Chuẩn bị tâm lý cho học sinh khi quay trở lại trường học


Cập nhật lần cuối vào 14/12/2021

Từ ngày 13/12, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM đã trở lại trường học trực tiếp sau hơn nửa năm học trực tuyến tại nhà, song song với các biện pháp an toàn, nhà trường và phụ huynh cũng cần chuẩn bị cho các em tâm thế sẵn sàng, tránh gây hoang mang.

“Đến trường là cần thiết”

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc học sinh đến trường vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Việc học trực tuyến kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên. Các hoạt động giao tiếp bên ngoài, các hoạt động thể chất, tinh thần gần như dừng lại. Bên cạnh đó lại tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều, các em học sinh sẽ mất dần đi cảm xúc, cảm nhận, không học hỏi được kỹ năng, thái độ sống. Chưa kể các hệ lụy khác về sức khỏe tâm thần, thể chất như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt. Nhiều trẻ có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu canxi… do ngồi máy tính học trực tuyến dài ngày, ít vận động.

Đối với các em học sinh cuối cấp đã được tiêm vắc xin và ở nhà trong một thời gian dài, nhu cầu giao tiếp bị hạn chế nên khi đi học trực tiếp sẽ có tâm lý chủ quan phòng dịch, và cho phép mình thoải mái giao lưu, gặp gỡ vui chơi. Chính vì vậy nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở các em về biện pháp phòng dịch, giáo viên và gia đình cần có sự quan tâm, động viên hỗ trợ giúp các em giảm bớt áp lực về kỳ thi sắp tới. Bên cạnh đó, nhà trường cần ban hành cẩm nang về an toàn phòng dịch cho học sinh khi quay trở lại trường học theo đúng tiêu chí của Sở Y tế Thành phố, củng cố bộ phận y tế học đường, nâng cao sức khỏe thể chất của học sinh khi đến trường.

Để học sinh không bị “sốc” khi trở lại trường

Với những thay đổi về thời khóa biểu và thói quen sinh hoạt, nhiều chuyên gia tâm lý và bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên có sự chuẩn bị cũng như hỗ trợ tâm lý cho con, để trẻ trở lại trường trong tâm thế tốt nhất cả về học tập lẫn sinh hoạt. Bên cạnh đó, sự ủng hộ và đồng hành của cha mẹ cùng các biện pháp phòng chống dịch từ nhà trường sẽ giúp cho các em bình tĩnh và thích ứng an toàn hơn khi đến trường.

Thạc sĩ Lê Thị Dung, Giảng viên bộ môn Tâm lý học, khoa KHXH&NV – Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh trong thời gian không thể đến trường. Các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý, hạn chế đi lại giao tiếp, học tập trực tuyến kéo dài, khiến cho các em học sinh trở thành nhóm đối tượng dễ mắc những vấn đề tâm lý nhất.” Vì vậy khi đi học trực tiếp trở lại, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho thầy và trò thì việc hỗ trợ tâm lý cho các em cũng rất quan trọng. Nhà trường có thể tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề trong phạm vi lớp học hoặc chia thành các nhóm nhỏ để tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải để có phương án hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh và thái độ ứng xử, hòa thiện nhân cách cho các em học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện.

“Các em học sinh cũng đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, thầy cô, bạn bè khi gặp những khó khăn về tâm lý trong những ngày đầu đi học trở lại”, Thạc sĩ Lê Thị Dung chia sẻ thêm, “Sự hỗ trợ kịp thời về tâm lý sẽ giúp các em thích nghi với cuộc sống trường học, trao đổi về những lo âu khi quay trở lại trường học và cách ứng phó.”

Các chuyên gia tâm lý cũng lưu ý rằng, sức khỏe tinh thần của học sinh trong thời gian này quan trọng hơn là kiến thức. Không gây áp lực, quá tải đối với học sinh là việc các trường cần phải cân nhắc, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Tâm lý thích nghi cần có từ chính phụ huynh

Để học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sự ủng hộ và đồng hành của phụ huynh bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch từ nhà trường sẽ giúp cho các em bình tĩnh và thích ứng an toàn hơn khi đến trường. Các phụ huynh thường có tâm lý lo ngại con đi học sẽ không may mắc bệnh, nên tìm hiểu kỹ và tin tưởng những khuyến cáo về bệnh tật cũng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Các bậc cha mẹ cũng cần xác định rõ cần phải thích nghi trong hoàn cảnh “bình thường mới”, không thể nào để trẻ ở mãi trong nhà được. Chúng ta cần cho trẻ một bối cảnh rộng hơn để phát triển tâm lý cũng như thể chất của các em.

Các em học sinh đã có khoảng thời gian rất dài ở nhà, không được tham gia các hoạt động xã hội, chính vì vậy ngoài việc chuẩn bị an toàn cho con thì việc chuẩn bị tâm thế cũng như năng lực thích ứng với môi trường mới cũng cần được chú trọng. Tùy vào độ tuổi khác nhau mà cha mẹ có sự chuẩn bị khác nhau, tạo cho con một trạng thái tích cực khi đến trường. “Đối với các bạn học sinh cấp 3, việc trở lại trường học có phần dễ dàng hơn vì các con đủ lớn để dễ thích nghi và tự lập hơn các lứa tuổi nhỏ, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý để con có giờ giấc học tập hợp lý, tránh bị xao nhãng bởi các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Khi con đã yêu thích đến trường thì việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen để các con bắt nhịp với môi trường mới kỉ cương, nền nếp hơn hoàn toàn không phải là vấn đề trở ngại", Th.sĩ Lê Thị Dung chia sẻ./.


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172