Phân biệt Tam thất Panax notoginseng F.H. Chen và Tam thất nam Kaempferia galanga L.

Cập nhật lần cuối vào 06/04/2023

Abstract
The rhizome of Kaempferia galanga L. and the root of Panax notoginseng F.H. Chen are sometimes mistaken because of the same Vietnamese name “Tam thất”. Microscopic examination can help differentiate these medicinal crude drugs in raw materials or powder.

Đặt vấn đề
Trên thị trường dược liệu hiện nay, củ Tam thất (người bán gọi là Tam thất bắc) có thể bị nhầm lẫn với các loại củ khác, cũng thường được gọi là Tam thất như Tam thất nam, Tam thất gừng, Thổ tam thất…
Tam thất bắc là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Tam thất Panax notoginseng F.H. Chen ex C. Y. Wu et K.M. Feng, thành phần hóa học gần giống Nhân sâm, được dùng làm thuốc bổ dưỡng, tăng cường thể lực, kéo dài tuổi thọ, chống stress, điều hòa nội tiết tố chủ yếu cho phụ nữ, giảm kích thước u nang buồng trứng, cầm máu do băng huyết, thổ huyết…
Theo Phạm Hoàng Hộ (Cây cỏ Việt Nam ) và Phạm Thị Kim, Đỗ Lệ Nhiễu (Phân biệt và chống nhầm lẫn dược liệu), Tam thất nam còn được gọi là Ngải máu, Thiền liền tròn, Cẩm địa la, có tên khoa học là Kaempferia rotunda L. họ Zingiberaceae.
Tam thất nam và Tam thất bắc là hai dược liệu thuộc hai họ thực vật khác nhau. Hình dạng và đặc điểm vi học có nhiều điểm khác biệt, thành phần hóa học cũng không giống nhau do đó không thể dùng nhầm lẫn hay thay thế. Cần chú ý phân biệt để tránh nhầm lẫn.

Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
Vật liệu khảo sát là mẫu mua ở cửa hàng thuốc nam, thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông TP.HCM, và mẫu tươi do trạm Nghiên cứu Dược liệu tại Sapa, thuộc Viện Dược liệu cung cấp.
Mẫu tươi được cắt bằng tay với dao lam, nhuộm kép bằng carmin lục iod.
Bột dược liệu được xay nát từ củ tươi hay khô, soi trong nước và glycerin.
Kiểm nghiệm các mẫu thu thập được bằng phương pháp vi học với kính hiển vi quang học, độ phóng đại 10x, 40x. Định tính thành phần hóa học các mẫu khô hay tươi bằng phương pháp Ciuley cải tiến và các phản ứng hóa học đặc trưng trong phòng thí nghiệm.

Kết quả
Tam thất nam có tên khoa học là Kaempferia rotunda L., thuộc họ Zingiberaceae, bộ phận dùng thông thường là thân rễ, (mặc dù cây cũng có rễ củ nhưng ít khi dùng) khác với Tam thất Panax notoginseng F.H. Chen ex C. Y. Wu et K.M. Feng có bộ phận dùng là rễ củ.
Củ Tam thất bắc bán trên thị trường là dạng củ khô, được phơi sấy sau khi thu hoạch.
Củ Tam thất nam bán trên thị trường là dạng củ khô, đã qua chế biến (đồ chín) để tránh bị mốc mọt khi bảo quản nên thành phần bột dưới kính hiển vi và thành phần hóa học có sự thay đổi so với củ chưa chế biến.

