Cập nhật lần cuối vào 04/05/2023
Nhiều ngành học thuộc nhóm Sức khoẻ đang rơi vào tình trạng thiếu thí sinh. Do đó, các trường y dược cũng đang “chạy đua” để thu hút được thí sinh chất lượng bằng cách tăng số lượng phương thức, mở ngành mới, giảm học phí, tặng học bổng…
Quan trọng nhưng chưa được quan tâm
Với lo ngại kiến thức học khó, áp lực công việc cao, thu nhập chưa tương xứng hay chưa hiểu hết tiềm năng của ngành nghề, nhiều ngành thuộc khối Sức khoẻ đang rơi vào tình trạng “khát” thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết, năm 2023, phương hướng tuyển sinh năm nay của trường cơ bản giữ ổn định như năm trước. Trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với 2 phương thức xét tuyển gồm: xét điểm thi; kết hợp điểm thi với chứng chỉ quốc tế.
Điểm mới tuyển sinh vào Trường ĐH Y Dược TPHCM là mở rộng tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ tuyển B00 (toán – hoá – sinh), nay thêm khối A00 (toán – lý – hoá). Học phí năm tới cũng tăng nhẹ để phù hợp với lộ trình phát triển của nhà trường.
Năm 2022, ngoài những ngành “hot” có điểm chuẩn cao như y khoa, răng hàm mặt, kỹ thuật phục hình răng, y học cổ truyền, dược học… thì số ngành còn lại như y học dự phòng, điều dưỡng, hộ sinh, dinh dưỡng của trường này cũng chỉ nhỉnh hơn chuẩn đầu vào một chút.
Ông Khôi chia sẻ, một số ngành được thí sinh ít chọn bởi vì không chuyên về tiếp xúc bệnh nhân, thăm khám nên các em không thích. “Một số ngành khó tuyển sinh vì các bạn không biết nhiều chứ không phải vì sợ khó khăn. Ví dụ như ngành y khoa rất cực nhưng nhu cầu xã hội cao, thí sinh biết nhiều nên áp lực mà vẫn muốn vào. Còn ngành y tế công cộng, trước đây ít được biết đến nhưng qua dịch bệnh cho thấy vai trò của nhóm này rất cần thiết”, ông Khôi bày tỏ.
Về thu nhập, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi cho rằng điều này tuỳ theo năng lực của mỗi người, một người có năng lực, chuẩn đoán, chữa trị tốt chắc chắn có thu nhập cao. “Mức lương chung của nhà nước không phản ánh được thu nhập”, ông Khôi chia sẻ.
Đồng quan điểm, ThS Trần Thuý Trâm Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng cho biết nhiều ngành tiềm năng nhưng chưa được xã hội quan tâm đúng mực.
Bà dẫn chứng như việc nhân lực bác sĩ y học cổ truyền đang thiếu trầm trọng, mới chỉ có 7 trường “đủ sức” đào tạo nhưng thí sinh chưa mặn mà.
“Bên cạnh sự phát triển của y học hiện đại, y học cổ truyền vẫn có vị thế và vai trò quan trọng khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe “trở về với tự nhiên” của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực bác sĩ y học cổ truyền còn khan hiếm, thậm chí thiếu trầm trọng và chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng phục vụ các hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân. Chính vì vậy ngành học này sẽ trở thành ngành học xu hướng và nhiều tiềm năng trong hiện tại và cả tương lai”, bà Quyên nhận định.
Bà Quyên cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu nhân lực, năm 2023, HIU dự kiến tuyển sinh 13 ngành học với một số ngành mở mới như: điều dưỡng (chương trình tiếng Anh), dinh dưỡng, y tế công cộng. Những ngành học có cả chương trình tiếng Việt và chương trình tiếng Anh như: y khoa, răng hàm mặt, dược học, điều dưỡng. Một số ngành trọng tâm khác là y học cổ truyền, hộ sinh, kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật xét nghiệm y học.
Để thu hút thí sinh, trường này cũng áp dụng nhiều chính sách giảm học phí, tặng học bổng.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ Miền Đông mở thêm ngành điều dưỡng; Trường ĐH Phenikaa tuyển sinh ngành mới là răng hàm mặt…
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến mở 2 ngành mới có liên quan tới các yếu tố về sức khoẻ là Sinh dược học và Môi trường, Sức khoẻ, An toàn.
Mở rộng phương thức xét tuyển
Khoa Y – Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến tuyển gần 500 chỉ tiêu cho 5 ngành nhưng có tới 7 phương thức xét tuyển. Ngoại trừ phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chiếm 45% tổng chỉ tiêu ngành, các phương thức còn lại chỉ tiêu khá ít. Nhiều phương thức chỉ có 3 đến 5 chỉ tiêu/ngành.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – cho biết, nhà trường dự kiến duy trì 2 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (dành cho tất cả các ngành đào tạo) và xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế đối với ngành Y khoa.
Trường ĐH Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội có 600 chỉ tiêu, trong đó 211 chỉ tiêu xét theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định xét theo các phương thức: Xét tuyển điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển học bạ THPT; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực…
ThS Trần Thuý Trâm Quyên lưu ý thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối ngành Sức khỏe cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, dự kiến được Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 20/7 tới đây.
Theo ThS Trâm Quyên, thí sinh cần tận dụng các cơ hội xét tuyển sớm để tăng khả năng trúng tuyển và nhận học bổng từ các trường để giảm chi phí học tập.
“Đào tạo ngành Y Dược thường có học phí cao hơn vì thế thí sinh đừng quên “săn” học bổng của trường, có những suất học bổng lên đến hàng trăm triệu”, bà Quyên nói.
Phó Hiệu trưởng HIU nhấn mạnh, thí sinh khi chọn ngành học đặc thù này phải nắm được các yếu tố, đặc điểm quan trọng mà khối ngành này cần, đó là sự kiên trì vì thời gian học dài, chi phí đào tạo cao, cần có học lực tốt, có tâm đức với nghề… bù lại khi ra trường thì luôn được xã hội trọng dụng.
Các thí sinh quan tâm về khối ngành Sức khỏe tại HIU có thể tham gia đăng ký nhận học bổng tại đây
Bên cạnh đó, Trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng (HIU) công bố 5 phương thức xét tuyển dự kiến tuyển sinh năm 2023 gồm:
- Xét học bạ,
- Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023,
- Xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM,
- Xét kết quả kỳ thi SAT
- Xét tuyển thẳng.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Cơ sở 1: 215 Điện Biên Phủ, P.15, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Cơ sở 2: 120 Hòa Bình, P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM
Website: https://hiu.vn/
Nguồn bài viết: PV. Huyên Nguyễn – Báo Dân Trí
Trung Tâm Tuyển sinh và Truyền thông