Trong cuộc sống, luôn có những lúc bản thân không ngừng suy nghĩ. Suy nghĩ về cuộc sống xung quanh, ngành nghề, sở thích,… Và cả các kỹ năng của bản thân đang đạt ở điểm nào? Làm thế nào để có thể nâng cao giá trị của mình, cũng như tìm kiếm phương pháp phù hợp cho việc “tồn tại” trong mấy chục năm đời người?
Có một điểm thú vị, những người suy nghĩ về vấn đề đó hầu như là những người hướng nội, hay đơn giản hơn là những người thiếu một vài kỹ năng, trong đó có kỹ năng cực kì quan trọng, kỹ năng “giao tiếp”.
“Tại sao ông ấy/bà ấy nói chuyện tốt vậy nhỉ? Ngưỡng mộ ghê, nhưng mà mình sợ quá, chắc không làm được đâu.” Vân vân mây mây, muôn vàn sự sợ hãi khi đa số hiện nay, nhiều người không thể nâng cao được cách giao tiếp từ sinh hoạt hằng ngày, xin việc làm, đến hợp tác, tìm hiểu về các mối quan hệ, thể hiện trình độ ăn nói trước đám đông,…
Từ đây, một Thạc sĩ Tâm lý học trường Đại học Sư Phạm Bắc Kinh đã mang đến cuốn sách với tựa đề đánh giá cực kì cao kỹ năng ăn nói: “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ” – Trác Nhã. Cuốn sách giải quyết vấn đề và đưa ra các phương pháp, dẫn chứng để hướng dẫn người đọc trở thành người khéo ăn nói, cải thiện mức độ của các mối quan hệ, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, tự tin chia sẻ.
Cuốn sách mang nhiều hương vị, thực tiễn và đáng để đọc một lần trong đời
Là nhà Tâm lý học, Trác Nhã xây dựng và viết “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ” một cách thông minh. Sách được chia ra thành hai phần và nhiều chương, dù vậy, vẫn rất đầy đủ, rõ ràng, phân tích nhiều khả năng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, phần I – Dám nói chuyện đảm bảo thu hút trong quá trình người đọc tìm hiểu hoặc phân vân có nên tiếp tục hay không; bất kỳ lứa tuổi nào cũng sẽ nhận ra việc bản thân thiếu sót phần nào và ngạc nhiên, nó hiển nhiên đúng, nhưng chưa biết cách áp dụng sao cho tối ưu hóa nhất.
Dám nói chuyện – Ba chữ nghe ngắn gọn, nhưng lại cực kì khó. Khó ở đây không phải về mức độ được phân chia: “Dễ – trung bình – khó” như toán hay các môn học hoặc lĩnh vực, mà là về con người. Nôm na, sợ hãi và ngại ngùng là lí do chính.
Điều này thường xuyên thấy ở nhiều kiểu người:
Những người ngại giao tiếp (giới trẻ phần nhiều), buộc mình vào căn phòng, không tiếp xúc, khi đó ngôn từ sẽ bị hạn chế nhiều với thế giới xung quanh.
Kiểu người suy nghĩ tiêu cực, những ý niệm tiêu cực ngay chính về bản thân làm họ trở nên thua thiệt, mất khả năng cạnh tranh trong sinh hoạt hàng ngày, công việc, quan hệ.
Kiểu người chênh lệch học vấn, nghề nghiệp. Kiểu người này bao gồm luôn hai dạng trên (Người chênh lệch học vấn vướng phải việc ngại giao tiếp và suy nghĩ tiêu cực), điều đó càng làm sự phân chia rõ rệt ở thế giới. Thực tế hơn, họ luôn bị chèn ép bởi ý thức mình ở dưới, mà ở dưới không đủ kiến thức và trình độ nói cùng giai cấp khác, cực kì tai hại.
Tổng hợp ở trên, chúng ta bắt đầu nhận ra thêm lý do, được xem hẳn thành căn bệnh: “Bệnh lười”. Không phải ai sinh ra đều là thiên tài, cũng không phải tự dưng mà thành công lại đến, bất kì lĩnh vực nào cũng đều như vậy, ăn nói cũng không ngoại lệ. Điểm qua một vài ví dụ trong “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ” đề cập để biết tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ là đáng có đến thế nào?