1. Đặc điểm cảm quan
Tam thất bắc: rễ củ hình con quay có nhiều u lồi, thể chất cứng chắc. Kích thước thay đổi tùy theo từng loại, loại to có đường kính chỗ to nhất khoảng 2-2,5 cm. Bên ngoài là lớp bần mỏng, màu nâu xám hay vàng nâu, ngay dưới lớp bần mô mềm có màu nâu đen, bên trong vàng nhạt. Mùi thơm đặc trưng, vị đắng.
Tam thất nam: thân rễ hơi có dạng tròn, đường kính chỗ to nhất khoảng 1,5 – 2,0 cm. Bên ngoài là lớp bần màu vàng nâu, thường có vân đồng tâm. Thể chất bên trong vàng nhạt, mềm dẻo ở củ tươi và cứng chắc ở củ khô đã qua chế biến. Mùi thơm đặc trưng, vị cay nhẹ.

Hình 1. Rễ củ Tam thất Panax notoginseng F.H. Chen
Hình 2. Thân rễ Tam thất nam Kaempferia rotunda L.
  1. Đặc điểm giải phẫu
    Tam thất bắc: Rễ củ có thiết diện hơi tròn hoặc lồi lõm do có nhiều u lồi, cấu tạo cấp hai. Từ ngoài vào trong có: lớp bần khá mỏng, đôi chỗ bị bong tróc. Lục bì gồm nhiều lớp tế bào có dạng chữ nhật bị ép giẹp theo chiều tiếp tuyến, vách bằng cellulose hơi dầy. Lớp mô mềm vỏ gồm nhiều tế bào to nhỏ không đều. Rải rác có các ống tiết chứa chất nhựa thơm màu nâu đỏ, xếp trên nhiều vòng, nằm trong vùng mô mềm vỏ hoặc libe cấp hai. Tầng phát sinh libe gỗ xếp thành vòng, đôi chỗ bị gián đoạn. Libe cấp hai bị tia tủy cắt thành từng cụm hình chóp nhọn. Gỗ cấp hai chỉ gồm một số ít mạch nhỏ tẩm lignin, xung quanh là mô mềm gỗ còn cellulose. Vùng tâm chỉ có một số mạch gỗ nhỏ xếp rải rác. Không thấy tinh thể calci oxalate hình cầu gai như một số tài liệu mô tả. (Dược điển VN V , tập 2, trang 1321, 2018)
    Tam thất nam: thân rễ có cấu tạo của cây một lá mầm (thuộc lớp Hành). Ngoài cùng là lớp suberoid gồm các tế bào xếp lộn xộn, vách tẩm suberin. Ở thân rễ già, bên dưới lớp suberoid còn hình thành lớp bần gồm các lớp tế bào xếp xuyên tâm. Tiếp theo là mô mềm vỏ gồm các tế bào vách mỏng, chứa đầy tinh bột. Nội bì rõ gồm một vòng tế bào có đai caspary, phân chia vi phẫu thành vùng vỏ và vùng tủy. Trong mô mềm vỏ và tủy rải rác có tế bào tiết tinh dầu, nhiều bó libe gỗ cấp một bị cắt ngang hay cắt dọc. Mỗi bó libe gỗ gồm vài mạch gỗ khá to, nối liền với bó libe gồm các tế bào nhỏ, xếp lộn xộn. Nhiều bó libe gỗ tập trung sát nội bì, có kích thước nhỏ hơn những bó nằm sâu trong vùng tủy.
Hình 3. Vi phẫu rễ củ Tam thất
Hình 4. Vi phẫu rễ củ Tam thất từ ngoài vào trong: 1. Lớp bần, 2. Lục bì, 3. Ống tiết cắt ngang trong vùng mô mềm vỏ.
Hình 5. Vi phẫu thân rễ Tam thất nam: 1. Lớp suberoid, 2. Lớp bần, 3. Mô mềm vỏ
Hình 6. Vi phẫu thân rễ Tam thất nam: Mô mềm vỏ chứa tinh bột ở thân rễ chưa chế biến (trái) Bó libe gỗ cấp 1 bị cắt ngang, cắt dọc và tế bào tiết tinh dầu (phải)
  1. Soi bột dược liệu
    Tam thất bắc: bột màu vàng nhạt, không có xơ, mùi thơm nhẹ, vị đắng.
    Thành phần dưới kính hiển vi: Mảnh bần gồm các tế bào màu nâu nhạt, hình đa giác, vách khá dầy. Mảnh mô mềm gồm tế bào trong suốt, vách mỏng, nhăn nheo, chứa tinh bột. Đôi khi gặp mảnh mô mềm có ống tiết chứa chất màu nâu đỏ. Mảnh mach vạch, mạch mạng ít. Rất nhiều hạt tinh bột hình khối đa giác, tễ là một chấm hay hình sao.
    Ghi chú: Trên thị trường dược liệu, một số mẫu Tam thất Panax notoginseng F.H. Chen được bán dưới dạng bột đôi khi bị pha lẫn một số thành phần khác do vô tình cố ý, ví dụ bị pha trộn bột đậu xanh. Trong trường hợp nầy có thể phát hiện bằng kính hiển vi dựa trên hình dạng và kích thước hạt tinh bột, hoặc sự hiện diện của thành phần lạ, không có trong bột Tam thất tinh khiết (hình 9).
    Tam thất nam (chưa chế biến): bột màu nâu nhạt, không có xơ, mùi thơm, vị cay.
    Thành phần dưới kính hiển vi: mảnh suberoid, mảnh bần, mảnh mô mềm chứa tinh bột và tế bào tiết tinh dầu màu vàng nhạt, mảnh mạch mạng, mạch vạch. Hạt tinh bột hình bầu dục hoặc hình cầu, tễ không thấy rõ.
    Mẫu mua trên thị trường làm từ củ khô đã qua chế biến (đồ chin), thành phần hạt tinh bột bị tan rã biến thành dung dịch hồ tinh bột, do đó chỉ thấy đám tế bào hay từng tế bào mô mềm chứa hồ tinh bột lấm tấm bên trong, ít thấy hạt tinh bột.
Hình 7. Bột Tam thất: mảnh mô mềm có ống tiết nhựa thơm.
Hình 8. Bột Tam thất: mảnh mô mềm có chứa tinh bột và hạt tinh bột hình khối đa giác với tễ hình sao.
Hình 9. Bột Tam thất có lẫn hạt tinh bột Đậu xanh.
Hình 10. Bột Tam thất nam: tế bào mô mềm có chứa tinh bột bị hóa thành hồ khi đồ chín.
  1. Thành phần hóa học
    Tam thất bắc: có tinh bột, tinh dầu, nhựa, saponin triterpen (Ginsengnosid)
    Tam thất nam (chưa chế biến): Có tinh bột, tinh dầu, phytosterol

