Cập nhật lần cuối vào 10/07/2023
Kĩ năng chuẩn bị và trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng rất cần thiết không chỉ với sinh viên sắp tốt nghiệp mà với tất cả các bạn sinh viên tìm kiếm các trải nghiệm làm việc bán thời gian, thực tập…
Vừa qua, Câu lạc bộ The Insight – thuộc bộ môn Quan hệ Quốc tế đã tổ chức Workshop thứ 3 về kỹ năng mang tên “Catch the Chance”. Khách mời là Ms. Khánh Nguyễn, hiện là Giám đốc Truyền thông và thương hiệu (Head of Branding & Communications) tại Talentnet Corporation. Chị đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing & Advertising tại các công ty truyền thông toàn cầu và doanh nghiệp Việt Nam. ThS. Trần Tuấn Đạt, giảng viên Quan hệ Quốc tế, Quan hệ Công Chúng và Quản trị Sự kiện là host của chương trình.
Buổi workshop được thực hiện trên nền tảng Fan8 và Livestream qua Facebook thu hút nhiều sinh viên của trường và các sinh viên trường bạn tham gia.
Một số điều quan trọng mà 2 vị “tiền bối” chia sẻ khi tham gia phỏng vấn mà các ứng viên cần quan tâm trước và sau phỏng vấn gồm cả hình thức phỏng vấn trực tiếp lẫn phỏng vấn online đó là: ngoại hình, mức lương, ngôn ngữ cơ thể, sự chuẩn bị, cách ứng xử linh hoạt…
Lo lắng trước một buổi phỏng vấn là một điều hết sức bình thường, vì chúng ta không hề biết những câu hỏi hay thử thách ‘hóc búa” nào nhà tuyển dụng sẽ đưa ra. Tuy nhiên, người xưa có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nếu chưa biết đối phương như thế nào, thì phải thật “hiểu” bản thân trước đã. Thế nên để chuẩn bị tinh thần tốt nhất trước bất kì buổi phỏng vấn nào, chị Khánh Nguyễn đã đưa ra 3 câu hỏi “self-reflection” để giúp chúng ta xác định lại năng lực và mức độ cam kết của mình với công việc.
- Hãy hỏi bản thân “Tại sao bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác?”
- “Vì sao bạn lại chọn công việc này?”
- “Vì sao lại là công ty này chứ không phải công ty khác?”
Nhiều câu hỏi từ sinh viên được 2 diễn giả giải đáp bằng kinh nghiệm thực tiễn rất hữu ích. Dưới đây là một số tình huống mà nhiều sinh viên trăn trở.
Q1: Nếu nhà tuyển dụng hỏi câu em không biết trả lời (ví dụ: nêu điểm mạnh, điểm yếu), thì em nên làm gì ạ?
Đối với các câu hỏi “hóc búa” bạn có thể phản ứng nhanh bằng cách áp dụng mô hình STAR (situation – task – attitude – result) để câu trả lời có thể rõ ràng và đầy đủ nhất có thể.
Ngoài ra, ở câu hỏi điểm mạnh và điểm yếu, câu trả lời của bạn nên giới hạn 1 bối cảnh/ công việc cố định. Hạn chế của bạn hoàn toàn có thể trở thành điểm mạnh trong mắt nhà tuyển dụng đó!
Q2: Em có nên học tủ một số câu hỏi phỏng vấn thường gặp trước không ạ?
Câu trả lời là có. Chuẩn bị trước một số câu hỏi thường gặp sẽ giúp câu trả lời của bạn mạch lạc và liên kết hơn. Đồng thời cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn khi phỏng vấn. Tuy nhiên, nên lưu ý là tránh học tủ một cách máy móc, nếu không sẽ khiến câu trở lời trở nên máy móc và thiếu tự nhiên.
Q3: Nếu mình không có kinh nghiệm để ghi vào CV thì mình cần làm gì để “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng ạ?
Chỉ có một cách duy nhất là phải “làm dày” CV bằng cách tích cực tham gia các dự án, câu lạc bộ, đoàn đội,… hoặc tích lũy kinh nghiệm từ các công việc làm thêm. Chính những hoạt động đó không chỉ giúp chúng mình phát triển hơn và mà còn là ứng viên nổi bật hơn nữa đó!
Q4: Nhà tuyển dụng đã xem CV của em rồi nhưng họ vẫn yêu cầu em giới thiệu thêm về bản thân thì em nên trả lời như thế nào ạ?Đừng nên quá lo lắng nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn câu này nhé! Bởi vì một là họ đã quên mất bạn là ai trong vô vàn ứng viên nộp đơn. Hoặc là họ muốn tái đánh giá bạn bằng cách nghe bạn giới thiệu bản thân trực tiếp. Vì thế, hãy cố gắng hết sức để thể hiện bản thân bạn nhé!