Cập nhật lần cuối vào 21/02/2024
Trước thực trạng biến động nhân sự, “khát” người lao động, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kiến trúc, thiết kế đang lao đao trong việc tìm kiếm lao động ngành Kiến trúc.
Theo các báo cáo chỉ ra nhu cầu nhân sự lĩnh vực kiến trúc tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Dự báo nhu cầu nhân lực của ngành kiến trúc xây dựng tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm. Số lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12-13 triệu người.
Nhu cầu là vậy nhưng thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc rơi vào cảnh… “vàng mắt” tuyển người vẫn không ra. Đặc biệt thời điểm này khi kinh tế khó khăn, thị trường nhân sự biến động chao đảo thì việc tuyển người càng khó khăn hơn gấp bội. Tuyển người đã khó, tuyển người làm được việc lại càng không ra. Không dễ để doanh nghiệp và người lao động có thể gặp nhau ở chung một điểm, dẫn đến thị trường nhân sự trong ngành nghề thiết kế, xây dựng luôn trong tình trạng “khát” người.
Hiện chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng – kiến trúc của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều công trình lớn ở nước ta vẫn phụ thuộc nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không thể cạnh tranh khi đấu thầu các dự án trong và ngoài nước.
Một nhà quản lý trong lĩnh vực thiết kế tại TPHCM cho hay, thời điểm nhân sự biến động phải nói chưa từng có như hiện nay là thách thức với cả doanh nghiệp lẫn người lao động, đào thải sẽ nhiều và nhu cầu tuyển mới cũng sẽ cao. Nhưng đó cũng chính là cơ hội cho những người thật sự có năng lực về ngành nghề và cũng là cơ hội để doanh nghiệp sàng lọc, chọn được người tài, người giỏi. Các ứng viên cần có nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, lắng nghe và làm chủ được công việc, đặc biệt thái độ tốt tại môi trường làm việc. Ngành xây dựng cũng đòi hỏi nhân sự thiết kế, kỹ sư công trường phải am hiểu về các phần mềm để làm tốt công việc trong thời đại 4.0
Đối với các kiến trúc sư vừa tốt nghiệp rất khó để đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu, nhưng các bạn có thể trang bị cho mình kiến thức chuyên môn tốt, kỹ năng ngoại ngữ, tin học, làm việc nhóm, biết lắng nghe và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc sẽ là những “điểm cộng” cạnh tranh trong tuyển dụng.
Hiện nay, tỷ lệ nhân lực ngành xây dựng qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 65%. Mục tiêu đến năm 2030 là tăng tỷ lệ lao động ngành kiến trúc xây dựng qua đào tạo đạt mức khoảng 75%.
Tại HIU, sinh viên Kiến trúc được học hỏi và trải nghiệm các cuộc thi Kiến trúc, xây dựng, ý tưởng kiến trúc ngay từ sớm. Không chỉ qua những giờ học trên giảng đường, các bạn được tiếp thu kiến thức trực tiếp từ những người làm nghề – những “người thầy” đặc biệt, mang đến nhiều thông tin thực tế, trực quan qua các buổi hội thảo, talkshow, workshop.
Nhà trường kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên ngay từ năm nhất được thực hành, tham quan trải nghiệm và học hỏi các chuyên gia trong nghề để nâng cao kiến thức. Đặc biệt sinh viên sẽ được tiếp cận môi trường học tập hiện đại theo mô hình chuẩn quốc tế và được giao lưu với bạn bè quốc tế qua các chương trình giao lưu học thuật, các chương trình hội thảo, đối thoại,… giúp các bạn được mở rộng kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ trong quá trình theo học.
Tìm hiểu thêm về ngành Kiến trúc tại đây
Trung Tâm Tuyển Sinh & Truyền Thông