Đoàn trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (5/5/1902 – 05/5/2022).
I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An – một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Thuở nhỏ, vốn thông minh, ham học, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, sau học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
Giai đoạn 1923 – 1924, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, Phan Đăng Lưu được nhận làm viên chức của Sở Canh nông Bắc Kỳ và công tác tại trạm nghiên cứu tơ tằm ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Một năm sau, Phan Đăng Lưu chuyển về làm việc tại Sở Canh nông Nghệ An ở Vinh và gia nhập Hội Phục Việt – tổ chức sau đó có các tên gọi khác là Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt Cách mạng Đảng. Nghi ngờ Phan Đăng Lưu có liên quan đến các hoạt động chính trị chống Pháp, tháng 6/1927, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi. Trở về quê hương, Phan Đăng Lưu tiếp tục hoạt động cách mạng, được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại Yên Thành, Nghệ An.
Tháng 5/1928, Phan Đăng Lưu được điều động vào Huế tham gia Ban Biên tập Quan Hải Tùng Thư và được bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ;
Tháng 7/1928, tại Đại hội Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng, được bầu làm Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn;
Cuối tháng 9/1928, được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Tháng 9/1929, được cử sang Quảng Châu lần thứ hai, nhưng khi ở Hải Phòng, do có kẻ phản bội, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt đưa về giam tại Nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam triều ở Nghệ An kết án ba năm tù khổ sai[1], đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, Đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù. Giữa năm 1936, được thả và bị đưa về quê nhà quản thúc, nhưng chỉ một thời gian ngắn Đồng chí đã vào thành phố Huế tìm bắt liên lạc với tổ chức.
Đầu năm 1937, tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ, được cử vào ban lãnh đạo Xứ ủy và tham gia chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ ở Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo cuộc tuyển cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ;
Tháng 9/1937, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục tham gia lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ;
Tháng 9/1939, được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ;
Từ ngày 6 đến 8/11/1939, tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu bàn về chuyển hướng chiến lược của Đảng, tiến tới giai đoạn dân tộc giải phóng;
Tháng 7/1940, dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ, Đồng chí đề nghị tạm hoãn cuộc khởi nghĩa và bí mật ra Bắc chuẩn bị cho việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương.
Tháng 11/1940, Đồng chí ra Hà Nội họp với Xứ ủy Bắc Kỳ thống nhất tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương;
Từ ngày 6 đến 9/11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy của Đảng diễn ra tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), được cử vào Ban Chấp hành Trung ương mới và được giao nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ;
Ngày 22/11/1940, khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì bị mật thám Pháp bắt;
Ngày 3/3/1941, bị Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình; Ngày 26/8/1941, bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC
1. Phan Đăng Lưu – Người thanh niên yêu nước, sớm nhận thức về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, tích cực hoạt động cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam
Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, vào làm việc ở Sở Canh nông Bắc Kỳ rồi chuyển sang Sở Canh nông Trung Kỳ và đã sớm nhận ra rằng một công chức dưới chế độ thực dân không dễ gì làm lợi cho dân, cho nước; Phan Đăng Lưu quyết định chuyển hướng tập trung vào nghiên cứu các môn khoa học chính trị – xã hội, coi đó là khởi điểm cho con đường đi mới của mình.
Thời gian này, ở Vinh hình thành Hội Phục Việt (7/1925) – tổ chức tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng. Được tiếp xúc với một số thanh niên yêu nước trong tổ chức Phục Việt, như Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn,… Phan Đăng Lưu đã đi đến quyết định gia nhập Hội Phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động của Hội, trong đó có phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, mở lớp dạy văn hóa cho công nhân, nông dân trong vùng… Đây cũng là cơ hội để Phan Đăng Lưu đọc và nghiên cứu nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài gửi về, như báo Người cùng khổ, báo Nhân đạo, báo Việt Nam hồn, cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, một số tác phẩm của Lênin… Nhờ đó, giúp Phan Đăng Lưu sáng tỏ con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Những chuyển biến trong nhận thức, đặc biệt là hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu đã bị chính quyền thực dân nghi ngờ, chỉ trong mấy tháng, chúng đã chuyển Phan Đăng Lưu đi làm việc ở nhiều địa phương, như Linh Cảm (Hà Tĩnh), Phú Phong (Bình Định), Di Linh và Đà Lạt (Lâm Đồng). Ở đâu, Phan Đăng Lưu cũng tổ chức hoạt động yêu nước, chống bọn chủ sự Pháp.
