Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) thông báo về việc mời tham gia đăng ký thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là nhiệm vụ) tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Đầu tư từ ngân sách Thành phố cho KH&CN đạt trên 2% tổng chi ngân sách Thành phố, trong đó phấn đấu nâng tỉ lệ dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt 30%.
2. Tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ KH&CN đạt trên 70%; ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%.
3. Tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt 50% so với cả nước.
II. NỘI DUNG
1. Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ Đô thị thông minh và chuyển đổi số
a) Mục tiêu
Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ và xây dựng các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ phục vụ Đề án Đô thị thông minh và Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố. Tập trung nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, mô hình, nền tảng số phục vụ công tác quản trị, điều hành lĩnh vực công, lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác.
b) Các nội dung nghiên cứu ưu tiên
– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng mô hình, giải pháp, công nghệ để thu thập và cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản trị, điều hành, lập kế hoạch, quy hoạch, dự báo… phục vụ hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính – quản trị, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, môi trường và một số lĩnh vực khác.
– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các giải pháp, công nghệ, mô hình hỗ trợ phát triển các nền tảng số phục vụ các ngành công nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ công tác quản trị – điều hành và thực hiện mô hình tăng trưởng mới.
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội.
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng giải pháp, công nghệ và triển khai áp dụng mô hình quản lý sản xuất thông minh cho các ngành công nghiệp.
– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ và triển khai áp dụng thử nghiệm mô hình.
2. Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp
a) Mục tiêu
Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm tiềm năng của Thành phố.
b) Các nội dung nghiên cứu ưu tiên
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, giải pháp hỗ trợ các ngành công nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm và triển khai áp dụng thử nghiệm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, giải pháp hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
– Nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao; đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; có giá trị gia tăng cao; có khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; thân thiện môi trường; có vai trò thúc đẩy phát triển ngành.
– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, mô hình, công nghệ, vật liệu mới nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
3. Chương trình Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe
a) Mục tiêu
Phát triển và ứng dụng các kỹ thuật, giải pháp, quy trình khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Y – Dược, tạo ra các sản phẩm để nâng cao chất lượng dự phòng, chẩn đoán, điều trị và nâng cao sức khỏe và phòng chống dịch Covid-19.
b) Các nội dung nghiên cứu ưu tiên
– Y học lâm sàng – cận lâm sàng
+ Nghiên cứu phát triển công nghệ y – sinh học nhằm tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực;
+ Nghiên cứu phương pháp, kỹ thuật chuẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng kỹ thuật mới trong tầm soát, chẩn đoán (chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, sinh học phân tử, công nghệ sinh học,…) và trong điều trị (vi phẫu thuật, phẫu thuật bằng robot, ứng dụng laser, tế bào gốc);
+ Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Blockchain và các công nghệ khác phục vụ công tác chẩn đón và điều trị;
+ Nghiên cứu kết hợp Đông Tây y trong phục hồi chức năng và điều trị bệnh mãn tính.
– Y học dự phòng: Nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu quả dự phòng.
– Y học cộng đồng
+ Nghiên cứu giải pháp phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng,…; Nghiên cứu tình hình và dự báo tiến triển các bệnh mãn tính không lây (tim mạch, đái tháo đường…) và đề xuất các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu sự gia tăng bệnh; Xác định “Chỉ số sức khỏe và bệnh tật” của người dân thành phố; Nghiên cứu nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống ở người già;
+ Nghiên cứu các chiến lược và giải pháp thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt ưu tiên nghiên cứu phát triển mạng lưới thầy thuốc gia đình;
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ và giải pháp nâng cao sức khỏe, an toàn – vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất;
+ Nghiên cứu đánh giá tác động của thay đổi khí hậu lên sức khoẻ người dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng nặng;
+ Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến, đóng gói… nhằm nâng cao công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Y tế thông minh
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, giải pháp, mô hình y tế thông minh trong quản lý mạng lưới các cơ sở chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám – chữa bệnh; quản lý và sử dụng dược phẩm, trang thiết bị y tế… và nâng cao năng lực khám, chữa bệnh.
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong chiết xuất, bào chế và sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu trong nước;
+ Nghiên cứu phát triển thuốc mang tên gốc thay thế dược phẩm ngoại nhập;
+ Nghiên cứu xây dựng và chuẩn hoá các mô hình dược lý tế bào, dược lý phân tử và nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật – công nghệ mới trong phân tích, kiểm nghiệm phục vụ sản xuất dược phẩm.
– Phát triển công nghiệp Dược: Nghiên cứu phát triển, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ in 3D hỗ trợ sản xuất linh kiện thay thế, cấy ghép, tái tạo trong y học.
4. Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
a) Mục tiêu
Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và phát triển giống cây, giống con.
b) Các nội dung nghiên cứu ưu tiên
– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra giống cây trồng chất lượng, có năng suất lớn và mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây của khu vực.
– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra giống vật nuôi chất lượng, có năng suất lớn và mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành trung tâm giống con của khu vực;
– Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi có giá trị.
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ và triển áp dụng khai thử nghiệm trong chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới từ nông sản, chế biến các sản phẩm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, chủ động và thích ứng tốt trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế;
– Nghiên cứu phát triển các sản phẩm thuốc, chế phẩm sinh học, kit chẩn đoán bệnh phục vụ công tác kiểm soát, khống chế, điều trị dịch bệnh trong nuôi, trồng.
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong bảo tồn nguồn gen, nhân giống nhằm bảo tồn và phát triển các giống loài bản địa, đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế.
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, giải pháp, mô hình theo hướng công nghiệp 4.0 và triển khai áp dụng thử nghiệm trong các khâu trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững.
5. Chương trình Nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị
a) Mục tiêu
Nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tập trung nghiên cứu các mô hình, giải pháp tạo ra động lực mới cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Thành phố.
b) Các nội dung nghiên cứu ưu tiên
– Kinh tế
+ Nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách, dịch vụ công, mô hình tổ chức quản lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản trị công; nghiên cứu mô hình, cơ chế, chính sách chuyển dịch kinh tế, phát triển kinh tế số… để tạo ra động lực mới cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế;
+ Nghiên cứu triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực cụ thể và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển;
+ Nghiên cứu các mô hình xã hội hóa, hợp tác công tư thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển kinh tế – xã hội;
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng các mô hình phân tích, khai thác dữ liệu nâng cao năng lực quản trị, quy hoạch và dự báo phát triển kinh tế.
– Con người – văn hóa – xã hội đô thị
+ Nghiên cứu các vấn đề về xã hội đô thị, quản lý đô thị, văn hóa đô thị, con người và gia đình đô thị và xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách quản trị – phát triển; các vấn đề về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội;
+ Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới và áp dụng thử nghiệm trong giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
– Dân số và phát triển
+ Nghiên cứu toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số và quan hệ, tác động của dân số với phát triển kinh tế – xã hội phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội Thành phố và quản lý điều hành công tác dân số;
+ Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu chuyên ngành dân số và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
– Bảo vệ môi trường
+ Nghiên cứu công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường; Nghiên cứu nhằm hỗ trợ tăng sản lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí trong sản xuất túi, bao bì thân thiện môi trường;
+ Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong công tác: phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn Thành phố;
+ Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất vật liệu thân thiện môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh; mô hình kinh tế tuần hoàn chất thải nhựa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…;
+ Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế phát triển bền vững, chính sách phải đáp ứng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố;
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ trong quan trắc và bảo vệ môi trường.
– Phát triển vật liệu xây dựng mới
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới thay thế vật liệu xây dựng truyền thống, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường thay thế cát sử dụng trong xây dựng và thay thế cát san lấp;
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh…
– Ứng phó biến đổi khí hậu
+ Nghiên cứu các giải pháp và công nghệ ứng dụng nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu truyền thống nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng;
+ Nghiên cứu xây dựng được các phương án di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi những vùng bị ảnh hưởng dưới tác động của biến đổi khí hậu;
+ Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp nhằm giải phát thải khí nhà kính;
+ Nghiên cứu thiết kế và áp dụng thành công nhà ở thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể tái sử dụng, tái cơ cấu hoặc tái chế các nguồn tài nguyên đã sử dụng.
