HIU tổ chức Hội thảo “Việt Nam học, chiếc cầu nối Việt Nam với thế giới”


Cập nhật lần cuối vào 08/01/2021

Ngày 8/1/2021, tại Hội trường Beethoven của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã diễn ra Hội thảo “Việt Nam học, chiếc cầu nối Việt Nam với thế giới”. Sự kiện là cơ hội để mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên khối ngành Khoa học xã hội và Ngôn ngữ quốc tế cái nhìn đa chiều và tích cực về ngành Việt Nam học – một ngành học dự đoán sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Hôi thảo “Việt Nam học, chiếc cầu nối Việt Nam với thế giới” tại Hội trường Beethoven HIU sáng 8/1

Việt Nam học là ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam, một ngành khoa học cũ mà mới. Cũ vì những nghiên cứu về VN được nhắc đến từ thế kỷ 13, nghĩa là cách đây 7, 8 thế kỷ, thậm chí sớm hơn. Mới vì ngành Việt Nam học chỉ mới được triển khai giảng dạy tại các trường đại học như là một ngành học độc lập tại Việt Nam chưa đến 30 năm.

(Từ phải qua trái) TS. Đỗ Mạnh Cường, PGS.TS Trần Mạnh Hà, PGS.TS Lê Khắc Cường, PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, PGS.TS Trần Thị Thu Lương

Trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển, ngành Việt Nam học luôn có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, ngành Việt Nam học ngày khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực đối với ngành Việt Nam đang thiếu trầm trọng so với nhu cầu nhân lực ngày càng cao của xã hội. Theo các chuyên gia nhân sự cho biết, từ đây đến năm 2025, mỗi năm nhóm ngành khoa học xã hội cần tuyển 8.100 người trong đó Việt Nam học là nghề thiếu nhân lực nhất. Dự đoán trong tương lai, đây sẽ là một ngành nghề “hot” và được Nhà nước chú trọng phát triển.

Chương trình thu hút đông đảo học viên, sinh viên ĐHQT Hồng Bàng tham dự

Với chủ đề “Việt Nam học, chiếc cầu nối Việt Nam với thế giới”, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mang đến cái nhìn đa chiều, tích cực về thực trạng cũng như tiềm năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp của ngành Việt Nam học trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập quốc tế ngành càng mạnh mẽ.

Tham dự buổi Toạ đàm về phía Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có TS. Đỗ Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng Trường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo Giáo viên, PGS.TS. Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng, TS Đỗ Chiếm Tài – Trưởng phòng Quản lý khoa học, cùng Lãnh đạo, giảng viên các Khoa, Phòng ban, Học viên sau đại học, sinh viên các khoa và các anh chị quan tâm.

Đặc biệt, chương trình còn có sự tham dự của nhiều đại diện Khoa Khoa học Xã hội Trường ĐH Hoa Sen, Khoa KHXHNV và Trung tâm Việt Nam học và Tiếng Việt cho người nước ngoài Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Các báo cáo viên trình bày tại Hội thảo đều là những tên tuổi “gạo cội”, có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo ngành Việt Nam học và đều là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội như:

PGS.TS. Lê Khắc Cường, Trưởng Khoa KHXH&NNQT – ĐHQT Hồng Bàng. PGS.TS, chuyên gia về Ngôn ngữ học, đặc biệt là Việt ngữ học và Ngôn ngữ các tộc người thiểu số tại Việt Nam. PGS.TS Lê Khắc Cường nguyên là Trưởng Khoa Việt Nam học của Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TPHCM (2012-2018) – đơn vị đầu tiên đào tạo Việt Nam học bậc đại học và cao học tại TPHCM. Hiện PGS.TS. Lê Khắc Cường đang là Trưởng ban xây dựng hồ sơ mở ngành Việt Nam học bậc Tiến sĩ tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

PGS.TS Lê Khắc Cường – Trưởng Khoa KHXH&NNQT – ĐHQT Hồng Bàng

PGS.TS. Trần Thị Thu Lương, Trưởng Bộ môn Việt Nam học, Khoa KHXHNNQT – ĐHQT Hồng Bàng, chuyên gia về Lịch sử Việt Nam. PGS.TS. Trần Thị Thu Lương nguyên là Phó Trưởng Khoa Đông phương học Trường ĐHKHXH&NV, sau đó là Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ ĐHQG TPHCM.

PGS.TS. Trần Thị Thu Lương, Trưởng Bộ môn Việt Nam học, Khoa KHXH-NNQT – ĐHQT Bàng

PGS.TS. Nguyễn Văn Huệ, Cố vấn Bộ môn Việt Nam học, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học và tiếng Việt cho người nước ngoài. PGS.TS. Nguyễn Văn Huệ là chuyên gia Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, nguyên là Trưởng Khoa Việt Nam học Trường ĐHKHXH&NV (2007-2017).

