XU HƯỚNG SỬ DỤNG MỸ PHẨM NĂM 2022


Cập nhật lần cuối vào 06/04/2023

Khi nói đến mỹ phẩm và làm đẹp, người ta thường nghĩ đến phụ nữ. Thế nhưng đẹp và làm đẹp là một trong những nhu cầu tất yếu không phải chỉ của riêng phụ nữ mà của tất cả mọi người, cả phụ nữ và nam giới, từ người trẻ đến người già, cả người giàu lẫn người nghèo. Mỹ phẩm thuộc nhóm sản phẩm được sử dụng trực tiếp lên cơ thể người, phần nào có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì thế ngành công nghiệp mỹ phẩm ngày càng được quan tâm nghiên cứu và phát triển.

Theo báo cáo được công bố bởi BCC research, chỉ tính riêng các sản phẩm chống lão hóa năm 2004 tại Mỹ có doanh số đạt 45,5 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 9,5%, ước tính đạt 72 tỷ USD năm 2009. Một báo cáo khác của Packaged Facts, doanh số các sản phẩm cosmeceutical (tạm hiểu là sản phẩm mỹ phẩm có một số đặc tính như thuốc về khả năng, tác dụng điều trị) năm 2004 tại Mỹ có doanh số đạt 12,4 tỷ USD (trong số đó sản phẩm chăm sóc da chiếm 6,4 tỷ USD) và tăng lên khoảng 16 tỷ USD năm 2010. Doanh số toàn cầu mỹ phẩm ước tính đạt 230 tỷ USD hàng năm [1].

Mỹ phẩm trên thị trường vô cùng đa dạng phong phú về chủng loại, hình thức, cũng như có rất nhiều dạng bào chế khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm, mục đích sử dụng, cách và nơi sử dụng của chúng. Mỗi tiêu chí khác nhau, chúng ta sẽ có cách phân loại các dạng mỹ phẩm khác nhau. Về cơ bản, có thể phân loại mỹ phẩm như sau:

1. Phân loại dựa trên đặc tính

Với cách phân chia này, chúng ta sẽ có 2 dòng mỹ phẩm chính là: Dược mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm. Đặc tính giữa chúng có gì khác biệt?

→ Dược mỹ phẩm: Đây là sự kết hợp giữa Dược phẩm và Mỹ phẩm. Vì là dòng sản phẩm “lai” nên chúng vừa có tác dụng làm đẹp vừa có tác dụng như thuốc điều trị giúp làn da đẹp từ bên trong. Những vấn đề như: lão hóa da, giảm viêm nhiễm mụn, tổn thương, sạm nám… đều có thể cải thiện nhờ dược mỹ phẩm.

→ Hóa mỹ phẩm: Dòng sản phẩm này tương đối thông dụng như làm sạch, tạo mùi hương, làm đẹp da… Thành phần cấu tạo chủ yếu của hóa mỹ phẩm thường là nguyên liệu dạng sáp, bột, dầu, chất lỏng…

2. Cách bào chế khác nhau sẽ có các dạng mỹ phẩm khác nhau

Dạng dung dịch (solution): là dạng đơn giản nhất trong các dạng bào chế của mỹ phẩm và được áp dụng để sản xuất các sản phẩm khi các thành phần của nó đều tan dễ dàng trong một dung môi nào đó như tinh dầu thơm, nước tẩy trang, nước hoa hồng… Khi đó, bạn có thể sử dụng trực tiếp trên da mà không cần rửa lại với nước. Các mỹ phẩm thuộc dạng này là dung dịch đồng nhất, các thành phần được hòa tan trong dung môi hoặc hỗn hợp dung môi phù hợp. Với thành phần là các chất phân cực, nước là dung môi được sử dụng phổ biến nhất vì tính sẵn có và an toàn của nó. Với các thành phần không tan trong nước, dung môi kém hoặc không phân cực được sử dụng làm môi trường hòa tan. Solution thích hợp bôi ở vùng có lông.

