VAPE LÀ GÌ VÀ TÁC HẠI RA SAO?

Cập nhật lần cuối vào 06/04/2023

I. GIỚI THIỆU

Thuốc lá được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những hệ luỵ sức khoẻ nghiêm trọng. Theo dữ liệu của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), số liệu năm 2018 cho thấy tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong có liên quan đến đột quị hoặc bệnh lý mạch vành do trực tiếp hút thuốc lá gây ra hàng năm, trong đó, có khoảng 45,3% số người hút là nam giới. Nghiêm trọng hơn, khi một người hút thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, cho dù những người đó không hút thuốc lá (nghiên cứu chỉ ra người tiếp xúc khói thuốc thụ động sẽ bị tăng 30% nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch). Điều này dẫn đến số lượng người thực sự có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch lớn hơn nhiều so với số người hút thuốc lá trực tiếp trong xã hội. Hiện tại, ước tính khoảng 34,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi những người hút thuốc lá tại công sở, tại nhà và nhiều nơi khác.[1]

Trước tình hình đó, một phát minh đã được ra đời với mục đích giúp những người nghiện thuốc lá có thể cai thuốc hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cho bản thân họ và những người xung quanh. Đó chính là thuốc lá điện tử.[2]

Thuốc lá điện tử (hình 1) được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, phổ biến nhất là e-cigarettes, Vape pens, e-hookahs hoặc là ENNDS (electronic non-nicotine delivery systems – không chứa nicotine) hay ENDD (electronic nicotine delivery device – có chứa nicotine) nhưng tất cả thường được gọi chung là Vape. Việc sử dụng Vape gọi là Vaping.[2], [4], [5]

Hình 1. Cấu tạo một bút thuốc lá điện tử (Vape pen) [3]

Cơ chế hoạt động là thuốc lá điện tử sẽ chuyển một loại dung dịch thành dạng khí và người sử dụng sẽ hít vào. Dung dịch này thường có thể chứa nicotine hoặc mirijuana (THC – tetrahydrocannabinol), propylene glycol, glycerine thực vật và chất tạo mùi vị, chất phụ gia (Vitamin E acetate trong một số loại Vape THC) và một số hoá chất khác (hình 2).

Hình 2. Các hoá chất có thể tạo ra bởi bút thuốc lá điện tử (Vape pen) [6]

Nhận xét về mặt ưu điểm thì Vape hơn thuốc lá truyền thống ở chỗ chúng không sản sinh ra Tar (hắc ín) hoặc Carbon monoxide (CO), vốn dĩ là các chất gây hại nhất trong thuốc lá truyền thống [2], [4], [5]. Vì vậy, Vape được xem là phương án giúp người nghiện hút thuốc lá vừa có thể cai nghiện từ từ, vừa bảo vệ sức khoẻ cho mình và những người xung quanh. Nhưng liệu thực sự Vape có an toàn như thế không?

II. TÁC HẠI CỦA SỬ DỤNG VAPE (VAPING)
Trên thực tế, việc sử dụng e-cigarettes đã ghi nhận được nhiều tác hại sức khoẻ, đơn cử như: [4], [6]

Thứ nhất, về thiệt hại vật lý, nếu thiệt bị không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thì nó có thể phát nổ và gây phỏng cho người sử dụng hoặc dung dịch bên trong có thể bị rò rỉ và trẻ em có thể nuốt phải dẫn đến ngộ độc.

Thứ hai, tuy không chứa Tar và CO như đã nói nhưng dung dịch trong Vape lại có một số hoá chất đi kèm (hình 2) có tác hại không kém đến sức khoẻ. Ghi nhận trên thực tế cho thấy sử dụng Vape có chứa nicotine và một số tiểu phân kích thước nhỏ vẫn có thể gây hại lên một số cơ quan ví dụ như phổi, tim mạch và não bộ. Và tác hại sức khoẻ này ảnh hưởng cả lên người sử dụng và người xung quanh.

Thứ ba, số ít những người chưa từng nghiện thuốc lá trước đây, khi tiếp xúc với nicotine có trong Vape, sẽ tăng gấp đôi khả năng sử dụng thuốc lá truyền thống sau này vì tính gây nghiện rất mạnh của nó.

Cụ thể thì:
Nicotine, thủ phạm chính có mặt trong một số loại Vape như ENDD, có thể gây ra những tác động rất xấu đến việc phát triển não bộ ở trẻ em và trẻ vị thành niên kéo dài đến 25 tuổi. Hậu quả là, những người trẻ này sẽ giảm sút khả năng trí tuệ và mắc chứng rối loạn lo âu. Mặt khác, nicotine còn có thể tác động lên việc phát triển não bộ của thai nhi khi người mẹ tiếp xúc với nó trong thời gian thai kì. [4], [6]

Một tác hại nghiêm trọng đáng lưu ý khác của Vape là gần đây nhiều báo cáo có liên quan đến tổn thương phổi (Vaping-associated pulmonary injury (VAPI) or e-cigarette or vaping product use associated lung injury (EVALI)) đã được ghi nhận. Chất Vitamin E acetate có trong loại Vape THC (marijuana) được xem là thủ phạm chính gây ra tổn thương phổi. [4], [5]

