Cập nhật lần cuối vào 11/08/2020
Viêm dạ dày là tên gọi chung cho một nhóm các bệnh lý cùng có tình trạng viêm của lớp niêm mạc dạ dày. Trong viêm dạ dày có thể có hay không có tình trạng nhiễm vi khuẩn H. pylori, loại vi khuẩn gây ra phần lớn các trường hợp loét của dạ dày. Sử dụng một số loại thuốc giảm đau và uống rượu nhiều là các nguyên nhân thường gặp nhất của viêm dạ dày, viêm dạ dày thường không nghiêm trọng và cải thiện với điều trị.
Viêm dạ dày cấp được chia làm 2 dạng chính:
– Viêm dạ dày cấp điển hình với sung huyết và phù lan rộng của lớp niêm mạc, không có các ổ loét trợt. Nguyên nhân thường do H. pylori. Tổn thương viêm có thể chỉ khu trú ở một vùng (ví dụ viêm hang vị)
– Viêm dạ dày cấp tại một số vùng của niêm mạc dạ dày với các ổ loét trợt (ví dụ, các loét trợt nông của biểu mô dạ dày phía trên lớp cơ- niêm, các loét trợt chảy máu). Gọi chính xác hơn, đó là “bệnh dạ dày loét trợt cấp tính”. Nguyên nhân do: rượu, một số loại thuốc, urê- huyết cao, trào ngược mật, điều trị xạ trị, hóa trị…
* Các Yếu Tố Nguy Cơ:
- Nhiễm khuẩn hay gặp nhất ở người (vi khuẩn H. pylori), song chỉ có một số nhỏ bị viêm dạ dày hay các bệnh khác của đường tiêu hóa trên.
- Các thuốc giảm đau. Đặc biệt là các thuốc kháng viêm không steroid khi sử dụng thường xuyên hoặc quá liều có thể gây ra viêm dạ dày cả cấp lẫn mạn tính.
- Tuổi cao. Người lớn tuổi có nguy cơ cao của viêm dạ dày vì niêm mạc dạ dày mỏng dần theo tuổi và tỷ lệ nhiễm H. pylori hoặc mắc các bệnh tự miễn cũng cao hơn so với người trẻ.
- Uống rượu; stress; Viêm dạ dày tự miễn, bệnh đái tháo đường typ 1, bị thiếu vitamin B-12.
- Các bệnh khác. Ví dụ như HIV/ AIDS, bệnh Crohn và các nhiễm ký sinh trùng.
Triệu Chứng Của Viêm Dạ Dày Cấp
– Đặc điểm lâm sàng của viêm dạ dày cấp là: xuất hiện nhanh, mất đi nhanh và không để lại di chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày bao gồm:
- Đau âm ỉ hoặc căng tức hay nóng ran vùng thượng vị. Buồn nôn hoặc nôn, có khi kèm ợ hơi hoặc ợ chua, đắng miệng, đầy bụng khó tiêu.
- Nôn ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen, do thuộc dạng loét trợt chảy máu hay đi kèm với loét thực sự chảy máu của dạ dày.
– Khi các triệu chứng nói trên kéo dài một tuần lễ hay lâu hơn thì phải đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân. Khi có biểu hiện của xuất huyết đường tiêu hóa trên thì phải đi khám ngay.
* Phòng viêm dạ dày cấp
- Không ăn quá chua, cay, hạn chế uống rượu, bia nhất là những người đang bị đau dạ dày.
- Nên ăn đúng bữa, không ăn vội vàng, cần nhai kỹ.
- Nên có cuộc sống thường ngày vui vẻ, tránh căng thẳng, stress không cần thiết.
- Không nên thức khuya (quá 23h), không thức dậy quá sớm (trước 5h00).
- Nếu trong gia đình có người bị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, các dụng cụ dùng trong ăn, uống hàng ngày nên rửa sạch, sát trùng bằng nước nước đun sôi (vì vi khuẩn HP lây theo đường ăn uống).
Tài liệu tham khảo: Bệnh học nội khoa – NXB Y học Tp.