Cập nhật lần cuối vào 29/05/2021
Ngày 16 tháng 06 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 (sau đây gọi là Luật năm 2020). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và thay thế Luật Thanh niên số 53/2005/QH11.
So với Luật thanh niên năm 2005, Luật năm 2020 đã có nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm đáng chú ý như sau:
– Thứ nhất, quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của thanh niên khi khẳng định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Thứ hai, Luật năm 2020 xác định 07 nguyên tắc để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên, trong đó có những nguyên tắc mang tính nền tảng như: Quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên, v.v…
– Thứ ba, Luật năm 2020 đã dành một Điều quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Theo đó, nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và đóng góp hợp pháp khác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài.
– Thứ tư, lần đầu tiên quy định về Tháng thanh niên là vào tháng 3 hàng năm và quy định trách nhiệm đối thoại về thanh niên của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ít nhất mỗi năm một lần. Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, việc đối thoại với thanh niên thực hiện theo yêu cầu của tổ chức thanh niên.
– Thứ năm, quy định các chính sách của nhà nước đối với thanh niên trong 06 nhóm lĩnh vực liên quan mật thiết đến thanh niên bao gồm: Học tập và nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc để làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước tổ chức triển khai thực hiện chính sách đối với thanh niên hoặc lồng ghép trong các chính sách chung theo ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về các chính sách đối với các nhóm thanh niên đặc thù như thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; thanh niên có tài năng; thanh niên là người dân tộc thiểu số và thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
– Thứ sáu, Luật dành ra một Chương (Chương IV) để quy định về vai trò, vị trí và trách nhiệm của các tổ chức thanh niên. Đồng thời, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức thanh niên trong việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
– Thứ bảy, quy định rõ hơn về trách nhiệm của các tổ chức liên quan, cơ sở giáo dục và gia đình đối với thanh niên.