Cập nhật lần cuối vào 01/09/2020
Từng có thời gian du học 6 năm ở Nhật Bản, thầy Nguyễn Minh Hưng (giảng viên ngành Nhật Bản học) được nhiều sinh viên yêu thích không chỉ bởi phong cách dạy sáng tạo, dễ hiểu mà còn mang đến sự gần gũi thông qua những trải nghiệm hết sức thú vị của người từng học tại đất nước hoa anh đào.
Năm 2002, khi còn là cậu sinh viên năm thứ hai của ĐH KHXH&NV, thầy Hưng đã xuất sắc giành được học bổng ngành Ngôn ngữ quốc tế tại Đại học MEYO (tỉnh Okinawa) và tiếp tục học lên thạc sĩ sau khi hoàn thành chương trình đại học. Cả 6 năm học tại đất nước mặt trời mọc, thầy Hưng luôn đạt được học bổng bởi thành tích học tập đáng nể. “Học bổng đã hỗ trợ tôi về mặt vật chất lẫn tinh thần. Đó là niềm vui và động lực để tôi cố gắng học hỏi, hoàn thiện chính mình tại nơi xa lạ”, thầy cho biết.
Sau khi hoàn thành học vị thạc sĩ, thầy Hưng trở về Việt Nam vào tháng 4-2008 và làm việc tại công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life. Từ một trợ lý giám đốc kinh doanh, thầy Hưng chuyển sang giảng dạy ở khoa Quan hệ quốc tế trường ĐH KHXH&NV. Trong thời gian này, thầy Hưng còn dạy thêm tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ vào buổi tối, và việc này cũng đã duy trì gần 10 năm nay.
Tuổi trẻ là để thử thách chính mình, làm những điều mình thích. Thích dạy học nhưng vẫn muốn thử sức tại các công ty Nhật, sau một năm cộng tác với ĐH KHXH&NV, thầy Hưng xin vào làm việc tại Quỹ Đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam Dream Incupator. Sau một thời gian biết mình không phù hợp, thầy trở lại với niềm đam mê sư phạm của mình. “Tôi nhận ra mình thích hợp với công việc giảng dạy, thích được chia sẻ kiến thức với các bạn sinh viên. Tôi từng có thời gian du học ở Nhật nên không chỉ muốn truyền đạt kiến thức mà còn văn hoá, con người Nhật Bản đến các bạn sinh viên thông qua ngôn ngữ Nhật”, thầy chia sẻ.
Có lợi thế về ngoại ngữ khi giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, thầy Hưng trở thành giảng viên tiếng Nhật của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. “Một điểm nữa là tiếng Nhật được xem là ngành học ở Hồng Bàng chứ không phải môn học tự chọn, sinh viên chịu học hơn, và từ đó mình sẽ có phương pháp dạy sâu hơn”, thầy Hưng mỉm cười nhớ lại lý do đến với ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Nhận xét về môi trường học và sinh viên tại đây sau một năm đứng lớp, người thầy trẻ cho biết: “Tôi thích sự hiện đại, mới mẻ của trường từ cơ sở vật chất đến vấn đề giáo dục, chăm lo cho cả người dạy lẫn người học. Mọi thứ ở đây đều xịn như lúc tôi còn học ở Nhật”.
Nói về sinh viên ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thầy Hưng vui vẻ: “Tôi ấn tượng vì sinh viên Hồng Bàng chịu khó học hỏi, tiếp thu và không tỏ ra xa cách với giảng viên nên trong quá trình giảng dạy tôi cảm thấy khá hào hứng. Phần lớn khi tôi đứng lớp thì được rất nhiều sinh viên yêu thích bởi tôi tiếp cận các bạn theo những cách khác nhau. Mình không thể áp dụng phương pháp chung cho tất cả sinh viên, mà phải tuỳ vào nhu cầu các bạn. việc tiếp cận với sinh viên giúp tôi hiểu, lắng nghe các bạn, từ đó triển khai phương pháp dạy học cũng trở nên dễ dàng hơn”.
Tiếng Nhật được đánh giá là một ngôn ngữ khá khó, bởi nó toàn chữ tượng hình. Để đưa ngôn ngữ mới đến với sinh viên một cách gần gũi, dễ hiểu, theo thầy Hưng thì trước tiên người dạy phải tạo ra sự thú vị, lắng nghe và hiểu được tâm tư của học trò mình. Thầy Hưng tâm sự: “Tôi muốn có sự kết nối mang tính cá nhân, gần gũi với sinh viên hơn là một giáo viên đứng trên bục giảng, giảng bài và sinh viên chỉ biết nghe rồi chép. Tôi thích phong cách giảng dạy mang tính giao lưu vì mỗi bạn đều có đặc thù riêng, nên khi tiếp cận sẽ làm mình hiểu hơn về nhu cầu học tập của bạn vậy. Vì vậy, việc giảng dạy dành cho mỗi lớp sẽ khác nhau.