Kết luận
Để tránh nhầm lẫn Tam thất bắc và nam, đặc điểm hình thái, cảm quan, đặc điểm giải phẫu có thể giúp phân biệt rõ ràng hai mẫu dược liệu. Dưới dạng bột dược liệu, thành phần hạt tinh bột cũng giúp nhận dạng bột Tam thất bắc hay Tam thất nam. Mặt khác, đối với Tam thất Panax notoginseng ở dạng bột nếu bị pha trộn bột khác có thể soi kính hiển vi để phát hiện những thành phần lạ, không có trong bột Tam thất tinh khiết.

Tài liệu tham khảo
1) Bộ môn Dược liệu, đại học Y Dược thành phố HCM (2021), Nhận thức cây thuốc và dược liệu, NXB Y học.
2) Bộ Y tế (2018), Dược điển Việt Nam V, NXB Y học, Hà Nội.
3) Võ Văn Chi (2018), Tự điển cây thuốc Việt Nam tập I và II, NXB Y học, Hà Nội.
4) Viện Dược liệu (2016), Danh lục cây thuốc Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
5) Đỗ Tất Lợi (1991), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, xuất bản lần thứ 6, NXB Khoa học và kỹ thuật.

Võ Thị Bạch Tuyết (Bộ môn Dược liệu – Thực vật – Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)

Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172