Cập nhật lần cuối vào 06/04/2023
Cây Trúc có tên khoa học là Citrus hystrix DC, thuộc họ Cam (Rutaceae). Ngoài tên gọi là cây Trúc, người ta còn gọi bằng các tên khác như: cây số 8, cây Chanh Thái, cây Chúc, cây Trấp,… [1], [2] Trúc là loại cây thân gỗ nhỏ đến trung bình, có độ cao từ 2m đến 10m. Thân cây có gai nằm ngang. Lá xoan thuôn hay ngọn giáo, mép khía răng, chóp tròn hay lõm có khi nhọn màu xanh thẫm thùy kép, mọc đối, dài 7,5cm đến 10cm. Cuống lá dài và mở rộng thành cánh nổi bật, dài 15 cm, rộng 5 cm, lá có chứa tinh dầu, nên có mùi thơm nồng. Hoa nhỏ cánh hoa màu trắng dài 7-10 mm, nhị hoa màu vàng xếp thành bó hay chùm nhị dài 24-30mm. Quả có hình tròn, vỏ sần sùi, màu lục, khi chin có màu vàng, vỏ khá dày, thịt quả màu vàng xanh, ít nước nhưng nước có vị the và rất chua đường kính 5, 7 cm. Cây ra hoa quả quanh năm, thời gian ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 3 đến 4 tháng, cây cho năng suất cao và rất dễ trồng [3]. Trúc là loại cây có múi và có nguồn gốc từ đảo Sumbawa của Indonesia, sau đó, nó được trồng ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và khu vực nhiệt đới của châu Á [4]. Ở nước ta, Trúc được trồng nhiều ở tỉnh An Giang và các tỉnh miền đông Nam Bộ. Tuy nhiên, ở Việt Nam ít ăn quả Trúc vì quả này có vị rất chua, thường dùng để gội đầu, thuốc chữa đau bụng hay cảm mạo…
Mùi thơm của lá Trúc mạnh gấp năm lần lá chanh thường. Tinh dầu Trúc rất thơm và giữ được rất lâu nên được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, dược phẩm đến mỹ phẩm, trong đó bộ phận được sử dụng nhiều nhất trên cây là lá và quả.
Lá Trúc là một nguồn cung cấp thiết yếu dầu và có thể được tiếp thị như một chất bảo quản cho dược phẩm, hương liệu và mỹ phẩm.
Trái Trúc có tác dụng chống oxi hóa, bảo vệ động mạch. Chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng trong cơ thể thông qua việc chống lại các gốc tự do. Vỏ và nước cốt Trúc có chứa chất chống oxy hóa làm chậm quá trình mảng xơ vữa, sự tích tụ mảng bám trên thành động mạch. Điều này giữ cho các động mạch khỏe mạnh [1]. Bảo vệ gan, gan là cơ quan chính liên quan đến sự giải độc và đảm bảo cân bằng nội môi sinh lý của sinh vật . Tác hại của rượu, phụ gia thực phẩm và chất ô nhiễm là các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh viêm gan, xơ gan [5]. Chiết xuất các hợp chất của lá Trúc đã được các nhà khoa học nghiên cứu và cho thấy chúng có khả năng chống ung thư cổ tử cung và các dòng tế bào u nguyên bào thần kinh [6]. Có tác dụng kháng khuẩn chống lại vi khuẩn có hại [7,8]. Tinh dầu Trúc có khả năng ức sự phát triển của các liên cầu khuẩn vùng hầu họng nên có vai trò cải thiện sức khỏe răng miệng. Do đó, tinh dầu Trúc thường được trộn với kem đánh răng và nước súc miệng để làm sạch răng miệng, ngăn ngừa hôi miệng và giúp nướu khoẻ mạnh [9]. Trong tinh dầu Trúc, các chất citronellol và limonene có tác dụng làm côn trùng tránh xa và được sử dụng trong các sản phẩm chống côn trùng cắn và gây bệnh [10]. Nước cốt Trúc và tinh dầu chiết xuất từ Trúc thường được ứng dụng trong nhiều loại mỹ phẩm và các sản phẩm dầu gội, sữa tắm. Ngoài ra còn ứng dụng trong việc chăm sóc da, giảm viêm và giảm đau khá hiệu quả đối với những người bị thấp khớp, viêm khớp, phù, gout,… Hương tinh dầu có thể giúp tinh thần trở nên thư giãn và thoải mái hơn. Do vậy, tinh dầu Trúc có thể làm an thần, giảm tình trạng căng thẳng, lo lắng hoặc bị các vấn đề về rối loạn thần kinh.
Qua những tác dụng của trái Trúc và nhằm tìm hiểu khả năng kháng khuẩn và kháng oxy hóa cũng như đặc tính sinh học trong sự phát triển của trái Trúc để làm cơ sở nghiên cứu cải thiện năng suất và phẩm chất của trái để đáp ứng nhu cầu thương mại và sản xuất dược liệu.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chaniphun B., Pongtorn S., and Chureeporn C. (2009), “Effect of processing on the flavonoid content and antioxidant capacity of Citrus hystrix leaf”, International Journal of Food Sciences and Nutrition, 60 (2), 162-174.
[2] Trương Thị Đẹp (2007). Thực vật dược (Dùng cho dược sĩ đại học). NXB Giáo dục Việt Nam
[3] Y Dược học Việt Nam (2019), “Cây Trấp, Chúc, Chanh xác – Citrus hystrix”, https://www.ydhvn.com/lists/cay-trap-truc-chanh-xac-citrus-hystrix-dc (Truy cập ngày 30/06/2021).
[4] Wu G. W., Terol J., Ibanez V., Lopez-Garcia A., Perez-Roman E., Borreda C., Domingo C., Tadeo F. R., Carbonell-Caballero J., Alonso R., Curk F., Du D., OllitraultP., Roose M. L., Dopazo J., Gmitter F. G., Rokhsar D. S. and Talon M. (2018), “Genomics of the origin and evolution of citrus”, Nature, 554, 311-316.
[5] Abirami A., Nagarani G., and Siddhuraju P. (2015), “Hepatoprotective effect of leaf extracts from Citrus hystrix and C. maxima against paracetamol induced liver injury in rats”, Food Science and Human Wellness, 4(1), 35-41.
[6] Tunjung W. A. S., Cinatl J. J., Michaelis M., Smales C. M. (2015), “Anticancer effect of kaffir lime (Citrus hystrix) leaf extract in cervical cancer and neuroblastoma cell lines”, Procedia Chem, 14, 465-468.
[7] Sreepian A., Sreepian P. M., Chanthong C., Mingkhwancheep T., and Prathit P. (2019), “Antibacterial activity of essential oil extracted from Citrus hystrix (Kaffir Lime) peels: An in vitro study”, Tropical Biomedicine, 36 (2),
[8] Abirami A., Nagarani G., and Siddhuraju P. (2013), “Antimicrobial activity of crude extract of Citrus hystrix and Citrus maxima”, International Journal of Pharmaceutical Siences and Research, 4 (1), 296-300.
[9] Mitrakula K., Srisatjalukb R., Srisukhc V., and Vongsawana K. (2016), “Citrus hystrix (makrut oil) oral sprays inhibit Streptococcus mutans biofilm formation”, Sience Asia, 42, 12-21.
[10] Loh F. S., Awang R. M., Omar D. and Rahmani M. (2011), “Insecticidal properties of Citrus hystrix DC leaves essential oil against Spodoptera litura fabricius”, Journal of Medicinal Plants Research, 5 (16), 3739-3744.
Đỗ Thị Anh Thư
BM Dược liệu – Thực vật