Xu hướng ngành Du lịch thời “bình thường mới”


Cập nhật lần cuối vào 07/01/2022

Hai năm qua là khoảng thời gian đầy thách thức với ngành du lịch, đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh lữ hành và nhà hàng – khách sạn. Trong đó, nguồn nhân lực của ngành có nhiều biến động và hình thành xu hướng du lịch mới của người dân.

Yếu tố “an toàn” được đặt lên hàng đầu khi lựa chọn điểm đến, khách hàng sẽ có xu hướng lựa chọn những vùng xanh, kiểm soát tốt dịch bệnh, du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Du khách cũng có xu hướng tìm đến những vùng thiên nhiên yên tĩnh để nghỉ ngơi và còn mang đến sự an tâm do giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời “hậu Covid-19”.

Du lịch “không chạm” trở thành xu hướng tất yếu để hạn chế sự tiếp xúc, ngăn ngừa dịch bệnh. Không chạm khi đi du lịch không chỉ là hạn chế tiếp xúc người với người, giữa người với vật dụng, mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị và công nghệ tự động hóa. Mọi qui trình tại các quầy thủ tục từ khách sạn cho đến sân bay đều gần như đã được tự động với nhiều ứng dụng, thiết bị không chạm hiện đại. Khách hàng cũng có xu hướng lựa chọn các hình thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Công nghệ “thực tế ảo” được áp dụng rộng rãi hơn tại các điểm du lịch, các khách sạn, bằng những đoạn phim thực tế ảo sẽ giúp khách hàng hình dung rõ hơn trước khi có quyết định điểm đến.

Các công ty lữ hành cũng đã bắt đầu thay đổi định vị khách hàng. Nếu như trước đây một số công ty chỉ tập trung đến du khách quốc tế, thì thời điểm hiện tại phân khúc thị trường tập trung nhiều hơn đến khách du lịch nội địa. Đây là cơ hội phát triển du lịch nội địa, và cũng là cơ hội phát triển cho các bạn đang làm nghề du lịch.

Tình hình dịch bệnh Covid kéo dài hai năm qua chính là khoảng thời gian đầy thách thức cho các doanh nghiệp, không chỉ với ngành Lữ hành, Khách sạn nói riêng mà ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề. Tuy nhiên đến thời điểm này, thị trường đang bắt đầu dần hồi phục trở lại và ngành du lịch khách sạn đã có những tín hiệu tích cực. Ngay trong đợt nghỉ lễ Tết Dương Lịch, Đà Lạt đón đến hơn 60,000 lượt khách, Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc… và các điểm đến du lịch nội địa đều rất đông khách, đã có những đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam (theo thống kê của công ty Thiện Mekong Travel).

Tại buổi Tập huấn chuyên đề “Tiếp lửa nghề – Cháy mãi đam mê” về chuyên ngành Lữ hành, Nhà hàng, Khách sạn do Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đồng tổ chức, bà Lại Thanh Hà – Giám đốc Khách sạn Swiss-BelResort Tuyền Lâm cũng có những chia sẻ về nhu cầu của ngành dịch vụ khách sạn tại Việt Nam. Theo bà Hà, ngành dịch vụ khách sạn có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, riêng với khách sạn Swiss-BelResort Tuyền Lâm tại Đà Lạt với đặc thù 14 bộ phận có nhu cầu tuyển mới hiện tại trên 100 vị trí. Vào những giai đoạn nghỉ lễ hoặc cao điểm, lực lượng nhân viên rất thiếu và nhân viên phải làm việc tăng cường rất nhiều. Các khách sạn sẵn sàng nhận các em sinh viên thực tập ngay thời điểm này.

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Phương – Trưởng bộ môn Du lịch, Trường ĐHQT Hồng Bàng nhận định: “Ngành Du lịch đang dần phục hồi sau hai năm bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã dần thích nghi với việc kinh doanh trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh, hình thành xu hướng phục vụ mới. Các đường bay quốc tế đến Việt Nam được kết nối trở lại từ 1/1/2022 trên cơ sở an toàn dịch bệnh. Theo đó, thị trường việc làm trong ngành đang rộng mở trở lại . Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp. Theo con số này, nhu cầu về nhân lực của ngành là rất lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao (có đào tạo đại học, cao đẳng) còn rất thiếu. Ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động mỗi năm, đây là cơ hội rất lớn cho các em học sinh – sinh viên dự định theo đuổi ngành nghề.”

Ngành Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói, giàu tiềm năng trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Với hai ngành học Quản trị Lữ Hành và Quản trị Khách sạn, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức về lĩnh vực du lịch, đồng thời rèn luyện các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cần thiết cho công việc, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế.

Chọn ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành tại HIU, sinh viên sẽ được trải nghiệm chương trình đào tạo toàn diện, gồm kiến thức tổng quan về du lịch, văn hóa, lịch sử cùng các kỹ năng nghiệp vụ bài bản, chuyên nghiệp. Với phương châm tăng tính thực tiễn trong đào tạo, chương trình có 3 chuyến thực tế: Tour miền Nam, Tour miền Trung – Tây nguyên và Tour miền Bắc. Bên cạnh đó, các em còn được thực tập 2 kỳ với 2 nghiệp vụ: Nghiệp vụ hướng dẫn và Nghiệp vụ điều hành tại doanh nghiệp.

Sinh viên theo học ngành Quản trị Khách sạn tại HIU sẽ được tiếp cận với những học phần mang tính thực tiễn cao. HIU xây dựng khách sạn Sulyna tiêu chuẩn 5 sao, bếp nóng, bếp bánh, quầy Bar, nhà hàng, quầy lữ hành…bên trong khuôn viên trường nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập nhiều hơn trong suốt quá trình học. Bên cạnh đó, các em còn được thực hành các kỹ năng quản lý, lãnh đạo từ các học phần thuộc khối kỹ năng mềm.

Ngoài chương trình đào tạo cử nhân Quản trị khách sạn giảng dạy theo tiếng Việt, sinh viên có thể chọn học theo các chương trình đào tạo song ngữ hay chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Trường có mối quan hệ khăng khít với nhiều cơ quan, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và khách sạn (Vinpearl – thuộc Tập đoàn Vingroup, Intercontinental Saigon…) sẽ là điều kiện tốt cho sinh viên của trường trong việc thực tập thực tế và cơ hội việc làm rộng mở. Với sự chú trọng đào tạo thực tế và kỹ năng, chương trình ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn giúp các em phát triển toàn diện bản thân và có thể thích ứng nhanh với công việc ngay sau khi tốt nghiệp. 

Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172