Dạng nhũ tương (emulsion): được áp dụng khi các nguyên liệu không tương hợp với nhau, không hòa tan được vào nhau, và là một trong những dạng phổ biến nhất của mỹ phẩm trên thị trường từ các sản phẩm có tác dụng làm sạch như dầu gội đầu, sữa tắm; các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng da, kem giữ ẩm đến các sản phẩm chăm sóc tóc. Nhũ tương (ở trạng thái lỏng còn được gọi là nhũ dịch) là hỗn hợp ổn định của hai pha/ dung môi không trộn lẫn với nhau, trong đó một pha được phân tán trong một pha khác. Dựa vào tính chất phân cực của dung môi, hai pha không trộn lẫn với nhau đó được chia thành pha nước và pha dầu, khi đó có hai kiểu nhũ tương chính là kiểu nước trong dầu và kiểu dầu trong nước. Pha dầu gồm các chất ít hoặc không phân cực, tan được trong các dung môi không phân cực như paraffin, vaseline, dầu, tinh dầu nên được gọi là thân dầu; ngược lại pha nước chứa các chất phân cực và tan được trong các dung môi phân cực như nước, cồn, glycerin, polyethylene glycol được gọi là thân nước. Việc chọn kiểu nhũ tương nước trong dầu hay dầu trong nước tùy thuộc vào khối lượng, các đặc tính, bản chất lý hóa học của các thành phần trong sản phẩm và cả của tác nhân nhũ hóa. Kiểu nhũ tương dầu trong nước được áp dụng rộng rãi hơn do giá thành phù hợp và dễ dàng tương thích với da do thành phần chính là nước. 

Trong kỹ thuật bào chế, chất nhũ hóa đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc hình thành và ổn định nhũ tương. Đối với mỗi sản phẩm việc lựa chọn được thành phần chất nhũ hóa thích hợp, với tỷ lệ hợp lý phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng giữa hai pha, là thách thức lớn nhất cho các nhà bào chế để tạo ra được nhũ tương bền vững, ổn định và không bị phân lớp. Chất diện hoạt (surfactant, còn gọi là chất hoạt động bề mặt) là một trong những tác nhân nhũ hóa được sử dụng nhiều trong sản xuất các mỹ phẩm dạng nhũ tương. Chất diện hoạt là các phân tử có cấu trúc gồm hai phần có đặc tính khác nhau, vừa có tính chất thân dầu và vừa có khả năng thân nước, có đặc trưng cơ bản là làm giảm sức căng bề mặt giữa 2 pha, làm giảm sự kết dính và ngăn cản sự kết tụ các giọt phân tán. Xà phòng, nước rửa tay là một ví dụ đơn giản về chất hoạt động bề mặt: khi rửa tay, trước hết do có khả năng thân dầu, dầu mỡ được phân tán vào dung dịch xà phòng, đồng thời với khả năng thân nước nên tiếp đó xà phòng được hòa tan vào nước khi rửa, kéo theo cả dầu mỡ và tay dễ dàng được rửa sạch. Trong kỹ thuật bào chế, về nguyên tắc để tạo dạng nhũ tương phải chuẩn bị các pha nước, pha dầu cùng với chất nhũ hóa trước rồi phối hợp các pha lại với nhau. Để tăng độ hòa tan, độ phân tán và tính đồng nhất, ngoài thành phần và nồng độ chất nhũ hóa, quá trình này đòi hỏi phải thực hiện đúng kỹ thuật bào chế và yêu cầu một số yếu tố khác như pH môi trường, nhiệt độ, thời gian phân tán, quá trình phân tán, khuấy trộn…

Dựa vào thể chất, thành phần và tính chất của sản phẩm tạo thành mà có thể chia nhũ tương ra thành các dạng bào chế cụ thể hơn bao gồm mỡ (ointment), kem (cream) và lotion. Mặc dù mỗi dạng bào chế này đều có những đặc trưng riêng, tuy nhiên sự phân biệt giữa các dạng bào chế này đôi khi không thực sự rõ ràng.