PGS.TS. Nguyễn Văn Huệ, Cố vấn Bộ môn Việt Nam học, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học và tiếng Việt cho người nước ngoài

Các nội dung chính được lần lượt trình bày trong Hội thảo gồm: (1) Giới thiệu ngành Việt Nam học tại Việt Nam và các nước trên thế giới như lịch sử hình thành và phát triển; vị trí, vai trò của Việt Nam học – khoa học về Việt Nam – trong lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, nhóm ngành Khu vực học; thực trạng của việc đào tạo Việt Nam học tại Việt Nam và thế giới do PGS.TS. Lê Khắc Cường trình bày. (2) Việc giảng dạy Việt Nam học và Tiếng Việt tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… – PGS.TS. Nguyễn Văn Huệ.

Song song đó, các thầy cô cũng giới thiệu về chương trình đào tạo, đặc điểm nổi bật của ngành Việt Nam học tại các trường đại học TPHCM nói chung và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nói riêng.

Đặc biệt, trong khuôn khổ nội dung của buổi hội thảo PGS. TS Trần Thị Thu Lương cũng giới thiệu tổng quan về ngành Việt Nam học ở cả 3 cấp đào tạo, cử nhân đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng như đối tượng tuyển sinh; điều kiện thi tuyển/xét tuyển; chương trình đào tạo (ngành đúng, ngành gần, ngành khác); các hướng nghiên cứu chủ yếu; điều kiện học tập tại HIU; học phí và chính sách ưu đãi…

Chương trình cũng có sự tham dự của nhiều đại diện đến từ các trường Đại học có đào tạo Việt Nam học

Bên cạnh các nội dung xoay quanh vào ngành Việt Nam học, tại Hội thảo các thầy cô, chuyên gia còn trình bày và thảo luận nhiều nội dung đa dạng, phong phú liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Toạ đàm giao lưu hỏi đáp trong Hội thảo
Các thầy cô đặt câu hỏi về Chương trình đào tạo bậc Tiến sĩ Việt Nam học của Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Với những thông tin về ngành Việt Nam học, Hội thảo đã giúp mọi người đặc biệt là các bạn trẻ hiểu hơn về ngành Việt Nam học, có thêm một định hướng và con đường đi mới, phù hợp và rộng mở cho mình.

Thầy cô chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã triển khai đào tạo ngành Việt Nam học bậc đại học từ năm 2000; bậc cao học từ năm 2013 và 11/2020 Bộ GD&ĐT đã cho phép Trường đạo tạo bậc Tiến sĩ. HIU là trường đại học đầu tiên được Bộ cho phép đào tạo Tiến sĩ ngành Việt Nam học, và là đơn vị thứ hai trong cả nước đào tạo bậc học này. Đơn vị đầu tiên là Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, một thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, từ năm 2012.
– Về đào tạo cử nhân: Ngành Việt Nam học của Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã có lịch sử hai thập niên phát triển với chương trình đào tạo cử nhân Việt Nam học theo định hướng du lịch.  Hiện nay, ngành du lịch tách ra thành khoa độc lập nên cử nhân Việt Nam học đào tạo đúng chuyên ngành Đất nước học.
– Đào tạo Thạc sĩ: Từ năm 2013 Trường đã có thêm bậc đào tạo Thạc sĩ Việt Nam học và đến nay đã qua 7 khóa đào tạo Thạc sĩ với gần 70 học viên.
–  Đào tạo Tiến sĩ: Từ tháng 11/2020 Với đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu của bộ môn Việt Nam học có 6 Phó Giáo sư, Tiến sĩ có trên 30 năm kinh nghiêm giảng dạy và Nghiên cứu khoa học cùng một đội ngũ cán bộ trẻ của Khoa KHXH&NNQT, Việt nam học của Đại học quốc tế Hồng Bàng được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo bậc tiến sĩ.

Thông tin ngành Việt Nam học tại ĐHQT Hồng Bàng xem thêm Tại Đây.

Phòng Truyền Thông và Tuyển Sinh

Cơ sở 1: 215 Điện Biên Phủ, P.15, Q. Bình Thanh, TP.HCM

Cở sở 2: 120 Hòa Bình, P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM

Cơ sở 3: 371 Nguyễn Kiệm, P.3, Q. Gò Vấp, TP.HCM

Điện thoại: 028.7308.3456 Ext: 3401 – Hotline: 0938 692015 – 0964 239172

Website: https://hiu.vn/ – Facebook: https://www.facebook.com/hiu.vn/

Email: tuyensinh@hiu.vn – admission@hiu.vn

Bài: Loan Lê


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172