Hỏi đáp hiến máu nhân đạo bạn cần biết


Cập nhật lần cuối vào 11/08/2020

Bs. Nguyễn Thị Ngọc Huyền – Khoa Tiếp Nhận Hiến Máu

BV Truyền Máu Huyết Học Tp. HCM.

Bs. Hồ Thị Thiên Ngân – ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

“ Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại"

Hiến máu là gì?

– Máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp được, nên khi bệnh nhân thiếu máu quá nặng, nguồn máu được bồi hoàn hoàn toàn từ người hiến máu. Vì vậy, hiến máu được xem là một nghĩa cử cao đẹp, là việc ý nghĩa thiết thực mà mọi người có thể làm để giúp ích cho người khác.

Thành phần của máu bao gồm?

  • Gồm huyết tương chiếm 55% thể tích máu và các tế bào máu 45% còn lại. Các tế bào máu gồm có hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, kế tiếp là bạch cầu và tiểu cầu.
  • Đời sống của hồng cầu khoảng 90 ngày, đây là khoảng thời gian cần thiết để một hồng cầu sinh ra, thực hiện chức năng và bị tiêu hủy tại gan, lách. Hồng cầu lưu hành trong máu được tủy xương sinh ra và được thay thế sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Do đó khi cho đi một lượng máu rất nhỏ trong cơ thể, đối với bản thân người cho sẽ không bị ảnh hưởng gì, nhưng với người nhận lại là một “nguồn sống” mới.

Hiện đã có máu nhân tạo không?

– Đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, chưa hoàn toàn thay thế máu người và giá thành rất đắt. Người thiếu máu vẫn phải lấy từ người.

Tôi không có dư máu, hoặc có thể bị thiếu máu, vậy tôi có tham gia hiến máu được không?

– Lượng máu trong cơ thể con người khoảng 70 ml/kg cân nặng, trung bình một người trưởng thành nặng 50 kg có khoảng 3500 ml máu. Bạn có hiến máu từ 250 ml – 450 ml tùy trọng lượng cơ thể. Tủy xương của bạn sẽ tái tạo lại lượng máu mất trong vòng vài giờ. Vì vậy bạn không lo bị thiếu máu sau khi hiến máu.

Tôi có khả năng bị nhiễm bệnh sau khi hiến máu? Không

– Bạn sẽ không mắc bất kỳ bệnh nào khi hiến máu vì kim tiêm là vô trùng và chỉ dùng một lần cho mỗi người hiến máu.

Tôi cảm thấy sợ hiến máu bởi vì kim to và nó rất đau?

– Hiện tượng này xảy ra ở lần cho đầu tiên. Khi kim được đưa vào tĩnh mạch bạn cãm giác như bị véo nhẹ. Thủ thuật rất đơn giản và bạn sẽ không cảm thấy đau.

Tôi không đủ sức khoẻ để hiến máu?

– Bạn có thể hiến máu, bác sĩ sẽ kiểm tra mạch, huyết áp và khám sơ bộ trước khi tham gia hiến máu.

Khi nào tôi có thể hiến máu?

  • Là người khỏe mạnh, nam tuổi từ 18 – 60 và nữ tuổi từ 18 – 55.
  • Huyết áp: huyết áp tối đa trong khoảng 110 mmHg – 140 mmHg.
  • Huyết áp tối thiểu trong khoảng 70 mmHg – 100mg.
  • Không đang mắc bất cứ bệnh cấp tính (cảm cúm, viêm nhiễm) hoặc không dùng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Mạch đều trong khoảng 60 -90 lần /phút.
  • Không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV/AIDS, HBV, HCV, sốt rét, giang mai.

Khi nào tôi tạm hoãn hiến máu?

  • Trong vòng 6 tháng gần đây có xâm mình, xỏ tai, châm cứu…
  • Nữ đang có kinh, đang chuẩn bị một cuộc giải phẫu, đang bị thuỷ đậu, sốt xuất huyết.
  • Đang dùng thuốc có chứa Aspirin, kháng sinh, các loại dược thảo.

Hiến máu được tiến hành như thế nào?

