Nghe và các kiểu nghe


Cập nhật lần cuối vào 29/07/2021

TS. Đỗ Mạnh Cường, Trường ĐHQT Hồng Bàng – 29 tháng Bảy, 2021

Nếu chất lượng nghe ảnh hướng nhiều như thế đến sự thành công trong công việc, đời sống cá nhân thì tại sao không tìm cách làm cho nó tốt hơn? Làm sao để nghe tốt hơn, hiệu quả hơn? Điều này càng cần thiết với nhà giáo, là người có nhiệm vụ giúp sinh viên hình thành năng lực nghe.

Theo một số nghiên cứu, dù cố gắng lắng nghe, người ta chỉ nhớ được 50% những gì đã nghe thấy,và hai ngày sau đó chỉ còn nhớ được 25%. (DeWine & Daniels, 1993; Stiel, Baker, & Watson, 1983).

Tệ hơn nữa, mọi người đều có kinh nghiệm ít nhất một lần nào đó, tham dự hội nghị, hội thảo, họp, giờ học.v.v. mà khi ra về trong đầu không có chút khái niệm nào về những gì đã được trình bày. Điều này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống, học tập, làm việc sẽ không chỉ gây lãng phí thời gian, mà còn khiến cho nhiệt tâm với công việc bị suy giảm, ảnh hưởng đến tác phong, phong cách làm việc của cá nhân.

Tuy nhiên, người ta cũng đồng thời kinh nghiệm điều này, nhiều khi dù đã rất cố gắng lắng nghe, nhưng vẫn không thể hiểu đúng, hiểu hết những gì được giới thiệu, hướng dẫn. Nếu điều này cũng lặp lại nhiều lần trong cùng một lĩnh vực, người nghe sẽ mất hứng thú với chủ đề mà họ vốn rất quan tâm, thậm chí mất tự tin về khả năng của bản thân.

Nếu chất lượng nghe ảnh hướng nhiều như thế đến sự thành công trong công việc, đời sống cá nhân thì tại sao không tìm cách làm cho nó tốt hơn? Làm sao để nghe tốt hơn, hiệu quả hơn? Điều này càng cần thiết với nhà giáo, là người có nhiệm vụ giúp sinh viên hình thành năng lực nghe.

Nghe là gì? Nghe có vai trò quan trọng thế nào trong giao tiếp xã hội? Có bao nhiêu dạng nghe? Bao nhiêu mức độ nghe? Làm sao để nghe hiệu quả? Những chiến lược nào giúp nâng cao kỹ năng nghe? Đó là nội dung sẽ được trình bày trong những phần kế tiếp.

Nguồn: iSchool Sóc Trăng

Nghe thấy và lắng nghe

Nghe/Lắng nghe (listening) và nghe thấy (hearing) là hai khái niệm khác nhau. Nghe thấy là quá trình sinh lý, còn Lắng nghe/Nghe (sau này gọi chung là nghe) là quá trình tâm lý. Như một chức năng sinh lý, khi có âm thanh tác động đến thính giác, tất yếu chúng ta sẽ nghe thấy cho dù có muốn hay không (trừ khi bị khiếm thính). Nhưng lắng nghe chỉ diễn ra khi ta quan tâm đến những gì nghe được.

Có thể nghe thấy mà vẫn là không nghe, tuy nhiên, để nghe, trước hết phải nghe thấy. Trở ngại chính đối với việc nghe thấy là các yếu tố vật lý, trong khi trở ngại chính với việc lắng nghe là các yếu tố tâm lý. Bởi vậy câu nói “ai có tai để nghe thì nghe”* hàm ý diễn đạt người ta cần có hai điều kiện để hiểu: không bị điếc về thể lý (nghe thấy) và không bị điếc về tâm lý (muốn/lắng nghe).

Như thế, nghe thấy là điều kiện cần của nghe. Kỹ năng nghe có vai trò rất quan trọng trong đời sống, vì người ta dùng phần lớn thời gian giao tiếp để nghe – nói.

Người ta giao tiếp qua nói, nghe, đọc và viết. Các nghiên cứu của Watson & Barker (1984) cho biết, trong giao tiếp thời gian dùng để nghe nhiều hơn tất cả các hình thức khác cộng lại: 55% nghe, 24% nói, 13% đọc và 8 % viết. Nếu cộng lại thì nghe – nói chiếm gần 80% (chính xác là 79%) thời gian giao tiếp. Theo Coakley &Wolvin (1991) thì ở đại học, khoảng 90% thời gian trên lớp của sinh viên là để nghe và những sinh viên biết lắng nghe sẽ học tốt hơn, và đạt kết quả cao hơn (Barker, edwards, Gaines & Holley, 1980; Hunsaker, 1991; Legge, 1971).

Các kiểu nghe

Hiệu quả nghe phụ thuộc rất nhiều vào mục đích của người nghe. Theo mục đích nghe, Wolvin và Coakley (1992) chia thành 5 kiểu nghe khác nhau: phân biệt, hiểu, thưởng thức, thấu cảm, phê phán. Vì vậy, trước hết cần xem xét mục đích, sau đó chọn kiểu nghe thích hợp nhất với tình huống cụ thể.