Theo số liệu ghi nhận, từ tháng 3 năm 2019, tại Mỹ ghi nhận một chùm ca tổn thương phổi liên quan e-cigarettes và từ tháng 2 năm 2020, hơn 2800 bệnh nhân nhập viện vì EVALI, trong đó 68 ca đã được báo cáo tử vong. Diễn tiến bệnh sinh EVALI theo nghiên cứu chùm bệnh của Butt và cộng sự cho thấy, bệnh nhân bị viêm xơ phổi cấp, tổn thương khí phế nang lan toả, viêm phế quản. Khi mắc EVALI, bệnh nhân sẽ có một số triệu chứng không điển hình như ho, đau ngực, thởnông, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt và sụt cân. Các bệnh nhân này buộc phải sử dụng phương pháp thông khí cơ học (thở máy) có xâm lấn hoặc không xâm lấn. Bệnh nhân nếu từ 35 tuổi trở lên, có bệnh nền sẵn làm giảm dung tích phổi, hoặc có mức SpO2 lúc nghỉ thấp hơn 95% sẽ dễ tiến triển xấu nhanh và gặp phải hội chứng suy hô hấp cấp. [10]

Mặt khác, một điều đáng báo động là với nhu cầu sử dụng Vape càng ngày càng gia tăng trong xã hội, những tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận có thể bất chấp bào chế những loại Vape mới chứa thêm nhiều loại hoá chất độc hại hơn. Một trường hợp được ghi nhận trên Báo Thanh Niên số ra ngày 28/7/2022 về một nữ bệnh nhân 20 tuổi bị tổn thương não lan toả, hôn mê sâu, suy đa tạng (tim, phổi…) do đã sử dụng một loại thuốc lá điện tử mới chứa chất cần sa tổng hợp ADB – BUTINACA.

Tiên lượng bệnh nhân khi nhập viện là không khả quan. [9].

III. LỜI KẾT
Hiện nay, Vaping đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ (tỉ lệ ước chừng cứ 4 người sẽ có 1 người sử dụng Vape)[5]. Với những bằng chứng ghi nhận về tác hại của Vape, cộng đồng và chính phủ cần có những biện pháp phòng tránh. Đơn cử như: [4], [5], [8]

• Cấm quảng cáo Vape dưới bất kỳ hình thức nào cho người dưới 21 tuổi.

• Kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ sản phẩm Vape trên bình diện quốc gia

• Nghiêm cấm sử dụng Vape trong các khuôn viên kín ví dụ trong phòng, tại công sở, trong nhà và các nơi khác.

• Tăng cường thông tin về tác hại của Vape, đồng thời phản biện những tuyên bố lợi ích sức khoẻ chưa có bằng chứng rõ ràng của Vape. Ví dụ: giúp cai thuốc dễ dàng, hoàn toàn không độc hạinhư thuốc lá truyền thống…

• Áp dụng các biện pháp cai thuốc lá khác. Ví dụ: liệu pháp thay thế nicotin (nicotine replacement therapy), tư vấn giáo dục trong cộng đồng…

Những biện pháp vừa nêu cần sự nhận thức cao từ cộng đồng và sự phối hợp của chính phủ để có thể đạt được hiệu quả tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. World Health Organization (2018), Smoking causes 40 000 deaths in Viet Nam each year, https://www.who.int/vietnam/news/detail/27-05-2018-smoking-causes-40-000-deaths-in-vietnam-each-year, truy cập 08/07/2022
  2. National Health System (UK) (2022), Using e-cigarettes to stop smoking, https://www.nhs.uk/live-well/quit-smoking/using-e-cigarettes-to-stop-smoking/, truy cập 08/07/2022
  3. Structure of an e-cigarettes, https://www.researchgate.net/figure/Structure-of-theCategoria-electronic-cigarette-e-Cigarette-The-e-Cigarette-is-a_fig1_51709030, truy cập 08/07/2022
  4. World Health Organization (2022), Tobacco: E-cigarettes, https://www.who.int/newsroom/questions-and-answers/item/tobacco-e-cigarettes, truy cập 08/07/2022
  5. National Institute of Health (NIH – US) (2020), The risk of Vaping: A look at safety, https://newsinhealth.nih.gov/2020/05/risks-vaping, truy cập 08/07/2022
  6. Centers for Disease Control and Prevention (CDC – US) (2022), Quick Facts on the Risks of Ecigarettes for Kids, Teens, and Young Adults, https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/ecigarettes/Quick-Facts-on-the-Risks-of-E-cigarettes-for-Kids-Teens-and-Young-Adults.html và https://www.cdc.gov/tobacco/infographics/youth/pdfs/e-cigarettes-usb-flash-508.pdf, truy cập 08/07/2022
  7. Hassam Zulfiqar; Omar Rahman (2022), Vaping Associated Pulmonary Injury, StatPearls Publishing, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560656/,truy cập 08/07/2022
  8. Centers for Disease Control and Prevention (CDC – US) (2022), Quit smoking, https://www.cdc.gov/tobacco/quit_smoking/index.htm, truy cập 08/07/2022
  9. Lien Chau (2022), Cảnh báo thuốc lá điện tử chứa chất ma tuý mới gây tổn thương toàn bộ não, https://thanhnien.vn/canh-bao-thuoc-la-dien-tu-chua-chat-ma-tuy-moi-gay-ton-thuongtoan-bo-nao-post1482772.html, truy cập 16/8/2022
  10. Butt et al. (2019), Pathology of Vaping-Associated Lung Injury, https://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJMc1913069?url_ver=Z39.88- 2003&rfr_id=ori:rid:crossref.org&rfr_dat=cr_pub%20%200pubmed, truy cập 08/07/2022

Tác giả: Nguyễn Quốc Trung – Bộ môn Dược lý – Dược lâm sàng

Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172