Cập nhật lần cuối vào 16/04/2021
Ít có ai ngờ rằng, cô dược sĩ ngành tân dược nhỏ nhắn ấy lại hứng thú với những ứng dụng các dược liệu, thảo dược… trong hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường hay ung thư cũng như thực hiện nhiều nghiên cứu sâu về các hương liệu mỹ phẩm và làm đẹp.
Từ những năm 2012, ThS. Dược sĩ trẻ Lý Hồng Hương Hạ, Phó trưởng Phụ trách Bộ môn Dược liệu – Thực vật, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, đã miệt mài thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến dược liệu – thực vật. Nhiều đề tài đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành y dược.
Nghiên cứu dịch chiết từ nho hỗ trợ điều trị bệnh
ThS.DS. Lý Hồng Hương Hạ chia sẻ, ngày nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau như ngộ độc, stress… dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa gốc tự do và yếu tố bảo vệ trong cơ thể. Qua đó gây ra nhiều bệnh khác nhau như bệnh về gan, bệnh thần kinh, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư… và các bệnh khác liên quan đến sự lão hóa. Dịch chiết từ quả Nho đang được quan tâm nghiên cứu theo xu hướng này.
“Trong thành phần hóa học của Nho, polyphenol đóng vai trò quan trọng trong tác dụng sinh học của loại quả này. Điển hình của nhóm hoạt chất này, polyphenol hiện diện như hợp chất có tác dụng oxy hóa mạnh và được phân lập, nghiên cứu trên nhiều mô hình hỗ trợ điều trị bệnh,” Cô chia sẻ.
Ở Việt Nam, nhiều loại Nho khác nhau được phân bố ở nhiều nơi như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, TPHCM…
Tuy nhiên việc khảo sát thành phần hóa học của Nho được trồng ở Việt Nam, so sánh với các loại Nho từ nước ngoài, chưa có nhiều. Cô muốn góp thêm một nghiên cứu “Phân tích sơ bộ thành phần hóa học và sàng lọc hoạt tính chống oxy hóa invitro của một số loại nho tại Việt Nam” nhằm xác định khả năng hỗ trợ sức khỏe, khai thác tiềm năng về nguồn dược liệu cũng như kinh tế cho loại cây này.
Thêm vào đó, đề tài mở rộng hơn hướng ứng dụng của dịch chiết quả Nho vào những thành phẩm bào chế góp phần phong phú hóa các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc mỹ phẩm trên thị trường.
Lá và nụ vối
Gốc tự do trong cơ thể là nguồn gốc của quá trình lão hóa và phần lớn các bệnh tật được xem là đại dịch như đái tháo đường, tim mạch, ung thư, ngoài ra còn có các bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh phổi, bệnh thận, viêm khớp, bệnh về mắt… Nếu như khả năng chống oxy hóa của cơ thể cao, xác suất mắc bệnh và mức độ các bệnh tật trên sẽ giảm.
“Do đó, việc tìm ra các chất chống oxy hoá có nguồn gốc tự nhiên để làm thuốc phòng và chữa các bệnh trên là nhiệm vụ của ngành Dược nhằm nâng cao sức khỏe và tuổi thọ con người cũng như giải quyết nhu cầu thực tế của người dân trong xã hội,” cô chia sẻ thêm.
Vối là một cây thuốc dân gian mọc tự nhiên ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia,…. Các nghiên cứu cho thấy thành phần hóa học của Vối bao gồm flavonoid, diterpenoid, tanin, tinh dầu và polysaccarid.
Theo đông y, vối có vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn. Dân gian thường dùng lá, vỏ, thân, nụ hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng.
Nghiên cứu của Viện Đông y cho thấy nụ Vối và lá Vối có tác dụng kháng sinh đối các vi khuẩn như Gram+, Gram-, Streptococus (hemolytic và staman), vi trùng bạch hầu, Staphyllococcus, Pneumococcus, Salmonella, Bacillus subtilis và không gây độc hại đối với cơ thể.
“Điều đó cho thấy Vối là một dược liệu có giá trị và công dụng chữa bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện có rất ít công trình nghiên cứu có hệ thống về cây này. Bên cạnh đó, trong các nghiên cứu trên thế giới, đối tượng vối được nghiên cứu tập trung trên nụ vối về hoạt tính chống oxi hóa, chống viêm nhiễm, kháng vi sinh vật cũng như nghiên cứu về thành phần tinh dầu, các hợp chất flavonoid, terpenoid, chalcon. Trong khi đó các công bố về lá Vối còn khá ít.” Cô dược sĩ trẻ chia sẻ về nguyên nhân thực hiện nghiên cứu này.