Nghe phân biệt: Là nghe để nhận ra thông điệp thực sự mà người nói muốn truyền đạt. Thông điệp được diễn đạt theo nhiều cách nói khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp (nói bóng, nói ý). Cũng có khi lời nói được bổ sung bằng những thông tin kèm theo như: cử chỉ, thái độ.v.v.

Để nghe phân biệt, cần luôn liên kết những thông tin đang tiếp nhận với chủ đề đang được trình bày. Đồng thời, nếu người nghe hiểu người thuyết trình (về văn phong, cung cách trình bày, thói quen văn hoá) thì khả năng nghe phân biệt của họ càng tốt.

Khả năng nghe phân biệt tốt là điều kiện đầu tiên để có năng lực nghe tốt. Nghe phân biệt được coi là tốt khi có thể nhận ra/lặp lại chính xác thông điệp của người nói mà không thêm thắt hay bỏ bớt bất cứ điều gì từ người nói.

Nghe hiểu: Là nghe để hiểu. Nghe hiểu diễn ra khi mục đích của người nghe là thu nhận và nhớ kiến thức. Khi nghe hiểu, người nghe tập trung để cố gắng hiểu đúng bản chất của thông điệp.

Nghe hiểu diễn ra thường xuyên hàng ngày trong đời sống và công việc. Ví dụ, nghe hiểu trong hội thảo, họp, hội nghị, nghe giảng bài trên lớp. Trong cuộc sống thường ngày nghe hiểu khi trao đổi (đối thoại) với người thân, bạn bè, đối tác, đồng nghiệp.v.v. là điều thiết yếu để có cuộc sống bình an, hạnh phúc, để công việc đạt hiệu quả.

Nghe thưởng thức: là nghe theo sở thích để thoả mãn nhu cầu thưởng thức về một chủ đề, một lĩnh vực, một tác phẩm nào đó (Wolcin & Coakley, 1992). Nghe thưởng thức thường là nghe có chọn lọc. Nếu người nghe thích nhạc cổ điển, rock hay pop thì khi mở máy thu thanh (radio) họ sẽ chọn chưong trình tương ứng để nghe. Người ta cũng có thể nghe thưởng thức những bài thuyết trình của một ai đó, vì thích phong cách trình bày, lối nói của người đó. Trong một chừng mực nào đó, nghe thưởng thức có lợi điểm là làm tăng hiệu quả nghe hiểu, ghi nhớ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nó làm giảm hiệu quả nghe. Ví dụ, nếu như người nghe quá tập trung để thưởng thức giọng nói, phong cách nói của diễn giả, thì nhiều khi họ chẳng nhớ được bao nhiêu nội dung của chính bài nói đó.

Nghe thấu cảm: là nghe để thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ người nói. Nghe thấu cảm diễn ra khi có một người nói với những người khác về vấn đề hay khó khăn gì đó mà người ấy gặp phải. Nghe thấu cảm thường diễn ra trong quan hệ giữa hai người hay giữa người nghe với một nhóm người thân cận, gần gũi. Các bác sĩ chuyên khoa, cố vấn, chuyên gia tư vấn tâm lý.v.v.là những người cần nghe thấu cảm với khách hàng.

Nghe thấu cảm đòi hỏi người nghe phải có sự nhạy cảm, có đáp ứng tâm lý tốt, vì trước hết họ phải phân biệt và hiểu được những gì đang nghe trước khi thấu cảm.

Nghe phê phán: là quá trình nghe để nhận định giá trị của thông điệp. Để nghe phê phán cần có khả năng hiểu và phân tích vấn đề. Nghe phê phán rất cần khi một ai đó muốn tham khảo ý kiến người nghe về một lĩnh vực nào đó. Trong học tập, nghe phê phán cũng rất cần khi người nghe muốn cố gắng học hỏi để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.

Trong nhà trường, nghe phê phán là cách nghe hiệu quả nhất khi giáo viên giảng bài. Tại sao? một nghiên cứu cho rằng, khi sinh viên chỉ nghe hiểu mà không bình luận hay phản ứng lại vấn đề sẽ mau quên sau khi học xong (Luiten, Ames & Ackerman, 1980).

Vì nghe phê phán đời hỏi nhiều thời gian và sự tập trung, nên thường thì không phải lúc nào cũng áp dụng nó được. Do đó, việc xác định tình huống và sử dụng kiểu nghe nào phù hợp với mục đích là một việc quan trọng. 

Các kiểu nghe nói trên tạo thành thang xác định mức độ nghe. Các mức độ nghe cũng đi từ: phân biệt (nhận ra) đến hiểu, tới thưởng thức, rồi thấu cảm và cuối cùng là phê phán. Nếu để ý rằng, để có thể thấu cảm/đồng cảm với người nói, thì người nghe cũng phải có các hoạt động phân tích thông điệp, hình dung khái quát về hoàn cảnh để có thể có cái nhìn đầy đủ về tình trạng của người nói. Như thế, có một sự tương đồng giữa thang mức độ nghe với thang nhận thức của Bloom.


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172