Dạng mỡ có thành phần chủ yếu là dầu mỡ, thể chất đặc, tạo cảm giác nhờn, bết dính, khó tán đều thuốc khi bôi lên da và có thể gây viêm nang lông. Dạng mỡ hấp thu chậm nhưng thúc đẩy quá trình hấp thu tốt hơn các dạng bào chế khác, vì vậy thường dùng cho các sản phẩm với mục đích điều trị, các mỹ phẩm có thành phần dược chất như các sản phẩm trị mụn, trị nám da. Vì thành phần chứa ít hoặc không có nước nên không cần hoặc cần ít chất bảo quản do đó giảm được tỷ lệ kích ứng, dị ứng. Dạng này thích hợp khi dùng cho mùa đông hoặc da quá khô, vùng da dày như bàn tay và bàn chân có tổn thương mạn tính. Với dùng da có tóc thì khó áp dụng.

Kem là dạng nhũ tương bán rắn có thành phần tương đối cân bằng giữa pha dầu và pha nước, có độ đặc và độ nhớt trung bình, thể chất dạng mềm. Dạng kem hấp thu nhanh, dễ sử dụng và dễ rửa sạch, khả năng dưỡng ẩm hợp lý và phù hợp với đa số người dùng. Cream ít bóng nhờn, tán thuốc đều hơn mỡ nên có tính thẩm mỹ cao, là dạng bào chế phổ biến cho các sản phẩm dưỡng da, chăm sóc da.

Dạng lotion có tỷ lệ nước và các chất hòa tan chiếm > 50%, thể chất gần với dung dịch, hấp thu rất nhanh và tạo cảm giác nhẹ nhàng trên da. Bào chế dạng lotion thường đơn giản hơn do nồng độ các thành phần nhỏ hơn và không phải lo lắng nhiều về sự phân lớp. Dạng này lỏng hơn cream nên có thể dùng tốt ở vùng da có lông, dễ tán thuốc nên thường được thiết kế bôi trên thân mình. Tuy nhiên, thuốc bôi lotion có độ dưỡng ẩm không kéo dài.

Dạng gel là dạng bán rắn, cấu trúc bởi chất nền là chất tạo gel với cấu trúc 3 chiều, trong chất nền đó có thể chứa các chất khác nhau. So với dạng mỡ và cream, gel chứa nhiều nước hơn vì thế có khả năng pha loãng thuốc tốt, khô nhanh khi bôi, thẩm thấu tốt, tạo thành lớp màng mỏng và tạo cảm giác dịu trên da, ít gây nhờn. Dựa vào các thành phần bên trong, gel được chia làm hydrogel (chứa nước) hoặc oleogel (chứa dầu). Những năm gần đây phát triển thêm nhiều loại gel mới như proniosomal gels, emulgels…

Một dạng bào chế khác tuy không phổ biến nhưng cũng được sử dụng trong mỹ phẩm là dạng hỗn dịch. Hỗn dịch (suspension) là hệ phân tán chứa các chất rắn không hòa tan, được phân tán đều dưới dạng hạt rất nhỏ trong môi trường phân tán. Môi trường phân tán có thể là nước hoặc dầu, cũng có thể trong một hệ nhũ tương, vì thế hỗn dịch có thể chất lỏng. Nhìn chung các hạt phân tán trong hỗn dịch có đường kính cỡ micromet, thường có kích thước lớn hơn các tiểu phân so với hệ phân tán nhũ tương. Về bản chất hỗn dịch cũng tương tự nhũ tương, có thể hình dung là hỗn dịch chứa các hạt lơ lửng có thể nhìn thấy được vì thế còn được gọi là dịch treo. Hỗn dịch được áp dụng khi thành phần của sản phẩm có lượng quá lớn, độ tan thấp hoặc có những tính chất đặc biệt, khó hoặc không thể tạo được dạng nhũ tương ổn định. Vì thế khác với nhũ tương, hỗn dịch kém bền vững ở dạng phân tán đồng nhất mà thường tách lớp và phải lắc trước khi sử dụng.

Dạng rắn (solid): các mỹ phẩm có thể chất rắn phải kể đến như dạng bột (phấn rôm trẻ em), dạng đóng bánh (phấn trang điểm), dạng que (màu kẻ mắt), dạng thỏi (son môi)… Các thành phần được làm mịn, trộn đồng nhất và được định hình trong các khuôn mẫu dựa trên tác dụng của các thành phần kết dính, hoặc dựa vào đặc tính nóng chảy ở nhiệt độ cao, đông đặc ở nhiệt độ thường, hoặc kết hợp với phương pháp cơ học khác như nén, ép.

