Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30-9-1910 trong gia đình công chức nhỏ tại xã Vĩnh Yên, thị xã Vinh (nay là TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng, khi tròn 17 tuổi, để giữ bí mật, đồng chí đổi tên từ Nguyễn Thị Vịnh thành Nguyễn Thị Minh Khai. Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, đồng chí bí mật thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được kết nạp vào Đảng và phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện các đảng viên, công nhân trong khu vực Trường Thi, Bến Thủy. Tại đây, đồng chí đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng, là lực lượng nòng cốt đấu tranh quyết liệt trong cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh 1930 – 1931.
Mùa hè năm 1930, được sự tín nhiệm và giới thiệu của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang Trung Quốc và hoạt động trong Văn phòng chi nhánh Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục lý luận về những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và kinh nghiệm hoạt động bí mật. Tháng 9-1934, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vinh dự là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được cử tham gia Đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva. Đến cuối năm 1937, đồng chí về công tác tại Sài Gòn và được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, giữ cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 30-7-1940, cơ sở Đảng bị lộ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình. Ngày 26-8-1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí ra xử bắn.