Cập nhật lần cuối vào 06/01/2021
Không ít trường hợp, nhà đầu tư yêu cầu start-up đặt pháp nhân tại quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó (Cayman, BVI, Hồng Kông…) để nhận khoản đầu tư làm start-up cũng bối rối khi giải quyết.
Điều này có thể xuất phát từ việc chính sách thuế lợi tức cho các khoản đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra – vào gặp khó khăn về thủ tục hành chính hay việc đáp ứng các điều kiện đầu tư, tín dụng dẫn đến việc nhà đầu tư muốn hợp tác với start-up khi start-up mang quốc tịch của quốc gia khác.
Dòng tiền của hình thức đầu tư
Trước hết, cần hiểu dòng tiền đầu tư vào start-up sẽ được đưa vào start-up bằng các con đường nào. Đó có thể là góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới, phát hành thêm cổ phần để nhận thêm cổ đông, tiếp nhận khoản vay/vay chuyển đổi hoặc hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào start-up cũng có thể được quy đổi dưới dạng các hỗ trợ về tài sản, tư vấn chiến lược và các hoạt động phát sinh cần thiết khác, thay vì dưới dạng tiền tệ. Các bên có thể quy đổi và thống nhất giá trị của các hỗ trợ và đưa ra được con số tổng giá trị đầu tư. Khi đó, dòng tiền thực tế không phát sinh nhưng vẫn được ghi nhận.
Nghĩa vụ thuế nào cần lưu ý khi nhận vốn?
Phải xác định rõ khoản vốn đầu tư vào start-up là khoản đầu tư để phát triển kinh doanh, là khoản vốn đầu tư cho dự án chứ không phải là thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư khi chuyển nhượng thì họ phải chịu trách nhiệm đóng thuế nếu phát sinh thu nhập. Ví dụ, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với trường hợp chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư, thông thường, bên chuyển nhượng đóng phần thuế chuyển nhượng tương ứng với 0,1% giá trị chuyển nhượng.
Hay đối với hình thức phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư, mệnh giá phát hành và giá trị mua thực tế trên từng cổ phần thường chênh lệch rất lớn. Start-up cần hiểu rõ bản chất của khoản tiền đầu tư là vốn đầu tư kinh doanh, phần chênh lệch so với mệnh giá sẽ được đưa về thặng dư vốn khi phát hành cổ phần và không được xem là lợi nhuận của doanh nghiệp. Hoặc ở cách thức khác, phần chênh lệch có thể được chuyển về khoản vốn hợp tác kinh doanh và đầu tư, từ đó, không phát sinh các nghĩa vụ về thuế thu nhập doanh nghiệp khi huy động vốn đầu tư.
Đặt start-up ở nước ngoài
Quay lại câu chuyện nhà đầu tư đặt start-up ở nước ngoài. Đó có thể là start-up đang làm theo yêu cầu của nhà đầu tư trước khi bơm vốn để tránh áp lực họ phải đóng thuế khi thoái vốn. Hoặc có thể họ muốn tận dụng thương hiệu quốc gia của start-up hay các hỗ trợ từ Chính phủ. Ví dụ, với mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp và chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong giới hạn 300.000 SGD của Singapore cũng là một điểm hấp dẫn để dòng tiền đầu tư cho start-up dịch chuyển sang quốc gia này. Hay chuyện nhà đầu tư thành lập công ty tại các quốc gia “thiên đường thuế” thông qua các công cụ đầu tư đặc biệt (SPV) và dùng nguồn vốn “ngoại” để đẩy ngược vốn về đầu tư cho start-up tại Việt Nam. Start-up cần thẩm định kỹ các phương thức này và trao đổi sòng phẳng với nhà đầu tư để đảm bảo về tính pháp lý cũng như an toàn của giao dịch.
Tối đa hóa lợi nhuận đầu tư là điều mà tất cả nhà đầu tư và start-up đều quan tâm trong quá trình huy động và đầu tư vốn. Không ít trường hợp khi xảy ra sự cố hoặc nhà đầu tư thoái vốn đột ngột, toàn bộ các vấn đề thuế, nợ và xử lý minh bạch dòng tiền của doanh nghiệp sẽ do các sáng lập viên chịu toàn bộ trách nhiệm.
Vì vậy, hiểu rõ về thuế và cơ chế dòng tiền đầu tư, ràng buộc trách nhiệm rõ ràng về vấn đề này là cách để start-up có thể đáp ứng được các yêu cầu đầu tư đặc thù. Đó cũng là cách gia tăng giá trị start-up khi hợp tác, nhưng cũng để tự bảo vệ mình trong giao dịch. Trách nhiệm dân sự có thể không đáng lo ngại, nhưng giả sử nguồn tiền bất hợp pháp hoặc thương vụ đầu tư với mục đích “rửa tiền” thì đó là vấn đề cần quan tâm.
Theo enternews