Dạng sol khí (aerosol): là cách trình bày mà trong đó sản phẩm được đóng trong một bao bì kín và được phun, đẩy ra bằng dưới áp suất của một chấy đẩy (propellant), là dạng khí nén hay khí hóa lỏng; chất đẩy này thường là hydrocarbon không phân cực như propan hoặc butan. Xịt khoáng, xịt chống nắng, xịt dưỡng ẩm… đều là mỹ phẩm dạng khí dung. Các loại này, cấu trúc thuốc bên trong có thể là solution với chất tan là hoạt chất hòa tan trong dung môi và chất đẩy hoặc là cấu trúc hỗn dịch, dùng được diện rộng, thuốc nhanh chóng tác dụng gây cảm giác mát khi dùng và ít để lại bóng nhờn. Tuy nhiên do dung môi có thể là alcol nên có thể gây tình trạng châm chích và nóng rát khi bôi. Trường hợp đặc biệt, nếu cấu trúc bên trong là nhũ tương, dưới áp suất của chất đẩy, thuốc được đẩy ra khỏi bình tạo dạng bọt. Dạng này rất dung nạp ở vùng tóc cũng như vùng da đầu nên hay được áp dụng cho các sản phẩm chăm sóc tóc.

Các dạng khác

Serum là dạng lỏng trong đó hoạt chất có nồng độ cao. Dạng bào chế này cho phép hoạt chất thấm sâu và nhanh vào da, cho hiệu quả sớm trong khi ít để lại cảm giác bóng nhờn ở trên da.Loại này có thể tồn tại dưới các dạng gel, cream nhẹ, dầu. Vì nồng độ các chất khá cao nên có thể gây cảm giác nhớt khi dùng, chúng ta cần massage đều sau bôi để thuốc thấm vào da được tốt hơn và chỉ cần 3-5 giọt có thể bôi được cho cả mặt.

Essence là dạng trình bày giống serum nhưng hoạt chất có nồng độ thấp hơn, thường chứa nhiều chất có tính chất dưỡng ẩm hơn.

Ampoule cũng tương tự như serum nhưng hoạt chất có nồng độ cao hơn và cô đặc.

3. Phân chia mỹ phẩm dựa trên công dụng

Mỹ phẩm dùng để chăm sóc da và trang điểm (make up) là các dạng mỹ phẩm được phân chia dựa trên công dụng.

Sản phẩm chăm sóc da (Skin care)

Đây là dạng sản phẩm được sử dụng để làm sạch da, cải thiện các vấn đề về da chuyên sâu. Từng bước trong quy trình chăm sóc da sẽ có một sản phẩm chuyên dụng, cụ thể:

  • Nước, dầu tẩy trang: giúp làm sạch bã nhờn, bụi bẩn
  • Sữa rửa mặt: làm sạch da chuyên sâu, loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn lần 2
  • Nước hoa hồng (Toner): giúp cân bằng da, khôi phục lại độ pH tự nhiên của da
  • Tấy da chết (BHA): loại bỏ da chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng, sạch sẽ
  • Mặt nạ dưỡng da: phục hồi, tái tạo, cung cấp độ ẩm cho làn da
  • Dưỡng ẩm, cung cấp độ ẩm cho da
  • Serum: chống lão hóa, cung cấp độ ẩm, se khít lỗ chân lông
  • Xịt khoáng: khóa ẩm

Đây chính là những dòng sản phẩm cơ bản được sử dụng để chăm sóc da hàng ngày. Chúng sẽ đem đến một làn da khỏe mạnh, sạch sâu cho người sử dụng.

