Cập nhật lần cuối vào 18/04/2020
Trong những ngày gần đây, khi mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona sau đó là Covid-19 được mọi người “gọi tên” liên tục với sự hoang mang và cả hoảng sợ, chưa bao giờ vấn đề “đi học hay nghỉ” lại được cầm lên đặt xuống khó quyết đến như thế.
Học sinh sinh viên muốn đi học nhưng phụ huynh không muốn con đến trường vì sợ dịch Covid-19. E-Learning trở thành giải pháp thay thế khả dĩ cho lớp học truyền thống. Học trò không bị lỡ kiến thức, phụ huynh lại yên tâm chỉ có Cô Thầy là phải tập “diễn” trước máy quay và tập làm quen với những lớp học… không học trò.
Giải pháp thay thế khả dĩ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, E-Learning – phương pháp đào tạo trực tuyến đã được nhiều trường trên thế giới áp dụng và xem đây là một xu thế phát triển chung của giáo dục trong tương lai. Không thể phủ định những ưu điểm mà E-Learning mang lại. Bằng chứng là việc giảng dạy trên nền tảng Internet, giúp người dạy và học có thể chủ động về thời gian, có thể học bất cứ đâu, các nội dung bài giảng cũng được thiết kế trực quan, sinh động, nhất là có thể truyền tải kiến thức theo yêu cầu, tư duy của cá nhân mỗi người học.
TS. Đỗ Xuân Biên – Phó Trưởng Khoa Khoa học Xã hội – Ngôn ngữ quốc tế (KHXH&NNQT) của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – cho rằng hình thức giảng dạy E-Learning không mới. Các trường đại học lớn, các tổ chức giáo dục đã phát triển và triển khai giảng dạy trực tuyến nhiều năm nay. Ở Việt Nam, không khó để tìm các khóa học online với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các khóa đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Thầy cũng chia sẻ các trải nghiệm thực tế từ việc triển khai E-learning tại trường trong 2 tuần qua.
Thưa thầy, trong những ngày gần đây báo chí nhắc nhiều đến phương pháp giảng dạy E-Learning và hình ảnh các lớp học trực tuyến không học trò thu hút sự quan tâm của nhiều người. Là người có nhiều năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, thầy nghĩ như thế nào về phương pháp giảng dạy này?
Tôi đã từng được trải nghiệm hình thức học này tại Nhật Bản khi động đất, thiên tai cản trở việc đi lại của người dạy và học. Là một nước có nhiều thiên tai, Nhật Bản xem hình thức E-Learning như một giải pháp thay thế lớp học truyền thống. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi thực hiện giảng dạy online. Sau 2 tuần chuẩn bị gồm tham dự lớp tập huấn E-Learning và chuẩn bị tư liệu phù hợp với hình thức học này và bao gồm cả giảng thử. Nhận xét sau buổi dạy đầu tiên khá tích cực ở nhiều khía cạnh, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tốt cho quá trình giảng dạy và tỉ lệ sinh viên tham gia lớp học khá cao. Đặc biệt, đây là giải pháp thay thế khả dĩ nhất trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh.
Việc dạy và học trực tuyến tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thực hiện như thế nào? Có tương tác trực tiếp hay chỉ đơn thuần là đưa bài giảng lên hệ thống?
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng sử dụng nền tảng Istudy được xây dựng trên ứng dụng Moodle. Bên cạnh nền tảng này, việc tổ chức lớp học trực tuyến được thực hiện trên ứng dụng Microsoft Teams (bản quyền chính thức từ Office 365). Mỗi sinh viên sẽ sử dụng tài khoản Email Office 365 do Nhà trường cấp để tham gia các lớp học trực tuyến theo thời khoá biểu. Theo thống kê của Khoa KHXH&NNQT, tất cả các giảng viên đều tổ chức các lớp học trực tuyến có tương tác, đúng với thời khóa biểu của các lớp học truyền thống.
*Cụ thể, một tiết học giảng dạy trực tuyến được bắt đầu và kết thúc như thế nào, thưa thầy?
Với buổi học trực tuyến đầu tiên vừa qua, tôi phải đưa tài liệu học tập, gửi các thông điệp hướng dẫn và yêu cầu học tập cho sinh viên lên Istudy vài ngày trước giờ học.
Trong giờ học, tôi sử dụng Microsoft Teams để trình chiếu bài giảng, giảng bài, tương tác trực tiếp với sinh viên bằng hình ảnh hoặc trao đổi, thảo luận nhóm bằng công cụ Trò chuyện trong cuộc họp. Buổi học kết thúc bằng một bài trắc nghiệm kiến thức để đánh giá mức độ tham gia lớp học của sinh viên.
