Ngay cả khi công nghệ đe doạ “xoá sổ” ngành nghề thì Nghề giáo vẫn mãi luôn là một nghề cao quý, quan trọng và không thể thay thế!


Cập nhật lần cuối vào 19/11/2021

Không dễ để hẹn gặp Thầy Đỗ Mạnh Cường cho một buổi trò chuyện, đặc biệt trong những ngày cuối năm. Công việc bận rộn của Chủ tịch Hội đồng trường cộng thêm lịch trình dày đặc của Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên, để rồi cuối cùng buổi phỏng vấn chỉ diễn ra trong một buổi trưa vội vàng.

Kết thúc buổi phỏng vấn Thầy nhẹ nhàng hỏi “không biết đã đủ tư liệu cho bài viết của em”. Tôi từ lúc đầu đến giờ chỉ lẳng lặng ngồi bên lắng nghe khẽ gật đầu đáp “Dạ, đủ rồi Thầy ạ, Em cảm ơn Thầy”.

Nhưng có một điều tôi vẫn không nói với Thầy ngày hôm đó. Đó là dù chỉ trong 1 tiếng trò chuyện ngắn ngủi nhưng những điều Thầy chia sẻ bằng cả bao năm đèn sách, gấp nhiều lần những điều tôi nghĩ mình hiểu về giáo dục.

Nhờ Thầy tôi hiểu hơn về nét đẹp và vai trò thiêng liêng của Nghề giáo và tin vào tương lai tươi sáng của Giáo dục Việt Nam.

Như lời Thầy chia sẻ “Ngay cả khi công nghệ đe doạ “xoá sổ" ngành nghề, thậm chí đe doạ huỷ hoại con người thì Nghề giáo vẫn mãi luôn là một nghề cao quý, và lại càng có vai trò quan trọng hơn trong việc giúp con người phát triển và trở nên tốt đẹp hơn…”

Trong câu hỏi của em đã hàm chứa câu trả lời. Hỏi một câu có hàng triệu câu trả lời và chính thế mới cần đến Thầy giáo.

Con người có thể chết vì đói nhưng cũng có thể chết vì ăn quá nhiều. Đối với thông tin, người ta không chết vì thiếu thông tin mà có thể bội thực và chết vì có quá nhiều thông tin.

Google hay các công cụ tìm kiếm trên internet khác chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin. Các thuật toán tìm kiếm của Google dựa trên các yếu tố bao gồm cụm từ tìm kiếm, mức độ liên quan… vì thế trong hàng triệu câu trả lời Google cung cấp có bao gồm cả thông tin tốt lẫn thông tin xấu.

Câu hỏi đặt ra là trong hàng triệu câu trả lời đó, câu nào là đúng? Lựa chọn câu nào? Câu nào thật sự trả lời đúng điều mình cần? thì công nghệ không thể “thông minh” để lựa chọn. Chính vì thế người ta có thể bị lạc hướng, bị “chết ngạt” trong núi thông tin, đặc biệt là thông tin rác.

Do đó, vị trí của người Thầy trở nên đặc biệt quan trọng hơn. Người Thầy sẽ giúp cho học trò biết cái gì thật sự có giá trị, câu trả lời nào là thật sự phù hợp với mình, đúng cái mình cần. Nói cách khác, ở đây công nghệ chỉ đóng vài trò cung cấp thông tin, người Thầy Giáo giữ vai trò xử lý và chọn lọc thông tin.

Những tiến bộ của công nghệ không chỉ đe doạ, “xoá sổ” ngành nghề, sự biến đổi ngành nghề thời nào cũng có. Ở đây phải hiểu, càng nhiều công nghệ, không chỉ riêng ngành nghề mà còn có thể đe doạ và huỷ hoại con người.

Tất cả công nghệ và những tiến bộ của công nghệ cung cấp cho ta công cụ để phục vụ cho mục đích phát triển của một con người. Nhưng sử dụng những công cụ đó như thế nào, để giúp cho con người phát triển toàn diện thì công nghệ không thể cung cấp được.

Vai trò và vị trí của người thầy giáo rất quan trọng nằm ở chỗ giúp con người làm chủ và sử dụng tất cả những công nghệ để phát triển con người chứ không phải để huỷ diệt con người.

Liệu trong tương lai, một người phụ nữ sinh con ra, có dám giao con cho cái máy chăm sóc. Liệu mai mốt có một trường mầm non mà ở đó toàn bộ là Robot, không có con người, phụ huynh có đem gửi con đến đó không?!

Sự thật thì không ai dám giao con mình cho một cái máy để nuôi, lại càng không dám giao con mình cho một cái máy dạy dỗ, giáo dục.

Bởi con người không chỉ lớn lên về thể xác, con người lớn lên về tâm hồn, và chuyện đó mới quan trọng. Tất cả những tiến bộ của công nghệ chỉ là công cụ phục vụ con người, còn dùng nó thế nào cho phù hợp và đáp ứng tốt sự phát triển tất cả những tiềm năng độc đáo của con người phải do chính con người làm chủ. Vì vậy, tương lai của Nhà Giáo vẫn nằm ở vị trí nó vốn có, thậm chí còn trở nên quan trọng hơn.

