Cập nhật lần cuối vào 19/02/2021
Bắt đầu sự nghiệp bảng đen phấn trắng từ những ngày đầu rời ghế giảng đường, sau nhiều năm giảng dạy, PGS.TS Lâm Hoài Phương chia tay bục giảng để một lần nữa trở lại là sinh viên dù vẫn luôn muốn tiếp tục giảng dạy và tiếp xúc các trò hàng ngày. Và bây giờ nhìn lại, cô xem quyết định đó là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mình.
Năm 1981, cô Phương khi đó đang là sinh viên mới ra trường, tốt nghiệp Y khoa sơ bộ – chuyên khoa phẫu thuật nhi và chính thức trở thành giảng viên trẻ của Đại học Y Dược TP.HCM. Với cô Phương giảng dạy là niềm đam mê nên dẫu đang làm công tác chuyên môn cô vẫn tiếp tục giảng dạy, dù khối lượng công việc của một bác sĩ đã chiếm gần trọn thời gian.
“Khi giảng dạy, bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm tôi mang đến cho sinh viên, tôi cũng học hỏi từ chính các bạn. Những kiến thức có được trong quá trình dạy học, tôi dùng phục vụ trở lại cho công tác chuyên môn của mình”.Cô Phương chia sẻ về đam mê giảng dạy của mình như thế.
Và nhìn cả quá trình công tác của PGS. TS Lâm Hoài Phương có thể thấy công tác chuyên môn và công việc giảng dạy luôn song hành. Đúng như lời cô chia sẻ: “Nếu ngừng học hỏi đồng nghĩa với việc bạn đang bị tụt lùi lại phía sau”.
Trước đây và bây giờ cũng vậy, nghề bác sĩ và nghề giáo đều là những nghề cao quí, được xã hội trọng vọng. Ấy thế mà cô Phương khi đó đang ở đỉnh cao của sự nghiệp lại chấp nhận gác lại tất cả để ưu tiên cho việc học.
Cũng cần phải nói rằng vào thời điểm những năm 90, internet còn chưa phát triển, cơ hội để học tập từ quốc tế là rất hạn chế. Bản thân cô để có thể đi học, cũng phải tự học tốt ngoại ngữ. Năm 1994, cô Phương theo học Đào tạo phẫu thuật tạo hình tại Mỹ, 1995 cô lại sang Canada tiếp tục học chuyên sâu về cùng chuyên ngành.
Cô Phương xem những năm học tập tại nước ngoài vừa là cơ hội, là thử thách, vừa là một hy sinh tạm thời những công việc khác để theo đuổi việc học. Và khi vượt qua được bước ngoặt đó, chính cô cảm thấy bản thân lớn lên rất nhiều.
Bây giờ khi nhìn lại chặng đường đã qua, cô Phương xem 3 năm “ly thân” sự nghiệp để “kết hôn” với những khoá học chuyên môn tại nước ngoài là cột mốc quan trọng nhất.“Khi đi du học, tôi được tiếp xúc và học hỏi rất nhiều từ các thầy giáo, các bác sĩ ở nước ngoài có trình độ cao, được mở rộng tầm nhìn, thấy phần mình còn thiếu sót và không ngừng cập nhật kiến thức”. Không chỉ là kiến thức, cô còn học được rất nhiều về tư duy, có được cái nhìn tổng thể, cách quản lý và cách giảng dạy của các thầy cô quốc tế. Và điều đó mang đến cho cô nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp y khoa và giảng dạy tại quê nhà.
Hoàn tất chương trình học tại nước ngoài, cô Phương quay trở lại công việc giảng dạy, viết tiếp niềm đam mê được truyền tải kiến thức và kinh nghiệm cùng sinh viên. Cùng thời gian đó, cô Hoài Phương cũng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Liên tục sau đó, cô đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc, Trưởng Khoa tại các bệnh viện lớn và đại học danh tiếng trong nước. Từ năm 2007-2019, cô giữ cương vị là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM.
Đặc biệt, sau một thời gian học tập và giảng dạy tại một số trường Đại học lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2020 PGS. TS Lâm Hoài Phương nhận lời mời giảng dạy, trở thành Trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng và Hàm mặt Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
“Đại học Quốc tế Hồng Bàng là trường có chiến lược cụ thể trong giảng dạy và những định hướng phát triển rất tốt cho sinh viên cả về lý thuyết và thực hành. Vì vậy tôi muốn tham gia cùng giảng dạy để có thể tiếp tục chuyển giao, giảng dạy và trao đổi cùng các bạn sinh viên ở trường về y khoa và nha khoa. Và Nhà Trường rất tôn trọng và tạo điều kiện để tôi có thể chia sẻ cũng như phát huy kinh nghiệm và kiến thức của mình tại trường”.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, với sự phát triển của Internet, các bạn sinh viên có nhiều cơ hội hơn, có thể không cần có thời gian nhiều với thầy vẫn tự học được nhiều kiến thức qua mạng. Tuy vậy vai trò của người thầy và truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn là điều quan trọng mà người học cần hiểu và thấm nhuần.
“Vai trò của thầy không thể thiếu nhưng phương thức giao tiếp cũng cần thay đổi, làm thế nào để thầy và trò hiểu nhau hơn, gắn kết tốt hơn. Ngay cả trên thế giới phương thức dạy và học cũng đã thay đổi rất nhiều, mình cũng cần học hỏi nhưng tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh phù hợp của từng nơi, cần có sự xem xét để áp dụng cho phù hợp”.
Thầy cô không chỉ truyền đạt cho các bạn kiến thức chuyên môn, mà còn cả kinh nghiệm, chia sẻ về y đức và tâm huyết với nghề. Và đây cũng chính là điều PGS.TS Lâm Hoài Phương luôn tâm niệm đối với sự nghiệp “trồng người” hơn 30 năm qua.
“Bên cạnh kiến thức, tôi luôn tâm niệm phải truyền đạt cho học trò cả về cách sống và làm người. Làm người tử tế và tình nghĩa, có trước có sau, không quên những người đã giúp mình dù là người nhỏ nhất. Ví dụ như là các bệnh nhân cũng là những người đã giúp mình, vì đã tin tưởng mình với những phương án mình làm hết sức để giúp họ. Đặc biệt, hãy luôn có tính cầu thị, biết lắng nghe, cố gắng học tập, học từ cái đúng lẫn cái sai, từ đó lựa chọn cách nào tốt nhất để thực hiện. Luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức mình học được với thầy, với bạn bè và những người xung quanh”.
PGS. TS Lâm Hoài Phương
12/1981: TN Y Khoa sơ bộ – chuyên khoa phẫu thuật nhi/ Cán bộ giảng dạy tại ĐH Y Dược
2000: GV Bộ môn Phẫu thuật hàm mặt, khoa RHM Trường ĐH Y Dược TP.HCM
08/2005: Phó trưởng bộ môn Phẫu thuật Hàm mặt, ĐH Y Dược TP.HCM
11/2006: GĐ Bệnh viện RHM TƯ TP.HCM/ Trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt – Tạo hình/ Trưởng bộ môn phẫu thuật hàm mặt, ĐH Y Dược TP.HCM
2007-2019: Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM
2013-2018: Trưởng khoa PTHM-RHM BV ĐH Y Dược TP.HCM
2018-03/2020: Cố vấn chuyên môn Khoa PTHM-RHM
06/2020-nay: Trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng và Hàm mặt Khoa RHM – ĐHQT Hồng Bàng
Tin bài: Loan Lê