Dòng mỹ phẩm được sử dụng để trang điểm

Nếu như skincare đem đến làn da khỏe mạnh từ bên trong thì mỹ phẩm trang điểm (make up) lại được sử dụng để tô điểm cho vẻ đẹp bên ngoài. Điểm tên các dòng mỹ phẩm được sử dụng trong lớp trang điểm: Kem lót, kem che khuyết điểm, phấn phủ, kem nền, kem tạo khối, phấn má, phấn mắt, bắt sáng, masscara, bút kẻ mắt, các loại son…

4. Phương thức sản xuất cho ra những dòng sản phẩm khác biệt!

Nếu phân loại dựa trên phương thức sản xuất, chúng ta sẽ có các dòng mỹ phẩm sau:

  • Mỹ phẩm handmade: Được làm bằng tay với số lượng nhỏ lẻ
  • Mỹ phẩm được sản xuất công nghiệp: Sản xuất bằng máy móc hiện đại, được sản xuất hàng loạt

Có thể nói, với mỗi cách thức phân loại khác nhau, chúng ta sẽ có những dòng mỹ phẩm khác nhau. Tuy nhiên dù là dòng nào thì mỹ phẩm cũng phải đáp ứng được các yêu cầu chung của một sản phẩm hàng hóa như chất lượng sản phẩm, giá trị sử dụng, nhu cầu thị hiếu, hình thức thẩm mỹ, giá cả. Ngoài ra mỹ phẩm còn phải đáp ứng các yêu cầu riêng đối với sản phẩm sử dụng trực tiếp lên cơ thể người như độ an toàn, mức độ kích ứng, hiệu quả sử dụng. Đó mới là cái đích chính mà mỹ phẩm cần hướng tới để mang lại lợi ích cho người dùng.

Dòng mỹ phẩm là xu hướng trong năm 2022?

Vậy dòng mỹ phẩm nào sẽ “lên ngôi” trong 2022? Xu hướng làm đẹp nào sẽ thịnh hành trong năm tới? Các chuyên gia đã đưa ra 5 dòng sản phẩm chắc chắn sẽ trở thành “trend”:

Đầu tiên, mỹ phẩm thiên nhiên. Đây là dòng sản phẩm được làm từ dược liệu, thảo dược, trái cây… có độ an toàn cao, không gây kích ứng da, giúp da khỏe đẹp từ sâu bên trong.

Thứ hai, sản phẩm làm đẹp kết hợp với khẩu trang. Chúng là dòng mỹ phẩm make up riêng cho nửa khuôn mặt không có khẩu trang như: mắt, lông mày, masscara, kem dưỡng mắt, kem chống nắng.

Thứ ba, Skincare vẫn sẽ hot trong năm 2022. Những sản phẩm làm sạch sâu, giúp lỗ chân lông thông thoáng sau thời gian sử dụng khẩu trang vẫn sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Thứ tư, dòng mỹ phẩm có chứa CBD. CBD là tên gọi của Cannabidiol – một hợp chất có trong tự nhiên mang lại cảm giác thư giãn và bình tĩnh. Theo nghiên cứu của Korea Research Opinion Poll cuối năm 2021, 50% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ cảm thấy tồi tệ, căng thẳng và sợ hãi hơn ngay cả khi đại dịch đã có chuyển biến tốt. Vì vậy, những dòng sản phẩm làm đẹp giúp giảm căng thẳng chắc chắn sẽ “làm mưa làm gió” trong thời gian tới.

Thứ năm, mỹ phẩm chống lão hóa. Dòng sản phẩm làm mờ nếp nhăn, giảm tàn nhang, chống lão hóa… luôn luôn nằm trong “top xu hướng” làm đẹp không chỉ 2022 mà rất nhiều năm tới.

Mong rằng với những thông tin trên, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về các dạng mỹ phẩm phổ biến trên thị trường hiện nay cũng như xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.

BỘ MÔN BÀO CHẾ – HOÁ LÝ

Tài liệu tham khảo

  1. K. Lintner (ed.) (2009), Global Regulatory Issues for the Cosmetics Industry, Vol. 2, Nhà xuất bản William Andrew Inc., trang 121 – 122.
  2. Mayba et al (2017). A Guide to Topical Vehicle Formulations. Journal of Cutaneous Medicine and Surgery, 22(2), 20-7212.
  3. Bác sĩ Hoàng Văn Tâm (2022), Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 62-68.
  4. https://nanofrance.com.vn/


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172