Cập nhật lần cuối vào 17/06/2020
Căn cứ số Thông tư 07/2016/TT-BKHCN ngày 22/4/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy pháp triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025,
Nhằm chuẩn bị kịp thời đề xuất các dự án thuộc Chương trình nông thôn và miền núi bắt đầu thực hiện năm 2021 của tỉnh An Giang, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang xin thông báo đến Quý đơn vị những nội dung sau:
1. Hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xét duyệt hỗ trợ kinh phí để các tỉnh, thành phố thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi bắt đầu thực hiện vào năm sau đó. Các dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; dự án có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa tại địa bàn triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, tạo nhiều việc làm ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được ưu tiên hỗ trợ thực hiện.
2. Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án cần lưu ý:
– Tổ chức chủ trì dự án: Đây là cơ quan điều hành dự án và tiếp nhận khoa học và công nghệ được chuyển giao (và có khả năng nhân rộng sau này) – thường là cơ quan đề xuất (hoặc đơn vị trực thuộc) có năng lực điều hành và tiếp nhận công nghệ được chuyển giao cũng như nhân rộng mô hình. Ví dụ: UBND (huyện, thị xã, thành phố), Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế Hạ tầng, Phòng Kinh tế (huyện, thị xã, thành phố), Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương; các Trung tâm như Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giống thủy sản; Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
– Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ: Đây là đơn vị có sở hữu công nghệ cần chuyển giao, có khả năng chuyển giao tiến bộ KH&CN để xây dựng các mô hình có hiệu quả nhằm phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn hoặc ở miền núi. Ví dụ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao,…
3. Hồ sơ đề xuất dự án gồm có:
a) Công văn đề xuất đặt hàng dự án của Tổ chức chủ trì;
b) Thuyết minh dự án (Mẫu B1.1-TMDA);
c) Tóm tắt hoạt động khoa học của Tổ chức chủ trì (Mẫu B1.2-HĐTCCT);
d) Lý lịch khoa học của Chủ nhiệm dự án (Mẫu B1.3-LLKHCN);
đ) Tóm tắt hoạt động của Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ (Mẫu B1.4-HĐTCHTCN);
e) Tài liệu chứng minh xuất xứ công nghệ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN.
Chi tiết các biểu mẫu được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN.
4. Các dự án được lựa chọn, đề xuất theo hai nhóm: Nhóm do Trung ương quản lý và Nhóm ủy quyền địa phương quản lý.
(Ghi chú: Nhóm do Trung ương quản lý là các dự án có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, có quy mô lớn, có ảnh hưởng liên vùng hoặc một vùng kinh tế trọng điểm, ứng dụng công nghệ mới so với địa phương và đòi hỏi phải có sự huy động các lực lượng khoa học và công nghệ từ trung ương về hỗ trợ địa phương.
Nhóm ủy quyền địa phương quản lý là các dự án hỗ trợ địa phương triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến hơn so với các công nghệ hiện có ở địa phương và phù hợp với năng lực, tổ chức chỉ đạo của địa phương).
5. Thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án: Đến hết ngày 28/02/2020.
Hồ sơ đề xuất gửi về địa chỉ: Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang) số 269A Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, ĐT: 02963.953.990 – 02963.854.662, email: qlkhag@gmail.com.
Trân trọng./.