Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và con người. Người cho rằng, tự nhiên như một người bạn tri kỷ của con người, là một cái gì đó rất thân thuộc, dung dị và gần gũi và thiên nhiên chính là một phần tài nguyên của Tổ quốc.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tháng 9/1959, Người nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc"[1]. Tự nhiên đã ban tặng cho con người những điều kiện thuận lợi như khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh những nguồn của cải quý giá đó, tự nhiên còn đặt con người trước những thử thách hết sức khắc nghiệt như hạn hán, lụt lội, bão táp … Những thử thách đó có thể gây nên những hậu quả khôn lường, đe dọa trực tiếp đến đời sống an sinh của con người và là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo và bệnh tật. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng con người phải hiểu biết tự nhiên, phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phải biết chăm sóc và gìn giữ môi trường sống.
Trước hết, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn gìn giữ và bảo vệ môi trường sống chính là phải trồng cây, gây rừng. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân, giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên. Người nhấn mạnh: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy"[2](t.10 -tr446). Giải thích ý nghĩa sâu xa của công việc ích nước lợi nhà đó, Người nêu rõ: “Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân ta"[3].
Và ngày 6-1-1960, Lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng của Người đã được đăng trên các báo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo, từ nhà máy đến công trường, xí nghiệp, trường học, đơn vị bộ đội …, đã hăng hái thi đua trồng cây, gây rừng, mở đầu một tập quán tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt của nhân dân ta.
Để Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng khắp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi, động viên nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Tết trồng cây. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Người lại viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây. Theo thống kê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 15 bài viết, bài nói gồm hơn 30 trang có liên quan đến chủ đề này, tính từ bài nói đầu tiên tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 13-9-1958. Trong bài nói này, Người xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"[4]. Và cho đến ngày Người ra đi về với thế giới người hiền, trong bản Di chúc lịch sử, Người vẫn không quên nhắc đến việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp"[5].
Không chỉ kêu gọi nhân dân tham gia phong trào trồng cây, gây rừng qua các bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước ấy. Người vừa dành thời gian đi thăm vừa tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Ngày 11-1-1960, Người đã đến trồng cây đa tại công viên hồ Bẩy mẫu (nay là công viên Lênin) mở đầu Tết trồng cây do Người phát động. Mùa xuân năm 1961, Người cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động thành phố Hà Nội đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh niên. Tại đây, Người đã căn dặn: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây 3 đồng thôi, sau 5 năm sức lao động của các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây đựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội-Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi"[6].
Đồng thời, Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây". Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây" với kế hoạch trồng cây, gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy". Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục", và Người giải thích: “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó"[7]. Trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Thọ, ngày 18-8-1962, Người thẳng thắn phê bình: “Tỉnh ta lại còn có 13% diện tích cấy chay; tức là 13% diện tích chắc chắn thu hoạch kém, ảnh hưởng xấu đến tổng số thu hoạch của toàn tỉnh. Người tốt với đất, thì đất tốt với lúa. Đất tốt với lúa thì lúa tốt với người. Đồng bào cần làm thêm phân bón, kiên quyết xóa bỏ cái tệ cấy chay, và chú ý chống xói lở. Trồng cây gây rừng – làm được tốt thì thu lợi rất nhiều. Nói riêng về trồng trẩu. Theo các chuyên gia thì: trồng trẩu độ 6 năm đã thu hoạch. Trồng 5 triệu cây thì mùa đầu sẽ thu được 25.000 tấn quả, chế thành 8.250 tấn dầu, đáng giá 16 triệu đồng, tức là bằng 1/4 tổng giá trị sản lượng công nghiệp trong tỉnh ta (kể cả xí nghiệp trung ương, địa phương và thủ công nghiệp). Đồng bào tỉnh ta đã trồng 4 triệu cây, nhưng để chết mất 1 triệu cây. Như thế là vì trông nom kém, cho nên hao công tốn của nhiều mà kết quả ít. Từ nay đến hết năm 1963 nên có kế hoạch trồng cây cho được 4 triệu cây, nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy"[8].
Bên cạnh đó, việc trồng cây không chỉ được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng ở trong nước, trong các dịp đi thăm hoặc đi nghỉ ở nước ngoài, Người cũng dành thời gian tìm hiểu lợi ích, cách tổ chức trồng và chăm sóc cây đồng thời cũng tự mình trồng cây lưu niệm tại một số nước trên thế giới. Tháng 2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm nước Cộng hòa Ấn Độ, sau khi đặt vòng hoa tưởng niệm Thủ tướng India Grandi tại công viên Rajghat, Người đã trồng một cây hoa đại mang theo từ Hà Nội tại đây làm kỷ niệm. Việc làm này của Người đã được nhân dân Ấn Độ hết sức ca ngợi: “… trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người mang đến lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả"[9]. Tháng 7-1959, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên bang Nga, Người đã trồng một cây thiên tuế trong vườn hoa Hữu nghị và vẻ vang ngay bên cạnh cây của một đồng chí lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong những lần Người sang thăm, làm việc và nghỉ dưỡng tại Trung Quốc, Người đều trồng những cây lưu niệm tại đất nước này, khi thì là cây hoa tử kinh thơm ngát, khi thì là cây tùng xanh tươi. Và đến tận ngày nay, những cây me, khóm dừa Người trồng ở làng Nakhon Phanom, Thái Lan vẫn đang xanh tươi tỏa bóng mát.
