Cập nhật lần cuối vào 17/06/2020
Phòng Quản lý Khoa học trân trọng thông báo đến Quý Thầy/Cô: Thông báo kêu gọi đề xuất nhiệm vụ/đề tài khoa học và công nghệ theo nghị định thư giữa Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới Quốc gia Hungary của Bộ Khoa học và Công nghệ trong ngày 29/11/2019, như sau:
Thông báo kêu gọi đề xuất nhiệm vụ/đề tài khoa học và công nghệ theo nghị định thư giữa Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới Quốc gia Hungary
Hạn nộp đề xuất: Thứ Sáu, ngày 14 tháng 2 năm 2020.
1. Giới thiệu chung
Trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Hungary và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết tại Hà Nội ngày 20 tháng 7 năm 2005; Căn cứ Biên bản khóa họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – Hungary ký ngày 26 tháng 11 năm 2019; và trên cơ sở kết quả của Chương trình hợp tác nghiên cứu năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST) và Cơ quan Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới Quốc gia Hungary (NRDIO), sau đây gọi là “các Bên”, cùng ra Thông báo năm 2019 kêu gọi các đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác về khoa học và nghiên cứu giữa Hungary và Việt Nam.
Thời gian dự kiến bắt đầu cấp kinh phí: 2021.
Thời gian thực hiện nhiệm vụ/đề tài: tối đa 3 năm.
Tối đa 04 đề xuất sẽ được tài trợ. Số lượng đề xuất cuối cùng sẽ phụ thuộc vào sự phù hợp của các đề xuất, sự nhất trí của các Bên, và ngân sách được cấp hàng năm.
2. Lĩnh vực hợp tác
MOST và NRDIO thông báo kêu gọi các đề xuất nghiên cứu chung trong các lĩnh vực sau:
– Nông nghiệp và thực phẩm.
– Công nghệ thông tin và truyền thông.
– Năng lượng.
– Tự động hóa.
– Công nghệ sinh học.
– Quản lý nước và môi trường.
– Y tế và công nghiệp dược phẩm.
– Khoa học vật liệu.
– Công nghệ công nghiệp 4.0.
Các đề xuất nghiên cứu thuộc lĩnh vực khác sẽ không được xem xét.
3. Sự hợp lệ
Mỗi đề xuất phải được nộp đồng thời cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng phía Hungary và Việt Nam. Đề xuất chỉ nộp cho một phía (MOST hoặc NRDIO) sẽ không được xem xét. Hồ sơ đề xuất phải đầy đủ theo yêu cầu.
● Đối với Hungary: Thông báo kêu gọi này mở đối với các cơ sở/doanh nghiệp nghiên cứu công lập và ngoài công lập có các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và/hoặc phát triển công nghệ trong các lĩnh vực nêu trên, có trụ sở tại Hungary và tuân thủ quy định pháp luật của Hungary.
● Đối với Việt Nam: Thông báo kêu gọi này mở đối với các cơ sở/doanh nghiệp nghiên cứu công lập và ngoài công lập trong các lĩnh vực nêu trên, có trụ sở tại Việt Nam và tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
4. Yêu cầu cụ thể đối với đề xuất
Ngoài những đóng góp thiết thực trong lĩnh vực nghiên cứu, các đề xuất cũng cần hướng tới việc tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ giữa hai nước và được hưởng lợi từ hoạt động hợp tác song phương này, có tính bền vững và lâu dài.
– Đề cương đề xuất phải được viết bằng tiếng Việt (theo mẫu tại Thông tư số 12/2014/TT-BKHCN) và có đủ chữ ký và dấu của các bên liên quan.
– Nhiệm vụ/đề tài phải có thời gian thực hiện tương đương ở cả hai nước. Thời gian thực hiện tối đa là ba (03) năm.
– Công văn do lãnh đạo cấp bộ hoặc tương đương ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cho thực hiện nhiệm vụ/đề tài KH&CN theo Nghị định thư hợp tác với Hungary.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức hội đồng xác định nhiệm vụ để đánh giá đề cương đề xuất. Nếu đề cương được đánh giá tốt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ yêu cầu nộp hồ sơ chi tiết, bao gồm các tài liệu chính sau:
– Thuyết minh chi tiết nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư theo Mẫu 3, Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư.
– Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị tham gia nhiệm vụ/đề tài phía Việt Nam, có đủ chữ ký của tất cả các đối tác tham gia và cơ quan chủ trì.
– Thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác Hungary và Việt Nam (bằng tiếng Anh kèm theo bản dịch tiếng Việt (có công chứng)).
Các yêu cầu tối thiểu cho Thỏa thuận hợp tác với các đối tác Hungary như sau:
– Tên nhiệm vụ/đề tài.
– Tên của tất cả các đối tác tham gia.