Năm 1927, trở về quê hương, Phan Đăng Lưu tích cực hoạt động cách mạng, gây dựng cơ sở ngay tại địa phương theo sự phân công của Tổng bộ, tập hợp bạn bè tiến bộ vào tổ chức. Từ một công chức, Đồng chí đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Tân Việt, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương và có nhiều cống hiến to lớn trên các mặt: tham gia hoạch định đường lối, phát triển tổ chức, đào tạo cán bộ và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc định hướng phát triển Tân Việt theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 5/1925.
Cuối năm 1928, Phan Đăng Lưu đi Quảng Châu, Trung Quốc theo sự phân công của tổ chức, để bàn việc hợp nhất Tân Việt Cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhưng do điều kiện khách quan nên chuyến đi không thành công. Khi trở về nước, Phan Đăng Lưu vẫn đề đạt ý kiến với Tổng bộ Tân Việt, kiên trì vận động hợp nhất hai tổ chức theo hướng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Điều này cho thấy Phan Đăng Lưu là một trong số ít người sớm nhận thức và tích cực đấu tranh cho sự thống nhất tổ chức và phong trào yêu nước ở Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX.
2. Đồng chí Phan Đăng Lưu – Nhà lãnh đạo tài năng, góp phần chuyển hướng đúng đắn nhiệm vụ cách mạng qua mỗi giai đoạn lịch sử, sáng suốt trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, có công lớn trong việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương
Giữa năm 1936, sau gần bảy năm bị giam cầm ở Nhà lao Vinh và Nhà tù Buôn Ma Thuột – một trong những nhà tù (nhà đày) khắc nghiệt nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, Phan Đăng Lưu được ân xá trở về quê nhà Nghệ An một thời gian, rồi trở vào Thừa Thiên Huế hoạt động. Đồng chí nhanh chóng kết nối với các cán bộ Đảng đang hoạt động ở Huế (Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều…) bước đầu củng cố, hình thành Ban lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Sau khi liên lạc được với Trung ương Đảng, Đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Đây là cống hiến đầu tiên của Đồng chí trong công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ.
Trong quá trình hoạt động ở Huế, với ưu thế về vốn chữ Nho, chữ Pháp và tầm nhìn, kinh nghiệm tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng, cùng với quan hệ rộng trong các tầng lớp xã hội, đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần quan trọng cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Trung Kỳ giành được nhiều thắng lợi, gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ.
Theo sự phân công của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu là người chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng: không gạt bỏ nghị trường mà lợi dụng nghị trường, không tẩy chay tuyển cử mà tham gia tuyển cử. Trong cuộc đấu tranh này, Đồng chí đã sử dụng linh hoạt diễn đàn đấu tranh công khai qua báo chí và văn học nghệ thuật. Kết quả là cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ thắng lợi rực rỡ đến mức tuyệt đối: Tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ quan trọng trong Viện. Đây là thắng lợi thực sự to lớn, vang dội đầu tiên ở nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Tháng 9/1937, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị mới, Đồng chí đã đóng góp tích cực vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Phan Đăng Lưu, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, biến Viện Dân biểu thành diễn đàn đấu tranh công khai của Đảng hướng tới các mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ: tập hợp Nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, tăng thêm quyền cho Viện Dân biểu, đòi tự do báo chí, thả tù chính trị, tự do nghiệp đoàn, chống bọn phản động thuộc địa, vạch mặt bọn tham quan ô lại lợi dụng chức quyền bán nước, hại dân…
Cuối năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và bọn tay sai tăng cường áp bức, bóc lột Nhân dân, đàn áp cách mạng nước ta. Tháng 9/1939, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Đồng chí tham gia tích cực vào việc chuyển hướng chiến lược của Đảng. Cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.
Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Khó khăn, thử thách to lớn này đặt lên vai Đồng chí những trọng trách mới, nhất là sau khi đồng chí Võ Văn Tần – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị địch bắt. Nhiều chỉ thị của Đồng chí, nhân danh Ban Chấp hành Trung ương được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp trên tinh thần đặt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng.
Sau khi tạm trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đồng chí bí mật bắt tay vào chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bộ chỉ huy tối cao mới của Đảng. Đây là trọng trách lớn, có ý nghĩa sống còn của Đảng, của cách mạng. Trước khi gặp Xứ ủy Bắc Kỳ để thống nhất, công việc chuẩn bị cho Hội nghị do đồng chí Phan Đăng Lưu tự đề ra, tự chuẩn bị và tự móc nối. Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy được tổ chức tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hội nghị tiến hành cử Ban Chấp hành lâm thời; đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Nghị quyết Hội nghị tiếp tục thực hiện đường lối do Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đã đề ra, tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành lại non sông đất nước khi thời cơ xuất hiện.
Thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy có vai trò to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu. Với tầm nhìn chiến lược, Đồng chí nhận thấy thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, nếu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất trên toàn quốc đã tiến hành khởi nghĩa riêng lẻ sẽ dẫn đến thất bại. Tình hình lúc đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thật sáng suốt, kịp thời của Bộ Chỉ huy tối cao của Đảng. Do đó, việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo toàn quốc, chuẩn bị mọi mặt, chớp thời cơ đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi là sứ mệnh lịch sử cấp bách nhất, cao nhất lúc bấy giờ đặt lên vai đồng chí Phan Đăng Lưu. Thử thách và trách nhiệm càng nặng nề hơn trong tình huống không liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Có thể nói, việc thống nhất với Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức thành công Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy là đóng góp quan trọng nhất của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam.
3. Đồng chí Phan Đăng Lưu – Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng
Xuất thân trong gia đình ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước, hiếu học và nhân văn, Phan Đăng Lưu sớm bộc lộ phẩm chất của một tài năng về sự nghiệp bút nghiên. Ngay từ thời tuổi trẻ học đường, Đồng chí đã sáng tác thơ ca, câu đối đả phá những cảnh chướng tai gai mắt diễn ra trong xã hội đương thời, thông cảm với Nhân dân bị đọa đày, đau khổ.
Sự nghiệp cách mạng báo chí của Phan Đăng Lưu thật sự bắt đầu, sôi nổi và phong phú khi tham gia Đảng Tân Việt. Cuối năm 1927 đầu năm 1928, để tuyên truyền tư tưởng cách mạng, Đào Duy Anh và những người lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế thành lập nhà sách Quan Hải Tùng Thư. Trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Đảng Tân Việt phụ trách tuyên truyền, đồng chí Phan Đăng Lưu đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như: A.B.C Chủ nghĩa Mác, Dân chủ mới; dịch các cuốn Xã hội luận, Lịch sử các học thuyết kinh tế… Các cuốn sách và bài viết của Đồng chí đã góp phần thiết thực thức tỉnh nhiều nhà trí thức, thanh niên, học sinh và thấm dần vào các tầng lớp Nhân dân lao động.
Trong chốn lao tù, nhận thấy lính gác ngục là người Êđê, vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ Kinh, Thượng, Đồng chí đã kết hợp với một số anh em tù chính trị bí mật ra tờ “Doãn Đê tù báo”. Tờ báo được bí mật viết tay, lưu truyền trong nội bộ nhà tù, báo ra hàng tuần, đọc xong rồi hủy đi, vừa là công cụ giác ngộ lính Êđê, vừa là công cụ tuyên truyền của Đảng. Đồng thời, Đồng chí còn viết nhiều bài báo tố cáo tội ác của nhà tù gửi ra bên ngoài.
Tháng 7/1937, Đồng chí cùng nhiều nhà báo tiến bộ ở Huế triệu tập Hội nghị báo giới Trung Kỳ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nhà báo dân chủ tiến bộ, hình thành được Mặt trận báo chí dân chủ Trung Kỳ, đánh bại bọn bồi bút phản động. Hoạt động của Mặt trận báo chí Trung Kỳ tuy ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa đi tiên phong, phất cao ngọn cờ dân chủ của giới báo chí nước ta lúc bấy giờ mà về sau báo chí Bắc Kỳ và Nam Kỳ còn tiếp bước. Lịch sử báo chí cách mạng nước ta ghi nhận công lao to lớn này của Đồng chí như một chiến sĩ tiên phong cho dòng báo chí cách mạng.
Nhận thức rõ báo chí, văn học là những công cụ đấu tranh sắc bén, đồng chí Phan Đăng Lưu vừa xây dựng, chỉ đạo các tờ báo: Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn; vừa trực tiếp đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là các trí thức trẻ. Bản thân Đồng chí cũng là cây bút chủ lực viết các bài chính luận, tiểu phẩm văn học, bình luận văn học… Trên bước đường cách mạng, Đồng chí thường xuyên quan tâm bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ văn học – nghệ thuật cho đội ngũ trí thức trẻ, trong đó có các đồng chí Trịnh Xuân An, Trịnh Xuân Quang, Hà Thế Hanh, Tố Hữu, Thôi Hữu, Hồng Chương…
Sự nghiệp báo chí, văn học của đồng chí Phan Đăng Lưu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần xây dựng nền móng của văn học cách mạng, khái quát những quan điểm khoa học và cách mạng về trí thức, về văn nghệ sĩ và nền văn học – nghệ thuật của những người cộng sản, mở đường cho nền văn học – nghệ thuật nước nhà phát triển.