  • Đầu tiên, với những người chuẩn bị đi hiến máu, cần chuẩn bị tốt về mặt thể lực lẫn tinh thần. Đêm trước khi đi hiến máu, cần ngủ đủ giấc và tránh làm việc quá nặng nề. Bữa ăn trước đó tránh quá nhiều dầu mỡ. Hiến máu thường được thực hiện buổi sáng, lúc tâm trạng và sức khỏe tốt nhất.
  • Người đi hiến máu không nên ăn gì, kể cả uống sữa mà chỉ được uống nước lọc, trà đường. Nguyên nhân là vì khi ăn uống, các sản phẩm của tiêu hóa khi được hấp thụ qua thành ruột vào máu sẽ làm giảm chất lượng máu hiến. Ngoài ra, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe toàn diện và chỉ được chấp thuận cho hiến máu nếu thỏa mãn một số tiêu chuẩn nhất định.
  • Sau đó, người bệnh được sắp xếp nằm nghỉ thoải mái trên ghế. Kim lấy máu sẽ được đưa vào tĩnh mạch lớn thuộc chi trên và máu sẽ tự động đi ra theo nguyên lý thế năng, cho vào túi máu đặt trên bàn cân đặt ở vị trí thấp hơn tim. Khi nào lượng máu rút ra đạt thể tích cần thiết thì ngừng lại, rút kim và băng ép tại chỗ. Trong lúc rút máu, nhân viên y tế có thể cho người hiến máu nắm bóp vật mềm trong lòng bàn tay để tốc độ dẫn máu được nhanh hơn.
  • Máu hiến sẽ nhanh chóng được bảo quản theo đúng quy định và đưa về trung tâm, bệnh viện chuyên khoa huyết học. Tại đây, máu được xét nghiệm các vi sinh vật nhằm loại trừ các bệnh lý mắc phải qua đường truyền máu, như HIV, viêm gan B, viêm gan C,… Nếu đạt được tiêu chuẩn này, máu sẽ được chia theo nhóm máu O, A, B hay AB, phân tách thành các thành phần riêng lẻ như huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, được lưu trữ trong điều kiện tương ứng và sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu.
  • Trong trường hợp đi hiến tiểu cầu, máu của người hiến sẽ được thu thập qua một hệ thống máy móc. Tại đây, thành phần tiểu cầu sẽ được gạn tách và các thành phần còn lại trong máu được trả vào cơ thể người hiến bằng một con đường khác.

Sau khi hiến máu liệu tôi sẽ tăng cân không?

– Hiến máu chắc chắn sẽ không làm bạn tăng cân. Một số ít trường hợp, nhất là nữ sau khi hiến máu có khuynh hướng lên cân. Vì sau khi cho máu sự tái tạo máu làm cho cơ thể phấn chấn, ăn ngon, ngủ ngon. Bạn nên có chế độ ăn uống vừa phải, ít ngọt, ít béo, tập thể dục, thể thao đều đặn thì thể trọng và thể hình sẽ cân đối theo ý muốn.

Tôi đã từng hiến máu, tôi có thể tiếp tục hiến máu được không?

  • Nếu bạn thực sự khoẻ mạnh, bạn có thể hiến máu nhắc lại nhiều lần.
  • Thời gian nhắc lại đối với nam là 03 tháng (04 lần/năm), nữ là 04 tháng (03 lần/1 năm).

Tôi có thể hiến máu ở đâu?

Mỗi năm trường sẽ tổ chức từ 1-2 đợt tại 2 cơ sở.

  • Địa chỉ cơ sở 1: lầu 3 (phòng 3.2) HIU Tower, 215 Điện Biên Phủ, P.15, Quận Bình Thạnh, TP. Hổ Chí Minh.
  • Địa chỉ cơ sở 2: tầng G (Sảnh tự học), 120 Hòa Bình, P. Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.

– Bạn cũng có thể hiến hiến máu tại: Bệnh viện truyền máu Huyết Học TP. Hồ Chí Minh.

  • Địa chỉ: 118 Hồng Bàng. P.12, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
  • Số điện thoại: (028)3955.7858


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172