[Câu chuyện từ di ảnh Mẹ VNAH] – Bức di ảnh từ thẻ căn cước công dân đã cũ


Cập nhật lần cuối vào 13/06/2021

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dài (1914 – 1980) tại ấp Chợ, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nồng nàn. Chứng kiến biết bao thương đau của dân tộc từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ và chứng kiến được giây phút chiến thắng, hòa bình của dân tộc. Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn với mẹ vì chồng và 2 con của mẹ đã nằm xuống, hy sinh cả tuổi thanh xuân, máu xương của mình cho khát vọng hòa bình của cả dân tộc.

Nỗi đau khi chồng và con trai hi sinh

Chồng đi kháng chiến, mẹ ở nhà vất vả nuôi con, tiếp sức cho chồng yên tâm công tác. Cuộc đời của mẹ nuôi con trong những năm tháng lận đận, đói nghèo nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ lần lượt động viên con trai ra chiến trường. Người con gái cùng Mẹ bám trụ với xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng. Mẹ có 3 người con (2 trai, 1 gái): Thái Văn Hai, Thái Văn Ngà và Thái Thị Bảy. 

Không có nỗi đau nào có thể đong đếm được khi chồng và con trai của mẹ tiếp chân nhau ra trận rồi lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc. Chồng mẹ là ông Thái Văn Luông sinh năm 1908, ông tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương từ kháng chiến chống Pháp. Sang kháng chiến chống Mỹ ông là một trinh sát nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông là “mối nguy hiểm” của thực dân Mỹ, chính vì vậy, chúng phát lệnh truy nã và truy sát gắt gao để tìm ông. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ông đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bí mật dân tộc trước kẻ thù. Năm 1958, mẹ nhận được tin đau buồn, lòng mẹ như thắt lại, khi hay tin chồng mình đã ra đi. Nỗi đau lại chồng chất nỗi đau, ông Thái Văn Hai đã hy sinh anh dũng trên chiến trường năm 1960 khi đang thực hiện nhiệm vụ. Chưa dừng lại ở đó, 2 tháng sau, mẹ nhận tin ông Thái Văn Ngà đã bị bắt, đang bị tra tấn dã man và được chuyển ra Côn Đảo, nhưng trên đường đi, ông đã anh dũng hy sinh trên tàu để bảo vệ những người đồng đội của mình. Trong một khoảng thời gian ngắn, mẹ đã phải chịu rất nhiều sự mất mát nhưng nén đau thương lại, mẹ và con gái là bà Thái Thị Bảy đã trở thành người giao liên xuất sắc. Nhà của mẹ đã trở thành căn cứ cách mạng cho Chi bộ xã Trung An để diễn ra các cuộc họp quan trọng dưới sự canh phòng cẩn mật của mẹ và bà Thái Thị Bảy. 

Bức di ảnh từ tấm hình thẻ căn cước công dân đã cũ

Một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện phục hồi di ảnh cho Mẹ Nguyễn Thi Dài, gia đình không có bất kì tấm ảnh nào của Mẹ. Hình ảnh duy nhất về Mẹ, là từ tấm thẻ căn cước công dân (trước năm 1970). Trong suốt hơn 41 năm, gia đình không có ảnh thờ của Mẹ. Điều này càng khiến cho các bạn sinh viên khi tham gia dự án càng xót xa, và quyết tâm thực hiện.

“Từ nay má có nhà mới rồi nghen”. Đó là cảm xúc vỡ oà, khi cô Thái Thị Bảy – con gái duy nhất của Mẹ Nguyễn Thị Dài, nhận được bức hình di ảnh của Mẹ sau khi phục hồi. Nỗi hạnh phúc ấy như lan toả và chạm đến trái tim của tất cả đoàn viên thanh niên tham dự lễ bàn giao ngày hôm đó.

Mẹ Nguyễn Thị Dài được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2015. Hiện con gái của mẹ là bà Thái Thị Bảy đang chăm lo việc thờ cúng mẹ tại ấp Chợ, xã Trung An, huyện Củ Chi. 


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172