4. Đồng chí Phan Đăng Lưu – tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Ở Đồng chí luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Phẩm chất đạo đức đó đã nuôi dưỡng chí khí chiến đấu, thôi thúc đồng chí Phan Đăng Lưu luôn đứng trên thế tiến công cách mạng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, từ khi còn là một thanh niên yêu nước đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản trong lao tù đế quốc và đến tận những giây phút cuối cùng hy sinh anh dũng trên pháp trường dưới làn đạn của kẻ thù.
Bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của Đảng là mệnh lệnh mà đồng chí Phan Đăng Lưu luôn nghiêm chỉnh chấp hành, dù phải hy sinh lợi ích cá nhân. Hành động tiêu biểu cho đức hy sinh ấy là việc Đồng chí góp phần tiến cử đồng chí Trường Chinh vào chức vụ cao nhất trong Đảng mặc dù khi đó đồng chí Trường Chinh mới chỉ là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Đó là minh chứng rõ nét cho tấm gương đạo đức cao cả hết lòng vì Đảng, vì dân, chí công vô tư của đồng chí Phan Đăng Lưu.
Ở đồng chí Phan Đăng Lưu, lòng yêu nước và tình thương yêu Nhân dân thống nhất với nhau. Lòng yêu nước xuất phát từ lòng thương yêu những con người nghèo khổ, cơ hàn và tâm niệm cứu Nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Khi được giác ngộ cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải gần gũi Nhân dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để từ đó mở mang trí óc cho Nhân dân, hướng dẫn họ đi theo con đường cách mạng. Khi còn ở Vinh, Đồng chí luôn tìm dịp để gần gũi, giác ngộ con đường cách mạng cho những người nông dân, công nhân, thanh niên, trí thức. Ở Nhà tù Buôn Ma Thuột, Đồng chí tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền trong các bạn tù, cảm hóa lính gác ngục người Êđê. Ở Huế, Đồng chí thường xuyên tiếp xúc, thâm nhập, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của Nhân dân lao động.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoạt động bí mật, công khai hay trong nhà lao đế quốc, Đồng chí luôn đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu. Việc đào tạo cán bộ của Đồng chí rất linh hoạt, toàn diện: dạy chữ quốc ngữ, khoa học, văn học, báo chí đến lý luận Mác – Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng và phương pháp hoạt động cách mạng… tùy trình độ của mỗi lớp, mỗi người mà có chương trình, cách thức phù hợp. Trong đó, nhiều đồng chí đã trưởng thành và trở thành những cán bộ có uy tín của Đảng, như Phan Đăng Tài, Nguyễn Oanh, Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Tố Hữu, Thôi Hữu, Hồng Chương…
Đồng chí Phan Đăng Lưu cũng thường xuyên gặp gỡ các tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh, công chức, các nhân sĩ, các nhà khoa bảng, tu hành để thuyết phục họ đi theo con đường cách mạng của Đảng. Với học vấn sâu rộng, đức tính khiêm tốn, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống giản dị, Phan Đăng Lưu có uy tín lớn và nhận được sự quý trọng của các bậc trí thức, nhân sĩ dân chủ khi đó, như Ngô Đạm (Quảng Nam), Đậu Văn Bính (Hà Tĩnh), Nguyễn Đan Quế (Thanh Hóa), Phan Triệu Khanh (Quảng Trị)… Họ thường trao đổi, tham khảo ý kiến của Phan Đăng Lưu mặc dù biết Đồng chí là một người cộng sản đã từng thụ án ở Buôn Ma Thuột. Nhiều nhà tư sản dân tộc, như Võ Đình Thụy, Võ Đình Dung (Quảng Ngãi)… cũng tìm đến Phan Đăng Lưu trao đổi ý kiến về thời cuộc, coi Đồng chí như “nhà cố vấn” chính trị của mình. Những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu cho Đảng, cho cách mạng là kết quả tất yếu của việc cần kiệm tích lũy vốn hiểu biết sâu rộng trên cơ sở miệt mài học tập, lao động và hoạt động cách mạng.
Ở đồng chí Phan Đăng Lưu, tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư luôn thống nhất và là sự biểu hiện toàn diện, cụ thể của tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân. Những ngày cuối đời trong xà lim án chém, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn linh hoạt, sáng tạo, tổ chức trao đổi, đúc rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với các đồng chí trong tù; vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu những đồng chí bị kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo; vẫn truyền và khơi dậy ý chí bất khuất, kiên cường với niềm lạc quan tin tưởng vào ngày toàn thắng của cách mạng cho những đồng chí còn ở lại.
Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất quan trọng và to lớn. Nhắc đến Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.
***
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 – 05/5/2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các cán bộ tiền bối tiêu biểu để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu, chúng ta nguyện noi gương Đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
[1]. Một số sách ghi là bảy năm tù khổ sai (theo Phan Đăng Lưu – Tiểu sử, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015, tr.100)