Abraham Lincoln – Một người mắc tật nói lắp trước khi đi vào quá trình tự rèn luyện cùng tích lũy kinh nghiệm, học tập để rồi trở thành một luật sư, nhà hùng biện, chính trị gia cực kì xuất sắc, tiếp bước đến lúc trở thành một Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ.
Hillary Cliton là một ví dụ khác, năm 13 tuổi được xem diễn thuyết, từ đó bà luôn tích cực, thay đổi mình với cuộc sống năng động. Sau nhiều năm, Hillary trở thành một nghị sĩ Quốc hội, giúp chồng mình đắc cử Tổng thống hai lần, bản thân cũng trở thành ngoại trưởng Mỹ.
Dù rằng, chắc chắn không phải tất cả mọi người đều có thể nói thực sự lưu loát, khiến ai cũng ngưỡng mộ, tâm lý vẫn ảnh hưởng phần nhiều nhưng, “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ” giúp ta có những phương pháp tác động tâm lý hạn chế vấn đề ‘gượng gạo’, lo lắng khi buộc nói chuyện trước đám đông, thuyết trình, cải thiện để bản thân tự tin hơn, từ đó qua các chuyên mục khiến chúng ta trở nên bớt áp lực trong giao tiếp.
Hoàn cảnh, vị trí, đối tượng ảnh hưởng đến giao tiếp như thế nào?
Không phải đơn thuần học kỹ năng giao tiếp, ăn nói chỉ để áp dụng vào một hoàn cảnh duy nhất, một lĩnh vực cụ thể, con người duy nhất, mà tùy thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng, linh hoạt xử lý, phản ứng lại thông minh bằng lời nói mới là yêu cầu của giao tiếp.
Cuộc sống thường nhật, gặp gỡ người lạ, bạn bè, biết cách nói chuyện sẽ làm mối quan hệ trở nên dễ dàng hơn, được bôi trơn và cải thiện cảm xúc với nhau, đỡ hơn chỉ chào đơn giản “Hi”. Hoặc, khi phỏng vấn xin việc, nói chuyện với cấp trên, bàn luận cấp dưới, giao tiếp công sở, bán hàng, tư vấn khách hàng, diễn thuyết, cởi mở trong tiệc tùng để tránh lạc lõng,… Nhiều và rất nhiều, được trình bày rõ ràng bởi tác giả Trác Nhã, với 3 phần lớn và 20 chương nhỏ mạch lạc, xuyên suốt.
“Sự uyên bác của một người không nằm ở chỗ người đó biết về mọi việc mà là ở chỗ người đó nhìn nhận và lí giải sự việc như thế nào?”
Một câu chữ mang tầm nhìn xa, rộng lớn, đánh vào góc nhìn sâu của con người, ý thức lên được mình cần gì và làm gì.
Cách xử lý khi gặp phải những tình huống “khó xử” như thế nào?
Nghiêng về cuối sách tuy nhiên, phần này lại chưa được cụ thể lắm. Những tình huống khó xử ngày càng nhiều và dày đặc, tiếp nữa là mức độ của nó được nâng lên, nâng lên được hiểu như suy luận và ý nghĩ của con người mở rộng, hành vi cũng như hoàn cảnh đẩy đưa liên tục nên dù là người giỏi giang đến mấy cũng chưa thể giúp chi tiết đến hoàn hảo.
Tình huống khó xử luôn thật sự rắc rối, buộc ta phải biến đổi liên tục, tư duy không ngừng nghỉ để thích ứng được việc giải quyết ‘mớ hỗn độn’ xảy đến. Bên cạnh đó, nghệ thuật thuyết phục, xin lỗi khi có sơ suất, phạm sai lầm cũng được nhắc đến và giải quyết tương đối ổn định.
Lời kết bài
Ngôn từ đơn giản, nhiều ví dụ, thực tế, “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ” mang lại hiệu quả nâng cao kỹ năng giao tiếp của bản thân trong rất nhiều vấn đề cuộc sống. Hi vọng bạn đọc tìm được phương pháp đọc và tự mình trải nghiệm qua các tình huống như sách đề cập để tự mình bản lĩnh, ý thức được việc học tập giao tiếp như thế nào.