Trong quá trình giảng dạy, tôi thường chia sẻ những kinh nghiệm về đất nước, văn hoá Nhật mà tôi đã trải qua khi đi du học, chứ không chỉ thuần lý thuyết. Việc này giúp các bạn thấy hứng thú, gần gũi và thú vị, rồi có cảm hứng học hơn”. Và đó cũng là lợi thế của thầy Hưng khi đưa tiếng Nhật đến với sinh viên dễ dàng hơn.
Để sinh viên có thể nhớ được Hán tự trong tiếng Nhật, thầy Hưng nhẹ nhàng đưa các bạn tiếp cận từng chút với nhiều cách thức dễ nhớ, dễ hiểu. Sau đó khi quen mặt chữ, sinh viên sẽ sử dụng nhiều từ trong lớp đến ra ngoài trường.
“Đơn cử như khi dạy một mẫu ngữ pháp trong tiếng Nhật thì tôi cho các bạn đóng vai Roleplay ứng dụng mẫu câu đó vào tình huống thực sự, để các bạn cảm thấy ngữ pháp đó gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình. Trong giờ học, tôi và các học trò cùng tập hát theo một bài nhạc tiếng Nhật nào đó để các bạn dễ cảm thụ ngôn ngữ. Điều này cả tôi và sinh viên cảm thấy việc dạy và học ngoại ngữ không khô khan, trái lại rất vui nếu đi đúng hướng. Nó còn để lại cho chúng tôi những kỷ niệm giữa thầy và trò trong quá trình học tập.
Tôi khuyên các bạn nên đọc sách những từ vựng, câu cú đơn giản để nó thấm vào từ từ để các bạn thấy những gì mình học không chỉ có trong sách mà còn thông qua nhiều hoạt động do giảng viên triển khai trong lớp. Trong giờ học tôi và các bạn cũng tập hát theo một bài nhạc tiếng Nhật nào đó, cả tôi và học trò đều rất vui. Cảm thấy việc dạy và học ngoại ngữ không khô khan mà rất vui, nó để lại cho chúng tôi những kỷ niệm giữa thầy và trò trong quá trình học tập”, giảng viên trẻ chia sẻ phương pháp dạy học của mình.
Khi dạy học, thầy Hưng luôn mong muốn sinh viên mình có thể học tốt như nhau. Tuy nhiên, trong một lớp sẽ có người giỏi, người chưa giỏi. Đối với sinh viên học chưa tốt, thầy Hưng luôn quan tâm sát sao, chỉ ra những điểm cần khắc phục và hỗ trợ việc học thế nào cho tốt để các bạn cải thiện và theo kịp những bạn trong lớp. “Tôi không sợ học sinh yếu, tôi chỉ sợ thái độ người học không tốt. Nếu bạn đó học yếu nhưng có thái độ cầu thị thì tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ vượt qua khó khăn dễ dàng. Việc học hiệu quả không chỉ từ người thầy mà hơn hết là sự quyết tâm của trò”, thầy nói.
Mong muốn giúp đỡ những sinh viên chưa giỏi, thầy Hưng đã có đề nghị với lãnh đạo của Khoa Khoa học xã hội và Ngôn ngữ quốc tế việc sắp tới sẽ triển khai hoạt động dạy kèm. Đó không chỉ là giảng viên dạy sinh viên, mà hệ thống ấy còn bao gồm những bạn giỏi, khá sẽ phụ trách kiềm cặp, giúp đỡ những bạn yếu hơn, có thể trong cùng hoặc khác khoá. “Tôi nghĩ điều này vừa giúp các bạn thắt chặt tình cảm, truyền lửa và khuyến khích tinh thần học tập cho nhau. Để khuyến khích những bạn giỏi chịu khó hướng dẫn bạn thì có thể tặng cho bạn đó món quà, tạo động lực và sau này đi làm các bạn cũng được chứng nhận đã có tham gia hoạt động của lớp, của khoa. Đây cũng là cách tôi từng sử dụng lúc còn học ở Nhật”.
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân Nhật Bản đến Việt Nam mở công ty, đi du lịch. Điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam học tiếng Nhật. Theo đó, thầy Hưng mong muốn trường sẽ tạo điều kiện cho các bạn sinh viên được qua Nhật học tập và làm việc, hoặc làm việc tại các công ty Nhật ở Việt Nam.
Thầy tâm sự: “Tôi mong mình có thể đóng góp nhiều hơn cho trường và sinh viên của trường để các bạn có nhiều cơ hội sang Nhật học tập và làm việc hơn. Khi tham gia tuyển sinh ở trung tâm ngoại ngữ, tôi cũng hỗ trợ thông tin cho sinh viên có mong muốn học tiếng Nhật tại ĐHQT Hồng Bàng. Để các bạn thấy không chỉ học 4 năm ở Việt Nam mà sau đó nó là một chuỗi những trải nghiệm thú vị. Tôi muốn nhận rộng việc học tiếng Nhật ở ĐHQT Hồng Bàng không chỉ học ngoại ngữ mà còn là trải nghiệm quý giá của đời sinh viên”.
TT-TS