Tác dụng hạ đường huyết của lá na
Cây cỏ được xem là một trong những nguồn dược phẩm quan trọng kể từ buổi đầu của nền văn minh con người. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe như dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng cao.
Các thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên được công nhận có hiệu quả và có vai trò rất quan trọng trong các phương pháp điều trị bệnh của con người. Trong cuộc sống hàng ngày, thiên nhiên đã cung cấp cho chúng ta vô số các loại dược liệu hữu ích.
“Một số cây cỏ vừa là nguồn thực phẩm vừa có giá trị chữa bệnh và phòng bệnh rất đáng chú ý. Trong số các cây rất phổ biến ở Việt Nam, mãng cầu ta hay còn gọi là cây Na có tên khoa học là Annona squamosa L. là một loại cây chủ yếu dùng để ăn trái nhưng dân gian cũng sử dụng như là một vị thuốc chữa bệnh,” ThS.DS Hương Hạ hào hứng kể về những loài dược liệu vốn rất quen thuộc với dân gian Việt Nam.
Trong y học dân gian, na được sử dụng làm thuốc bổ máu, chữa bệnh lỵ, sa trực tràng ở trẻ em, kháng viêm, kháng khối u. Điểm đáng lưu ý là theo y học dân gian ở Ấn Độ, lá non của cây A. squamosa có hoạt tính trị đái tháo đường, cho kết quả rất khả quan.
Nhiều tài liệu và bài báo công bố cao chiết và các hoạt chất phân lập từ lá A. squamosa có tác dụng hạ đường huyết, bảo vệ gan, chống oxy hóa, kháng khối u và độc tế bào ung thư, diệt chấy rận… Những tác dụng trên của dược liệu này có liên quan đến sự hiện diện của alkaloid, carbohydrat, tinh dầu, tannin và hợp chất phenol… trong các bộ phận dùng khác nhau của cây.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu công bố chi tiết về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của cây Na (A. squamosa), cây chủ yếu chỉ được trồng để bán lấy quả ăn. Với những thông tin ban đầu tìm hiểu, cô và công sự đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng hạ đường huyết của lá Na (Annona squamosa L.)” để góp phần nghiên cứu về khả năng trị bệnh của một cây trồng rất phổ biến ở Việt Nam.
Lá và quả nhàu
ThS.DS Hương Hạ chia sẻ, khoa học kỹ thuật đã chứng minh rằng gốc tự do và các dạng oxy hoạt động (ROS) đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh học và mở ra kỷ nguyên mới trong chăm sóc sức khỏe và kiểm soát bệnh tật.
“Sự mất cân bằng của gốc tự do và hàng rào chống oxy hóa dẫn đến stress oxy hóa, tăng sản sinh ra ROS. Đây là yếu tố liên quan đến sự khởi phát hay biến chứng của đái tháo đường, bệnh về mắt liên quan đến tuổi, bệnh thoái hóa thần kinh (Parkinson, Alzheimer…),” ThS.DS Hương Hạ nói.
Trước nhu cầu thực tiễn, ThS.DS Hương Hạ còn thực hiện nghiên cứu công dụng của quả nhàu cùng các giáo viên bộ môn Dược liệu – Thực vật, Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Theo đó, quả Nhàu (M. citrifolia) từ lâu đã được sử dụng trong Y học cổ truyền với tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, điều kinh, hoạt huyết. Tác dụng kiểm soát bệnh đái tháo đường của quả Nhàu đang được quan tâm và nghiên cứu. Ở Việt Nam, nhàu phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định… . Hiện nay được trồng nhiều nơi ở miền Bắc như Hà Nội, Ba Vì, Thái Bình… Đây là nguồn nguyên liệu sẵn có và tiềm năng trong điều trị một số bệnh mạn tính, đặc biệt là đái tháo đường.
Những nghiên cứu hoạt tính sinh học và thành phần hóa học từ dược liệu – thực vật của cô và đồng nghiệp đã góp thêm một mảnh ghép trong phát triển nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam.
Phòng Tuyển sinh và Truyền thông