Những cây xanh Người trồng thể hiện một nét đẹp văn hóa giản dị của một lãnh tụ dân tộc, thể hiện sự hòa bình hữu hảo với các quốc gia trên thế giới, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết quốc tế trong việc bảo vệ môi trường sống.
Thứ hai, bảo vệ môi trường sống còn chính là phải giữ gìn vệ sinh môi trường tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung hoặc cầu xia riêng cho từng nhà. Đã khỏi hôi thổi, ruồi nhặng, lại cỏ phân tốt"[10]. Bởi, Người luôn coi vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những việc quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Trong một lần về thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Sơn La thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người nói: “Ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột không, bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ".
Khi miền Bắc được giải phóng, việc xây dựng môi trường sạch đẹp, bảo vệ đời sống nhân dân được Người đưa thành một nhiệm vụ trọng yếu. Người khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước" và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Người đi vào từng khu vực nông thôn, thành thị, từng nhà máy, công xưởng, thăm các nhà dân, nhắc nhở cán bộ công nhân, nhân dân phải vệ sinh môi trường. Năm 1954, khi đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy đèn Bờ Hồ, trước khi ra về Người đã không quên căn dặn các đồng chí lãnh đạo nhà máy phải tích cực nghiên cứu tìm ra cách hạn chế bụi than bay ra các vùng lân cận, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân quanh đó.
Đến nhiều địa phương công tác, khi đến thăm các trường học, bệnh viện, Người luôn nhắc nhở mọi người phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch để đảm bảo sức khỏe phục vụ tốt cho công tác lao động, sản xuất. Người cũng cho rằng, muốn vệ sinh được đảm bảo, đầu tiên phải đảm bảo nguồn nước sạch, muốn có nhiều nước sạch phải tích cực đào giếng, đào nhiều giếng thì có nhiều nước sạch. Bên cạnh đó, phải tích cực diệt ruồi muỗi để tránh việc ruồi, muỗi gây ra ốm đau bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết"[11]. Xuất phát từ quan điểm yêu nước ấy, Người luôn quan tâm tới mọi việc có lợi nhất cho nhân dân, cho người dân lao động. Các cụ thường nói, có sức khỏe là có tất cả. Để có sức khỏe tốt phải đảm bảo một môi trường sống trong sạch và lành mạnh.
Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tình yêu thương con người, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án gay gắt những kẻ phá hoại sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả không lường được hết cho con người. Trong nhiều báo cáo, hay trong các bức điện gửi tới các Hội nghị hòa bình, chống bom nguyên tử các năm 1961, 1962, 1964, 1966, 1967, 1969, Người đã lên án Mỹ, kẻ đã gây ra thảm họa Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản năm 1945, kẻ đang tiến hành chính sách tội ác đốt sạch, phá sạch, phá hoại môi trường của nhân dân miền Nam Việt Nam. Người cũng vạch mặt đế quốc Mỹ, Anh thử bom hạt nhân bằng cách dùng máy bay thả từ trên trời xuống khu vực Thái Bình Dương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đòi triệt để cấm dùng vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học để hủy diệt môi trường, gây thảm họa cho con người.
Ngày nay, chúng ta cũng chứng kiến không ít quốc gia trên thế giới, để phát triển quân sự, phát triển vũ khí hạt nhân đã mang lại những nguy cơ không nhỏ cho hòa bình và ổn định của thế giới. Chưa nói đến tác hại của vũ khí tới việc hủy hoại môi trường sống, môi trường sinh thái, con người như chúng ta từng chứng kiến ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, mà chỉ riêng tác động của vũ khí hạt nhân tới sự ổn định tâm lý của nhân dân toàn cầu là một vấn đề hết sức nghiêm trọng trong việc hướng tới hòa bình, hạnh phúc trên toàn trái đất này. Cảnh chết chóc, đói nghèo và bệnh tật do sự tác động của vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học vẫn đang lấy đi cuộc sống hạnh phúc của không biết bao nhiêu con người.
Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn không ít trẻ em sinh ra chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, một loại di chứng của vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc. Trải qua mấy chục năm lịch sử, đất nước ta cùng toàn thể nhân dân thế giới kêu gọi giải trừ vũ khí hóa học, vũ khí hạt nhân, đem lại cho con người cơ thể, trí óc khỏe mạnh, một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. Những nỗi đau da cam ấy là lời cảnh tỉnh để mọi người nhìn về một môi trường sống lành mạnh và trong sạch cho các thế hệ tương lai.
Có thể nói, công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ bầu khí quyển toàn cầu đã trở nên là một vấn đề đáng quan tâm không thua kém gì khát vọng hòa bình trên toàn trái đất này. Và 60 năm đã qua đi, sáng kiến Tết trồng cây nói riêng và tư tưởng về bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ và gìn giữ môi trường sống nói chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chứa đựng ý nghĩa thật to lớn, đặc biệt là hiện nay, khi mà để ngăn chặn nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái, chúng ta phải mất nhiều công sức để triển khai những chương trình quốc gia rộng lớn nhằm phục hồi rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc…
Xem tại: https://hochiminh.vn/Uploads/2018/11/3/30/ttHCMvetntn.pdf