– Mô tả mục tiêu, nội dung nghiên cứu chính, kết hoạch hợp tác, dự kiến nguồn nhân lực thực hiện, phân công nhiệm vụ giữa các đối tác Hungary và Việt Nam, kết quả dự kiến và dự trù kinh phí, nguyên tắc cơ bản của việc cùng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chia sẻ lợi ích.
Đề xuất chung có đủ chữ ký của các đối tác Hungary và Việt Nam được coi là một phần của Thỏa thuận hợp tác.
Ngoài ra còn một số tài liệu hành chính khác.
Thông tin chi tiết về hồ sơ đầy đủ được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn).
5. Đánh giá và lựa chọn
Sau khi kết thúc Thông báo Kêu gọi, tất cả đề xuất sẽ được cả hai Bên kiểm tra về sự hợp lệ. Chỉ các đề xuất được cả hai Bên đánh giá là hợp lệ và thống nhất mới tiếp tục đưa ra xem xét và đánh giá ở các bước tiếp theo.
Các đề xuất hợp lệ sẽ tiếp tục được đánh giá theo các quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BKHCN ngày 30 tháng 5 năm 2014 về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.
Các đề xuất sẽ được xem xét, đánh giá theo các tiêu chí sau:
– Sự phù hợp với chính sách tài trợ quốc gia;
– Nội dung khoa học của nhiệm vụ/đề tài nghiên cứu;
– Phương pháp luận và tư liệu tổng quan;
– Năng lực của nhóm nghiên cứu;
– Giá trị gia tăng của hoạt động hợp tác song phương;
– Giá trị gia tăng trong việc giải quyết những nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội;
– Ứng dụng và tác động của kết quả nghiên cứu;
– Sự thích hợp của phạm vi nghiên cứu và cấu trúc nhiệm vụ/đề tài, chất lượng và sự chặt chẽ về phân bổ thời gian, kế hoạch công việc và sử dụng kinh phí cũng như sự phân công công việc giữa các bên tham gia.
6. Kinh phí
Các nhiệm vụ nghiên cứu chung trong chương trình này phải được hai Bên cùng tài trợ. Kinh phí sẽ chỉ được cấp cho các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học Việt Nam và Hungary. Các chủ nhiệm Việt Nam sẽ nhận kinh phí hỗ trợ từ MOST, trong khi các chủ nhiệm phía Hungary sẽ nhận kinh phí hỗ trợ từ NRDIO. Thủ tục tài trợ và mức kinh phí phải tuân thủ theo các quy định hiện hành của mỗi nước.
● Phía Hungary: Tổng ngân sách dành cho các nhiệm vụ/đề tài trong khuôn khổ Chương trình này là 200 triệu HUF. Mỗi nhiệm vụ/đề tài có thể được cấp kinh phí khoảng từ 20-50 triệu HUF.
● Phía Việt Nam: Mỗi đề xuất sẽ được hỗ trợ kinh phí từ 2-6 tỷ đồng. Các hồ sơ cuối cùng sẽ được yêu cầu nộp dự toán kinh phí chi tiết để thẩm định về tài chính. Kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu của phía Việt Nam có thể bao gồm:
– Công lao động;
– Nguyên vật liệu và năng lượng;
– Trang thiết bị nhỏ;
– Chi phí thuê chuyên gia quốc tế và trong nước;
– Chi phí cho các chuyến đi khảo sát thực địa, tập huấn trong nước, học tập và đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài (Hungary) có liên quan đến nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ;
– Hội nghị và hội thảo khoa học liên quan đến nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ;
– Các chi phí khác.
Các nhiệm vụ/đề tài được lựa chọn sẽ được hai Bên cùng cấp kinh phí trong khả năng ngân sách hàng năm.
7. Nộp hồ sơ đề xuất
Các chủ nhiệm nhiệm vụ/đề tài khoa học và công nghệ theo nghị định thư hợp tác với Hungary phải đảm bảo việc nộp hồ sơ đầy đủ, đúng hạn, đúng quy định.
Hồ sơ đề xuất nhiệm vụ/đề tài khoa học và công nghệ theo Nghị định thư hợp tác với Hungary được niêm phong trong phong bì dán kín, bìa ngoài ghi rõ “Hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư hợp tác với Hungary” và nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến địa chỉ: Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, trước 17 giờ 00 thứ Sáu ngày 14/2/2020.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Phía Hungary: Bà Anita Csiszar Vụ Hợp tác quốc tế Cơ quan Đổi mới, Phát triển và Nghiên cứu Quốc gia Hungary 1077 Budapest, Kéthly Anna tér 1 ĐT: +3617959363 E-mail: anita.csiszar@nkfih.gov.hu | Phía Việt Nam: Ông Nguyễn Hoàng Anh Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội. ĐT: +(84-4) 39435376 E-mail: nhanh@most.gov.vn |
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế
Phòng Quản lý Khoa học – Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) – trân trọng thông báo