Cập nhật lần cuối vào 06/04/2023
Từ rất xa xưa, con người luôn ước mơ và không ngừng tìm kiếm bí quyết trường sinh bất tử. Cho đến nay vẫn chưa có ai tìm được thuốc trường sinh bất tử, tuy nhiên các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay giúp con người hiểu rõ cơ chế lão hóa và các giải pháp nâng cao tuổi thọ con người. Vậy điều gì làm cho con người luôn phải đối diện với lão ? bệnh ? và cuối cùng là tử ? Thủ phạm chính là gốc tự do (free radical). Vậy gốc tự do là gì ? Tại sao nó lại có sức phá hủy lớn đến như vậy và làm thế nào để hạn chế các tác hại do gốc tự do gây ra đối với sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta ?
Gốc tự do là gì ?
Gốc tự do là những nguyên tử hay phân tử chứa một hay nhiều điện tử (electron) chưa ghép cặp (electron độc thân) ở quỹ đạo ngoài cùng. [1] Do sự có mặt của điện tử này, các gốc tự do có một thuộc tính đặc biệt quan trọng là có khả năng oxi hóa rất cao. Nói một cách khác, bất kỳ nguyên tử hay hợp chất nào cũng phải có cặp electron (đôi điện tử). Có “đủ cặp” thì nó bền, và bền thì “ngoan ngoãn”, nhưng vì một số lý do, có những nguyên tử (hay phân tử) thiếu đi một điện tử, thiếu thì phải đi tìm, và tìm bằng cách “giật” điện tử của “hàng xóm”, hậu quả là hàng xóm thiếu, hàng xóm lại đi “giật” tiếp điện tử, và một loạt những hành động “cướp” điện tử làm cho phản ứng cứ thế xảy ra.
Tại sao gốc tự do nguy hại đối với sức khỏe và tuổi thọ con người ?
Trong cơ thể người, gốc tự do được ví như những phần tử quá khích, đầy năng lượng, tấn công vào các đại phân tử sinh học như: lipid (gây phá hủy màng tế bào), protein (làm mất hoạt tính các enzyme) và ADN (gây đột biến gen), gây ra sự lão hóa, nhiều bệnh tật (xơ vữa động mạch, tiểu đường, chứng thiếu máu cục bộ, các bệnh viêm nhiễm: viêm khớp dạng thấp, viêm đường ruột, viêm tụy…, bệnh thần kinh và cả ung thư. [2, 6]
Gốc tự do trong cơ thể con người đến từ đâu ?
Đối với con người, có hai nguồn sinh ra gốc tự do. Nguồn nội sinh: đó là các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, các phản ứng này có sự tham gia của oxy và các quá trình này thải ra một số các gốc tự do có nguồn gốc từ oxy, thường được gọi là các dạng hoạt động của oxy (Reative oxygen species, ROS). [2] Ngoài gốc tự do nội sinh trên, chúng ta còn “tiếp nhận” một lượng gốc tự do ngoại sinh: như từ các nguồn ô nhiễm (khói thuốc lá, hóa chất, không khí ô nhiễm …), tia phóng xạ (UV, X-quang …), từ thực phẩm (rượu, café, thức ăn chiên nướng, phụ gia thực phẩm). Căng thẳng (Stress) cũng là nguyên nhân sản sinh gốc tự do. [3, 4, 6]
Làm thế nào để chống lại gốc tự do ?
Mỗi ngày cơ thể chúng ta phải chịu đựng sự tấn công của khoảng 10000 -20000 gốc tự do, [1] số lượng gốc tự do tăng dần theo tuổi tác và khi lượng gốc tự do vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ thể sẽ gây ra những nguy cơ cao cho sức khỏe. Vì vậy đòi hỏi chúng ta phải bổ sung những chất chất có khả năng chống lại gốc tự do, đó là các chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là chất có khả năng ngăn chặn hoặc hạn chế suy thoái do các gốc tự do gây ra. Do đó sử dụng chất chống oxy hóa từ thức ăn và nguồn gốc sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc trung hòa gốc tự do giúp kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa bệnh tật ở người [7].
Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Các nguồn chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy nhiều trong rau, trái cây, các loại ngũ cốc, trà, các loại đậu…[4] Các Vitamin E, Vitamin C và b-caroten (tiền vitamin A) được xem là các chất chống oxy hóa hữu hiệu trong tự nhiên.Vitamin E có khả năng chống lại các bệnh: thiếu máu cục bộ, đục thủy tinh thể, viêm khớp, các rối loạn thần kinh, ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt, ung thư vú và các bệnh tim mạch… Vitmin C giúp tăng khả năng miễn dịch, chống xơ vữa động mạch, giảm khả năng ung thư phổi, dạ dày và đại trực tràng. Nhiều nghiên cứu cho thấy hơn 4000 hợp chất phenolic, polyphenol, flavonoid, isoflavonoid… cũng là nguồn chống oxy hóa vô cùng hữu hiệu, nó ngăn ngừa được rất nhiều căn bệnh gây ra bởi gốc tự do: ung thư, bệnh tim mạch,viêm khớp, lão hóa, đục thủy tinh thể, mất trí nhớ, đột quỵ, bệnh Alzheimer, sự viêm nhiễm…. Và các hợp chất flavonoid được tìm thấy nhiều trong các hạt ngũ cốc, các loại đậu, trà…
Do đó để chống lại tác hại của các gốc tự do, chúng ta nên tăng cường chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, như bông cải xanh, các loại rau có màu xanh đậm, các loại trái cây (dâu tây, quả việt quốc, quả mâm xôi, táo, nho …). Các loại thực phẩm chứa nhiều flavonoid (trà, hạt cacao, oliu…), các gia vị (nghệ, gừng, tỏi…). Ngoài ra một chế độ ăn đầy đủ protein sẽ cung cấp các axit amin cần thiết để sản xuất glutathion (một chất chống oxy hóa nội sinh). [8]
Bí quyết sống khỏe và trường thọ
Như vậy để kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng chống bệnh tật, ngăn ngừa sự lão hóa, chúng ta cần tăng cường bổ sung các hợp chất có khả năng chống oxy hóa, cách tốt nhất là bổ sung các nguồn từ tự nhiên, ăn đúng, ăn đủ và ăn đa dạng thực phẩm. Khi không bệnh tật, quá trình lão hóa “ngừng” xảy ra, chúng ta hoàn toàn có thể “mơ” về giấc mơ trường sinh và biết đâu “giấc mơ này” trong tương lai, một ngày nào đó sẽ biến thành sự thật!
(BỘ MÔN BÀO CHẾ – HÓA LÝ)
Tài liệu tham khảo
[1] Funda Sibel Pala and Hakan Gürkan. (2008), The role of free radicals in etiopathogenesis of diseases, Advances in Molecular Biology (1): 1-9.
[2] Velavan Sivanandham (2011), Free radicals in health and diseases, Pharmacologyonline 1: 1062-1077.
[3] K.Bagchi and S.Puri.(1998), Free radicals and antioxidants in health and disease, La Revue de Santé de la Méditerranée Orientale, Vol.4, No.2, p.350.
[4] Saikat Sen and Raja Chakraborty (2011), The Role of Antioxidants in Human Health, ACS Symposium Series, Vol. 1083, Chapter 1, p. 1–37,
[5] http://altered-states.net/barry/update227/
[6] Shiv Kumar (2011), Free Radicals and Antioxidants: Human and Food System, Advances in Applied Science Research, 2 (1): 129-135.
[7] Michael J. Morello1, Fereidoon Shahidi, Chi-Tang Ho, Free Radicals in Foods: Chemistry, Nutrition, and Health Effects, ACS Symposium Series, Vol. 807, Chapter 1, p. 1–9.
[8] http://www.poliquingroup.com/ArticlesMultimedia/Articles/Article/838/Do_Antioxidants_Work.aspx.