 

Trong nhiều năm nay, tại Việt Nam, đối với lĩnh vực giáo dục có một điểm rất quan trọng là xác định Triết lý Giáo dục. Và cho đến giờ này, Việt Nam vẫn không thể phát biểu được một triết lý giáo dục một cách gọn gàng, dễ hiểu, dù cách đây 2 năm, Bộ đã có một đề tài cấp Nhà nước là “Triết lý giáo dục”.

Điểm đầu tiên là người Thầy thế hệ mới phải được xuất phát từ triết lý giáo dục dành cho họ. Triết lý giáo dục được hiểu là tư tưởng triết học, được chọn để dẫn đường cho quá trình giáo dục đi từ “cái đang là” đạt đến “cái phải là”.

Với triết lý giáo dục Nhân bản của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG), Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng xác định Người Thầy thế hệ mới là con người nhân bản, trưởng thành toàn diện.

Người Thầy thế hệ mới không chỉ đơn thuần là trưởng thành về mặt kiến thức, tri thức mà là trưởng thành toàn diện tất cả các mặt như tâm lý, tinh thần, tình thương… đặc biệt phải có khả năng lao động để phục vụ tất cả mọi người.

Nghĩa là ngay từ khi quyết định lựa chọn và bước chân vào một môi trường đào tạo để học trở thành giáo viên, ngay lúc đầu anh phải là người Thầy giáo. Và từ người Thầy giáo ấy anh lớn dần lên mỗi ngày. 

Đặc biệt, bạn không thể cho những điều bạn không có. Vì thế, muốn phát triển nền giáo dục theo chương trình như vậy, để phát triển con người toàn diện, làm chủ được khoa học công nghệ, sống có trái tim yêu thương, biết lao động phục vụ… thì bản thân người Thầy phải như thế.

Trong thời đại công nghệ 4.0, vai trò của người Thầy mới là làm sao để giúp bản thân và người học không bị lạc lối, có khả năng làm chủ, khai thác và sử dụng công nghệ để phát triển cũng như bảo vệ sự an toàn cho chính mình và cho xã hội.

Đầu tiên, anh phải học những điều là sự thật, phải học những tri thức chắc chắn và anh phải tin vào nó. Anh chỉ dạy những điều anh tin, anh biết chắc chắn. Đừng dạy những gì không chắc chắn, không phải là chân lý cho học trò. Đặc biệt, anh phải sống, anh phải sử dụng những điều anh dạy.

Người Thầy thế hệ mới phải như một người cha để yêu thương, bảo vệ, chăm sóc, phải như một người thầy để hướng dẫn và phải như một người bạn để chia sẻ, đồng hành. 

Nhà giáo dục ngày nay kiêm cả hai hoạt động pedagogy (sư phạm / giáo dục) và teacher (giáo viên). Pedagogy tức là đi cùng với trẻ, làm cùng với trẻ và luôn bên cạnh trẻ. Người Thầy thế hệ mới phải như thế. Nhà giáo dục ngày hôm nay phải như vậy.

Mục tiêu của Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên là đào tạo những người Thầy thế hệ mới như thế. Anh đến Viện, ngay từ ngày đầu tiên anh đã bắt đầu trở thành Nhà giáo.

Anh phải ý thức từ hôm nay “Tôi là người Thầy giáo”. Cách tôi đi đứng khác. Cách tôi nói năng khác. Cách tôi phải sinh hoạt ở trong một chốn đông người khác. Cách học của tôi khác, giờ giấc sinh hoạt hằng ngày, nề nếp sinh hoạt cá nhân của tôi phải khác. Tôi phải tập cách nói chuyện với người khác, tập cách chia sẻ, tập cách lắng nghe với người khác ngay từ bây giờ, mỗi ngày một ít. Tất cả những thứ đó toàn vẹn để người Thầy giáo lớn lên, trưởng thành toàn diện.

Viện muốn đào tạo nhà giáo dục có những phẩm chất như thế để anh có thể thực hiện sứ mệnh đầy thách thức phía trước. Những thách thức mà AI không khắc phục được.

Bởi công nghệ chỉ dựa trên những kiến thức đã biết, những quy luật đã biết, những quy trình đã biết và có thể lập trình… nhưng sáng tạo thì không thể, cảm xúc không thể, cảm hứng lại càng không thể. Robot không có cảm xúc. Mà một con người phải có những điều này.

Những tiến bộ công nghệ đe doạ con người chứ không chỉ đe doạ ngành nghề. Giáo dục có vai trò quan trọng là để ngăn chặn lại tiến trình của nó, để con người vượt ra khỏi đe doạ đó.

Trí tuệ nhân tạo AI không thể giải được điều này, chỉ có Người Giáo dục. Người Giáo dục ở đây không không phải chỉ có mỗi người Thầy mà còn có Gia đình, Cha mẹ. Tuy nhiên, người Thầy, đặc biệt người Thầy thế hệ mới sẽ là những chiến sĩ hàng đầu.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam, chúc Thầy nhiều sức khoẻ, niềm vui và thành công trong sự nghiệp trồng Người cao cả.

TS. Đỗ Mạnh Cường

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172