Nền tảng Istudy cho phép thiết kế nội dung bài kiểm tra đánh giá một cách tối ưu phù hợp với lựa chọn của giảng viên, chẳng hạn dưới hình thức bài luận, bài trắc nghiệm…
E-Learning: Có làm Thầy cô đơn trên bục giảng?
Vậy còn thái độ đón nhận của sinh viên HIU dành cho phương pháp đào tạo trực tuyến này như thế nào, thưa thầy?
Các trải nghiệm từ buổi học đầu tiên của tôi cho thấy, sinh viên khá hào hứng với hình thức học này. Điều này thể hiện qua tỉ lệ sinh viên tham gia lớp (70%), mức độ tương tác khá cao thông qua việc đặt câu hỏi cho giảng viên và trả lời các câu hỏi của giảng viên. Các thông số này không khác biệt nhiều so với lớp học truyền thống.
Tuy vậy, 30% sinh viên không tham gia lớp học cũng đặt ra những câu hỏi về lý do vì thực tế sinh viên là nhóm đối tượng trẻ, có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ, khả năng cập nhật các ứng dụng nhanh.
*Đó là những mặt tích cực, thế còn những mặt bất cập trong giảng dạy trực tuyến là gì? Việc giảng dạy trong một căn phòng trống, vắng học trò quá lâu có ảnh hưởng không mong muốn nào đến người Thầy, có làm phá vỡ hình ảnh người Thầy trong lòng sinh viên hay không?
Đối với việc học online thì yếu tố kỹ thuật (gồm hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng sử dụng các ứng dụng, và khả năng tiếp cận Internet của giảng viên và sinh viên) chỉ là các điều kiện cần, phần quan trọng vẫn là nội dung học tập và mức độ tham gia lớp học để đảm bảo phát triển năng lực của người học. Về khía cạnh này, hình thức học trực tuyến cho thấy những hạn chế nhất định. Dù được tương tác trực tuyến bằng hình ảnh, giọng nói, tin nhắn qua ứng dụng đào tạo trực tuyến, việc thầy một mình một phòng học, trò mỗi người một nơi sẽ làm giảm sự gắn kết của lớp. Vì tâm lý, thái độ, tình cảm khó có thể được chia sẻ, thấu hiểu qua lớp học online. Mặt khác sự phát triển một số kỹ năng của sinh viên cũng bị hạn chế ví dụ kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, đàm phán. Với đặc thù của ngành Khoa học xã hội và Nhân Văn, sự phát triển các kỹ năng trên là các yêu cầu đầu ra quan trọng.
Sau buổi học đầu tiên, khi được hỏi về mong muốn được học online hay trở lại lớp học truyền thống, gần như toàn bộ sinh viên trong lớp trả lời mong muốn trở lại trường để dự lớp học truyền thống. Có thể nói, dù đón nhận khá tích cực, sinh viên vẫn coi đây là giải pháp tình thế.
Nếu không vì dịch Covid-19 liệu E-Learning có được áp dụng nhiều như hiện nay? Thầy nghĩ sao về bước tiến của phương pháp này trong tương lai gần, cụ thể là tại HIU?
Theo ý kiến cá nhân của tôi, thì hầu hết giảng viên và sinh viên Đại học Quốc Tế Hồng Bàng vẫn chưa quen với việc dạy và học online. Tâm lý chung thường ngại thay đổi. Vì vậy, tình hình dịch bệnh và các yêu cầu phòng dịch là thời điểm có tính bước ngoặt để mọi người nhận thức được rõ hơn về các ưu thế của phương pháp dạy và học này và quyết tâm thay đổi vì đây được coi là giải pháp khả dĩ nhất trong các tình huống dịch bệnh, thiên tai.
Hình thức giảng dạy này không mới. Các trường đại học lớn, các tổ chức giáo dục đã phát triển và triển khai giảng dạy trực tuyến nhiều năm nay. Ở Việt Nam, không khó để tìm các khóa học online với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các khóa đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Tuy vậy, đây là các khóa học được đầu tư chuyên nghiệp. Đối với Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, việc triển khai E-Learning như một giải pháp tình thế ban đầu có thể thành một hướng phát triển lâu dài. Đợt “thí điểm diện rộng” này giúp trường hoàn thiện được hạ tầng kỹ thuật, và quan trọng hơn là sự chuẩn bị nhân lực do sự thay đổi nhận thức về các ưu thế và tầm quan trọng của E-learning. Nếu chỉ một bộ phận giảng viên (10-20% chẳng hạn) ủng hộ xây dựng các khóa học online chuyên nghiệp, chúng ta vẫn có thể phát triển hình thức dạy học này và chiêu sinh song song với các lớp học truyền thống.
Loan Lê