Nhằm phục vụ cho công tác quản lý ở các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố cũng như phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội hướng đến xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương, Sở Khoa học và Công nghệ xin Thông báo đến các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ để đề xuất đặt hàng, đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH-PTCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nội dung định hướng NCKH-PTCN cấp tỉnh năm 2021
1. Khoa học xã hội và nhân văn
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội.
Nghiên cứu các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nội dung trong các Nghị quyết của Đảng về ổn định xã hội, công tác giáo dục, văn hóa, dân tộc, an ninh – quốc phòng.
Nghiên cứu các vấn đề về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách về phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, trọng tâm về lao động, tiền lương, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, bảo hiểm xã hội…
Nghiên cứu các vấn đề về người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương: vấn đề nhà ở cho công nhân, vấn đề nhà trẻ; vấn đề an toàn thực phẩm; các vấn đề trong lĩnh vực y tế, giáo dục; xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người
lao động …
2. Giáo dục – đào tạo
Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của KHCN trong dạy học và quản lý giáo dục. Triển khai nhân rộng việc ứng dụng các sáng kiến kinh nghiệm.
3. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Nghiên cứu và phát triển các phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
4. Nông nghiệp
Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các loại giống mới chất lượng cao thích hợp với nông nghiệp đô thị; xây dựng các mô hình, quy trình sản xuất nông nghiệp đô thị, bền vững, an toàn với môi trường.
Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng một số loại cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP và gắn kết với thị trường tiêu thụ. Phát triển cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến cây có múi.
5. Tài nguyên, bảo vệ môi trường
Nghiên cứu ảnh hưởng của phát triển công nghiệp, phát triển đô thị đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, sức khỏe của nhân dân trong điều kiện hiện nay và dự đoán trong tương lai.
Nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới phục vụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
6. Công nghệ thông tin và truyền thông
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm từng bước xây dựng một chính quyền điện tử theo định hướng chung của tỉnh. Nghiên cứu đề xuất một khung kiến trúc công nghệ thông tin – truyền thông mang tính định hướng mở cho đô thị thông minh làm nền tảng cho sự phát triển các giải pháp về đô thị thông minh.
Nghiên cứu các nguy cơ từ an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin cũng như an toàn cho các hệ thống thông tin và các hệ thống tự động hóa, hệ thống giám sát, điều khiển trong các cơ sở hạ tầng, dữ liệu trọng yếu của tỉnh.
Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý kinh tế – xã hội.
7. Giao thông vận tải
Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ách tắc giao thông. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, kiểm soát tải trọng. Nghiên cứu các giải pháp tổ chức, quản lý giao thông vận tải hợp lý, khoa học, từng bước hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quy hoạch mạng lưới giao thông.
Nghiên cứu hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh.
8. Dịch vụ, kinh tế
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về chính sách liên quan đến mô hình tổ chức điều hành khi xây dựng thành phố thông minh, cơ chế chính sách, các giải pháp về mô hình thu hút tài chính, truyền thông và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nghiên cứu giải pháp về khoa học và công nghệ để xây dựng và phát triển hướng đến một thành phố thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm chi phí tiêu thụ tài nguyên, cải thiện sự giao tiếp và tương tác giữa người dân và chính quyền.
9. An ninh trật tự
Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn xã hội ở các khu vực trọng yếu trên địa bàn tỉnh như khu, cụm công nghiệp, địa bàn giáp ranh. Các vấn đề về tội phạm có tổ chức. Giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.
Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân nhập cư, các vấn đề về an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, các khu nhà trọ, các hành động tụ tập, biểu tình, lãn công gây khó khăn cho doanh nghiệp, đình đốn
sản xuất.
Hồ sơ đề xuất đặt hàng nhiệm vụ NCKH-PTCN gửi về:
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ, Quầy 11, Tháp B, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Thông tin chi tiết xin liên hệ:
Phòng Quản lý khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Điện thoại: (0274) 3825533; FAX: (0274) 3824421
Email : quanlykhoahoc.skhcn@binhduong.gov.vn
Website: www.sokhcn.binhduong.gov.vn
Sở Khoa học và Công nghệ rất mong nhận được các đề xuất đặt hàng, đề xuất nhiệm vụ NCKH-PTCN của Quý đơn vị.
Xem thêm thông báo đầy đủ tại: Thông báo đề xuất đặt hàng Phòng QLKH- Sở KH-CN Tỉnh Bình Dương