệu-phục hồi chức năng, bên cạnh các khối Quản trị – Kinh tế – Luật; Khoa học xã hội nhân văn, Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Kỹ thuật công nghệ và Viện giáo dục-đào tạo giáo viên.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và xem những hội nghị khoa học như thế này là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, cho cả giảng viên, sinh viên, học viên. Những hội nghị khoa học này không chỉ đem lại giá trị cho đội ngũ thầy thuốc, mà còn là nơi học tập vô cùng thiết thực cho lớp lớp sinh viên khối sức khỏe, là đội ngũ bác sĩ tương lai.
“Hiện tại trong hội trường chúng ta hôm nay, cũng đang có sự hiện diện của nhóm sinh viên quốc tế đầu tiên chọn Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng để học ngành y khoa. Các bạn cũng vô cùng háo hức được tham dự sự kiện y khoa đầy bổ ích này và xem đây là những cơ hội quý giá mà các bạn may mắn có được, như các bạn vừa chia sẻ với tôi trong ít phút trước khi sự kiện diễn ra”, bà Quyên nói.
Chia sẻ tại hội thảo, Thầy thuốc nhân dân Lương Ngọc Khuê- Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng sự cố y khoa là câu chuyện phong phú, cần hiểu rõ để xử lý và phòng ngừa. Theo ông Khuê, nếu xảy ra sự cố y khoa thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân.
Khi xảy ra sự cố y khoa thì phòng Công tác xã hội của các bệnh viện là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Sự cố này là điều không ai mong muốn, nên cần phải chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau sự cố.
“Sự cố y khoa không chỉ ở Việt Nam mà tất cả nước tiên tiến đều xảy ra. Các sinh viên cần hiểu biết thêm về pháp luật, nhà trường cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học như thế này để sinh viên tiếp cận thực tế. Thầy thuốc phải được mua bảo hiểm trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho mình” – Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê nói.
Dưới góc độ người làm công tác đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Thành Đức, Trưởng khoa Y, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng bộc bạch: “Sinh viên ngành Y cần phải đối diện, làm quen và làm chủ với sự cố y khoa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Ông Đức cũng mong muốn, Bộ Y tế cần đưa nội dung an toàn người bệnh trở thành một môn học chính thức trong chương trình đào tạo của các trường đại học khối ngành sức khỏe. Bởi đây là vấn đề giúp đảm bảo sức khỏe trực tiếp cho người bệnh và góp phần kiểm soát và xử lý tốt ngay khi sự cố xảy ra.
Sau hội thảo, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã trao học bổng Hippocrates các học sinh xuất sắc có nhiều thành tích trong học tập, hoạt động ngoại khóa, có truyền thống gia đình công tác trong ngành Y tế và mơ ước theo học ngành sức khoẻ. Đó là các em:
Huỳnh Quách Minh Châu- học sinh lớp 12A3 trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai;
Từ Sĩ Hưng đến từ trường Trung học phổ thông Ischool Nha Trang;
Bùi Vũ Minh Thư là học sinh giỏi của trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong;
Phạm Lê Hoàng Minh đến từ Trường UK Academy Bà Rịa.
Đặc biệt, trong số những gương mặt xuất sắc nhận học bổng này còn có những học sinh quốc tế như Ana Rebeca Munoz Tejada – sinh năm 2002, đến từ Cộng hòa Honduras (một quốc gia tại Trung Mỹ); Danila Lopatchenko – sinh năm 2002, đến từ Nga và Samson Olayiwola -sinh năm 2002, đến từ Nigeria. Mỗi em được nhận học bổng lên đến 250 triệu đồng/suất.
Nguồn: Báo Giáo Dục Việt Nam
Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông