Cập nhật lần cuối vào 23/04/2021
Vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, Cao Ngọc Anh chọn học điều dưỡng vì bản thân mình thích. Cô chia sẻ, gia đình vốn muốn con gái đi học ngành y, nhưng niềm yêu thích này được hun đúc từ nhỏ, khi Ngọc Anh thường theo cha mẹ đến thăm và chăm sóc ông bà. Trong một lần vào bệnh viện, Ngọc Anh cảm thấy công tác chăm sóc người bệnh của các điều dưỡng vô cùng gần gũi như chăm sóc người thân của chính mình.
Ngành điều dưỡng là một ngành tỉ mẩn
“Tôi cũng không biết nói được nguyên nhân vì sao mình quá yêu thích nghề điều dưỡng, đến nỗi tự định hướng bản thân và tự học,” ThS Điều dưỡng Cao Ngọc Anh chia sẻ. Cô nói tiếp: “Ngoài ý niệm cao cả của nghề khi chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện của người điều dưỡng, đầu tiên, học kiến thức điều dưỡng để chăm sóc cho người thân.”
Đúng nghĩa, điều dưỡng chăm sóc một đối tượng từ khi sinh ra đến lúc lão và mất đi vào giai đoạn cuối. Chăm sóc không chỉ mang nghĩa chăm sóc trực tiếp trên từng người bệnh, mà còn chăm sóc phòng ngừa xung quanh người bệnh như giúp bệnh không xảy ra nữa hoặc phòng ngừa để bệnh đừng tăng nặng thêm gọi là biến chứng hoặc tai biến.
Nói về nghề, ThS. Điều dưỡng Cao Ngọc Anh chia sẻ: “Nói về các thủ thuật cơ bản, nền tảng là chung. Nhưng nói về nhi, đặc tính về cấu trúc giải phẫu, tính cách về hình thể, chăm sóc trẻ khác người lớn hơn. Chuyên nhi làm cho người điều dưỡng phải tỉ mỉ hơn, kiến thức chuyên về nhi để đáp ứng tốt với cơ thể nhỏ.”
Thực tế, mỗi lần chăm sóc bệnh nhi, điều dưỡng phải có kỹ năng dỗ những đứa trẻ. Đôi khi kỹ năng đó người điều dưỡng trẻ phải tự học, tự quan sát cách người mẹ vỗ về con.
“Nhiều khi, trẻ khóc thét lên khi thấp thoáng một bóng áo trắng. Điều dưỡng phải có chiêu để vỗ về đứa trẻ đó, đôi khi chuẩn bị những viên kẹo. Viên kẹo đó phải không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hoặc, những món đồ chơi nhỏ của ngành diều dưỡng gây sự chú ý cho trẻ, để trẻ không quẫy đạp, không chống đối và cho nhân viên y tế tiếp cận. Làm thủ thuật trên bệnh nhi đôi khi không khó bằng tìm cách tiếp cận chúng,” ThS. Điều dưỡng Cao Ngọc Anh cho biết.
Người điều dưỡng cần điềm tĩnh
Trong quá trình học và ở lại công tác tại khoa Điều dưỡng, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, với nhiều mối quan hệ liên kết và hợp tác với các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, các sinh viên và giảng viên điều dưỡng sẽ có những đợt tăng cường cho bệnh viện, cọ sát với thực tế, nâng cao tay nghề trong chuyên môn chăm sóc. Không chỉ có nhi, điều dưỡng HIU còn thực tập tại một số bệnh viện đặc thù như Bệnh viện Thống Nhất chuyên về lão khoa.
“Đi lâm sàng, ngoài những kỹ năng thực hành, sinh viên điều dưỡng còn cần những kỹ năng giao tiếp cho từng đối tượng. Đối với những đối tượng đặc thù, vì họ có kiến thức sức khỏe do tự tìm hiểu trước, sinh viên điều dưỡng phải xem bệnh nhân đang cần ở mình cái gì để mình hướng dẫn bệnh nhân những gì cần thiết để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tốt nhất,” ThS. Cao Ngọc Anh cho biết.
Theo cô, các bạn sinh viên điều dưỡng đã trải qua thực tập tại Bệnh viện Thống Nhất sẽ rất giỏi trong giao tiếp vì có thể tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau.
Điều dưỡng cần một cái “tâm” thân thiện, luôn yêu thương người bệnh của mình và cần một chút điềm tĩnh.
“Sự năng động của ngành nghề điều dưỡng nói riêng, ngành y nói chung, vô cùng cần thiết. Nhưng một điều dưỡng còn cần sự điềm tĩnh nhất định vì đây là ngành nghề liên quan đến mạng sống của con người. Do đó, khi mình thực hiện bất kỳ một thủ thuật nào, điều dưỡng luôn cần sự điềm tĩnh và làm việc ở mức độ tinh thần cao độ nhất, và không được phép lơ là. Bất kỳ một sự lơ là nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh,” Ngọc Anh tâm sự.
Y tá trước đây được hiểu nôm na như người trợ tá của người bác sĩ. Nhưng, điều dưỡng là một ngày độc lập, chuyên về chăm sóc, hoạt động độc lập hoàn toàn với ngành y – bác sĩ. Đây là hai đối tượng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Tôi còn chăm sóc tốt hơn cho những người thân
Đối tượng đầu tiên của cô chính là những đứa cháu hay con của chính mình. Trong một tình huống đứa cháu ở nhà sốt cao dọa co giật, với kiến thức đã được học và thực hành tại các bệnh viện nhi, Ngọc Anh chia sẻ: “Tôi biết được xử trí cơ bản tại nhà như thế nào. Sau đó, khi đưa trẻ đến bệnh viện tôi có thể hỗ trợ và liệt kê giúp bác sĩ biết rõ những gì đã thực hiện tại nhà. Với những xử trí đúng cách sẽ giảm thiểu tai biến xảy ra cho đứa trẻ; cấp cứu tại bệnh viện nhanh chóng và hiệu quả hơn. Người thân sẽ được đảm bảo an toàn hơn.”
Bí quyết chăm sóc một đứa trẻ tại nhà đang sốt cao, chưa rơi vào co giật: sử dụng thuốc hạ sốt, lau mát cho đứa trẻ ở những động mạch lớn như nách, bẹn; cho trẻ mặc đồ thoáng mát; hỗ trợ nước cho trẻ.
“Thông thường, khi đứa trẻ sốt thường sẽ bỏ bú. Việc bổ sung nước cho trẻ vào lúc này có thể thực hiện bất cứ bằng hình thức nào chứ không nhất thiết phải ép trẻ uống sữa như nước lọc, canh, súp… Hoặc có những trẻ chán tất cả những món ăn khác lại chỉ uống sữa.” ThS. Điều dưỡng Cao Ngọc Anh nói thêm.
Việc sử dụng liều lượng thuốc hạ sốt với trẻ phải được tính theo tháng (trẻ sơ sinh), theo trọng lượng (với trẻ trên 1 tuổi). Hầu hết các bà mẹ có con từ 2 tuổi trở xuống đều phải đi chích ngừa định kỳ. Như vậy, các bà mẹ sẽ được hướng dẫn cụ thể và chi tiết cách dùng thuốc hạ sốt.
Phòng Truyền thông và Tuyển sinh