Cập nhật lần cuối vào 05/03/2021
Ngày 31/10/2020, Bộ Môn Xây Dựng Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng đã mời ông Paul – Tổng Giám đốc công Ty GeoInstinct về giao lưu và giới thiệu về công nghệ 3D Laser Scanning và Scan to BIM, cũng như các ứng dụng của chúng vào lĩnh vực Quản Lý Xây Dựng cho sinh viên
Vậy công nghệ Scan 3D là gì?
Công nghệ scan 3D là phương pháp dùng máy quét Laser 3D để quét một đối tượng hoặc môi trường trong thế giới thực, nhằm thu thập dữ liệu về hình dạng, đặc tính của vật thể cụ thể.
Mục đích của việc quét 3D là tạo ra một mô hình 3D bằng dữ liệu số hóa. Mô hình 3D này bao gồm các đám mây điểm của các mẫu hình học trên bề mặt của đối tượng. Những điểm này sau đó có thể được sử dụng để ngoại suy hình dạng của đối tượng (một quá trình được gọi là Tái dựng). Nếu thông tin màu sắc được thu thập tại mỗi điểm, thì màu sắc trên bề mặt của đối tượng cũng có thể được xác định.
Một máy quét 3D có thể dựa trên nhiều công nghệ khác nhau, mỗi công nghệ có những hạn chế, ưu điểm và chi phí riêng. Nhiều hạn chế trong các loại đối tượng có thể được số hóa vẫn còn tồn tại.
Ngoài ra, còn cần một phần mềm chuyên dụng để xử lý dữ liệu được quét và chuyển đổi các dữ liệu ấy sang các định dạng thông dụng phục vụ cho các ngành thiết kế, xây dựng, cơ khí, khảo sát địa chất, công nghiệp giải trí …
Những ưu điểm của công nghệ Scan 3D
– Cung cấp một cách thức đo đạc, khảo sát bằng công nghệ 3D với độ chuẩn xác cao, phục vụ cho nhiều hạng mục liên quan.
– Cách thức thực hiện đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả.
– Giảm chi phí và thời gian so với các phương pháp truyền thống như dùng máy ảnh và các công cụ đo đạc khác.
– Linh hoạt chuyển đổi dữ liệu cho các mục đích sử dụng khác nhau, có thể lưu trữ lâu dài, phục vụ cho mục đích sử dụng hiện tại và tương lai.
– Dựng mô hình 3D nhanh chóng có độ chính xác cao với mục đích phục vụ cho mô phỏng công trình, dựng phối cảnh, lập dự toán, đánh giá chi tiết công trình một cách hiệu quả…
Ứng dụng của công nghệ Scan 3D vào lĩnh vực xây dựng
Đánh giá hiện trạng công trình: kiểm tra bề mặt ngoài công trình, các cấu kiện trước, trong và sau khi xây lắp, đặc biệt là các cấu kiện có hình dạng phức tạp. Dữ liệu thu nhận được sẽ giúp phân tích kết cấu và đưa ra các biện pháp thích hợp để xây mới hoặc bảo trì công trình. Đây là ứng dụng đặc biệt quan trọng trong việc phục chế các kiến trúc cổ, các di tích lịch sử, di sản văn hóa …
Hỗ trợ cho hoạt động khảo sát: cả trong đo đạc địa chất chuẩn bị cho việc khởi công một công trình hoàn toàn mới hoặc tu sửa các công trình hiện có. Hầu hết các công trình xây dựng đều cần khâu khảo sát để đánh giá nhận định ban đầu. Công nghệ quét 3D laser được sử dụng trong quá trình khảo sát cho nhiều công trình như đường xá, cầu cống, các công trình phụ trợ… Hoạt động này hỗ trợ cho việc đo đạc địa hình, khảo sát hiện trạng bề mặt, dự toán, hỗ trợ thiết kế và lập hồ sơ, đánh giá hiện trạng công trình, phục chế các công trình…
Phục vụ cho công tác thi công: với việc số hóa, khả năng chuyển hóa đa định dạng của dữ liệu 3D, công nghệ scan 3D hỗ trợ rất lớn trong việc giám sát thi công, đánh giá và quản lý từ xa, tăng khả năng kết nối và chia sẽ giữa các bên tham gia, có thể đưa ra những trao đổi, điều chỉnh hiệu quả, phù hợp trong thời gian ngắn nhất.
Chính vì những ưu điểm và khả năng ứng dụng như trên, công nghệ scan 3D đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập dữ liệu cho BIM – Mô hình thông tin xây dựng tiên tiến được đưa vào ứng dụng rất rộng rãi trong những năm gần đây.
Hiện nay, Bộ Môn Xây Dựng của Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng đã đưa BIM vào trong chương trình giảng dạy nhằm giúp các sinh viên tiếp cận được một cách nhanh nhất với các công nghệ mới được ứng dụng trong ngành.