Cập nhật lần cuối vào 17/06/2020
Phòng Quản lý Khoa học kính chuyển đến Quý Thầy/Cô thông báo Số 03/TB-SKHCN của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương về việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh năm 2020, như sau:
Nhằm phục vụ cho công tác quản lý ở các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố cũng như phục vụ cho yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội hướng đến xây dựng thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo đến các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố, các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH-PTCN) năm 2020 để đề xuất nhiệm vụ, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ NCKH-PTCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể:
I. Kế hoạch xác định nhiệm vụ NCKH-PTCN cấp tỉnh năm 2020
1. Sở Khoa học và Công nghệ thông báo đến sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ để gửi đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ NCKH- PTCN năm 2020.
2. Các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ căn cứ vào định hướng NCKH-PTCN của tỉnh, gửi đề xuất nhiệm vụ KHCN (Mẫu A0.ĐXNV – Theo Phụ Lục I) trước ngày 15/3/2020 đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (đơn vị dự kiến thụ hưởng kết quả nghiên cứu) để các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét đề xuất đặt hàng nghiên cứu, đồng thời gửi Sở Khoa học và Công nghệ để theo dõi.
3. Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, hoàn thiện đề xuất đặt hàng, ký duyệt và gửi đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ NCKH- PTCN năm 2020 theo mẫu Phụ Lục I (chọn một trong các mẫu: Mẫu A1.ĐXĐH-ĐT/ĐA; Mẫu A2.ĐXĐH-DASXTN; Mẫu A3.ĐXĐH-DAKHCN) đến Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 31/3/2020.
4. Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, trình hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh xem xét.
5. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và thông báo tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN
6. Danh mục nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh được đăng tải tại cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Dương (www.binhduong.gov.vn) và Sở Khoa học Công nghệ (www.sokhcn.binhduong.gov.vn) trong vòng 03 ngày làm việc sau khi có Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
(Lưu ý: Ngoài thời gian quy định về việc gửi đề xuất, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ NCKH&PTCN nêu trên, tổ chức, cá nhân có thể gửi để xuất, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ NCKH&PTCN trong mọi thời điểm, định kỳ mỗi quý Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét giải quyết, trừ trường hợp các nhiệm vụ cấp thiết sẽ xem xét xử lý ngay).
II. Nội dung định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh năm 2020
* Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội; Nghiên cứu các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nội dung các Nghị quyết của Đảng về xã hội, con người, công tác giáo dục, văn hóa, dân tộc; Nghiên cứu các vấn đề về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
* Lĩnh vực Giáo dục đào tạo – Giáo dục nghề nghiệp: Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ trong dạy học và quản lý giáo dục. Triển khai nhân rộng ứng dụng các mô hình, phương pháp giáo dục mới trong giai đoạn hiện nay: Giáo dục Stem/Steam; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp 4.0, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
* Lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ: Tiếp tục nghiên cứu khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đưa công nghệ cao, công nghệ tự động hoá, công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất và dịch vụ; Công nghiệp cơ khí, điện tử, sản xuất vật liệu mới, ngành công nghiệp khác phù hợp quy hoạch và lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000,…), áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, phát triển thương mại điện tử.
* Lĩnh vực y tế: Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các phương pháp y học hiện đại, y học cổ truyền, kết hợp y học hiện đại và cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và dự phòng. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế; Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược phục vụ công nghiệp bào chế thuốc; Nghiên cứng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc chữa bệnh, sinh phẩm y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
* Lĩnh vực Nông nghiệp – Phát triển nông thôn: Triển khai, nhân rộng thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống; mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm, nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp… Chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt quan tâm các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương. Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản và trong công nghệ bảo quản, chế biến nông – lâm – thuỷ sản; Ứng dụng công nghệ sinh học và các chế phẩm sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, các làng nghề; Nghiên cứu phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả các khu nông nghiệp công nghệ cao.
* Lĩnh vực Tài nguyên, bảo vệ môi trường: Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu các tác động đến môi trường; Nghiên cứu biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, chế biến khoáng sản;…Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa trên địa tỉnh Bình Dương”.
* Lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông: Nghiên cứu phát triển các giải pháp xây dựng và ứng dụng phần mềm nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là các hệ thống tích hợp dữ liệu, thông tin, tri thức và các hệ thống thông minh cho các lĩnh vực chính quyền điện tử, thương mại điện tử; Xây dựng chính quyền điện tử, tích hợp, chia sẻ thông tin để phục vụ cho công tác quản lý của các ngành, địa phương.
* Lĩnh vực Giao thông, xây dựng: Nghiên cứu triển khai, tiếp nhận, làm chủ các công nghệ mới, tiên tiến trong thi công, bảo trì, bảo dưỡng các công trình giao thông. Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình giao thông. Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ách tắc giao thông. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải; xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông; Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, kiểm soát tải trọng. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng và đảm bảo môi trường. Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo thiết bị chiếu sáng đô thị, tiết kiệm năng lượng.
* Lĩnh vực Quốc phòng – An ninh: Nghiên cứu và tìm ra giải pháp đảm bảo ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn; Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý, tác chiến.
* Xây dựng thành phố thông minh Bình Dương: Nghiên cứu giải pháp về khoa học và công nghệ để xây dựng và phát triển hướng đến một thành phố thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm chi phí tiêu thụ tài nguyên, cải thiện sự giao tiếp và tương tác giữa người dân và chính quyền…
III. Hồ sơ đề xuất đặt hàng nhiệm vụ NCKH-PTCN cấp tỉnh
Hồ sơ đề xuất đặt hàng nhiệm vụ NCKH-PTCN cấp tỉnh được gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Sở Khoa học và Công nghệ. Số lượng hồ sơ: 01 bộ, hồ sơ bao gồm:
Phiếu đề xuất đặt hàng (thực hiện 01 trong 03 mẫu sau – Theo Phụ Lục I):
– Đề tài hoặc đề án khoa học theo Mẫu A1.ĐXĐH-ĐT/ĐA;
– Dự án theo Mẫu A2.ĐXĐH-DASXTN;
– Dự án khoa học và công nghệ theo Mẫu A3.ĐXĐH-DAKHCN.
Biểu mẫu Quý đơn vị tải về từ địa chỉ http://www.sokhcnbinhduong.gov.vn → Văn bản trọng tâm → Hướng dẫn thực hiện số 05/HD-SKHCN ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quy định Quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hồ sơ đề xuất đặt hàng nhiệm vụ NCKH-PTCN gửi về:
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ, Quầy 11, Tháp B, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Thông tin chi tiết xin liên hệ
Phòng Quản lý khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Điện thoại: (0274) 382 5533; Fax: (0274) 382 4421
Email: quanlykhoahoc.skhcn@binhduong.gov.vn
Website: www.sokhcn.binhduong.gov.vn
Rất mong nhận được sự tham gia đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất đặt hàng nhiệm vụ NCKH-PTCN của Quý đơn vị.
Phòng Quản lý khoa học HIU trân trọng thông báo.