– Thủy lợi
+ Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo diễn biến nguồn nước, chất lượng nước, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển đê phục vụ hoạt động thủy lợi;
+ Triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước, cấp nước sinh hoạt, tái sử dụng nước và tiêu, thoát nước;
+ Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, cấu kiện mới và công nghệ hiện đại trong xây dựng công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ quan và cảnh quan công trình;
+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát biến động đường bờ và xây dựng dữ liệu phục vụ tìm kiếm cứu nạn, csdứu hộ, phòng chống thiên tai.
6. Các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các Chương trình/Kế hoạch do Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt (danh mục đính kèm)
III. ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ HỒ SƠ
1. Đối tượng đăng ký
Tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trường, viện, tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học và công nghệ. Riêng đối với nhiệm vụ theo hình thức đề án khoa học, tổ chức chủ trì có thể là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
2. Điều kiện đăng ký tham gia
Tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ và cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm nhiệm vụ không vi phạm các quy định tại Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ được ban hành tại Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (chi tiết http://www.dost.hochiminhcity.gov.vn/pages/vb-phap-luat.aspx).
3. Yêu cầu sản phẩm cần đạt
– Phục vụ cho khu vực công của Thành phố; phục vụ cho cộng đồng người dân Thành phố; phục vụ nhóm doanh nghiệp của Thành phố; phục vụ chương trình sản phẩm chủ lực của Thành phố.
– Mang tính đột phá so với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai.
– Góp phần phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp ứng dụng tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
4. Điều kiện xem xét cấp kinh phí
a) Hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí: nhiệm vụ góp phần phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp ứng dụng tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
b) Hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí: nhiệm vụ góp phần phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố và đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
– Có sản phẩm phục vụ chương trình sản phẩm chủ lực của Thành phố;
– Có sự hợp tác quốc tế để thực hiện nhiệm vụ;
– Nhiệm vụ do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện.
c) Cấp tối đa đến 100% tổng kinh phí: nhiệm vụ phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
– Nhiệm vụ có sản phẩm cụ thể theo đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ;
– Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá đạt từ 80/100 điểm trở lên và có sản phẩm đáp ứng một trong các tiêu chí: phục vụ cho khu vực công của Thành phố; phục vụ cho cộng đồng người dân Thành phố; phục vụ nhóm doanh nghiệp của Thành phố; sản phẩm mang tính đột phá so với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai.
IV. CÁCH THỨC ĐĂNG KÝ HỒ SƠ
1. Thành phần hồ sơ
– Thuyết minh nhiệm vụ (Mẫu A1-TMNCKHCN hoặc mẫu A2-TMNVKHXHNV); Thuyết minh dự án sản xuất thử nghiệm (mẫu A3-TMDASXTN); Thuyết minh Đề án khoa học (mẫu A4- TMĐAKH);
– Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ (Mẫu A5-LLTC);
– Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm và các cộng tác viên tham gia nhiệm vụ (Mẫu A6-LLKH);
– Văn bản cam kết ứng dụng kết quả nghiên cứu/cam kết đồng đầu tư kinh phí thực hiện nhiệm vụ (nếu có).
Các mẫu biểu vui lòng tham khảo trên trang thông tin điện tử của Sở KH&CN tại địa chỉ: https://dost.hochiminhcity.gov.vn/thu-tuc-hanh-chinh/thu-tuc-tuyen-chon-giao-truc-tiep-to-chuc-ca-nhan-chu-tri-thuc-hien-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe/
2. Cách thức đăng ký hồ sơ
– Thời gian tiếp nhận hồ sơ: liên tục trong năm kể từ ngày đăng Thông báo.
– Thành phần hồ sơ: theo Mục IV.1 của Thông báo này.
– Cách thức nộp hồ sơ: Các tài liệu gửi theo dạng tập tin pdf, không đặt mật khẩu và phải được ký tên, đóng dấu xác nhận của tổ chức đăng ký thực hiện. Hồ sơ nộp trực tuyến trên dịch vụ công của Sở KH&CN (theo địa chỉ https://dvc-dost.hochiminhcity.gov.vn).
3. Thời gian thẩm định hồ sơ
– Giai đoạn 1: tháng 3/2023 đối với các hồ sơ nộp đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2023.
– Giai đoạn 2: tháng 7/2023 đối với các hồ sơ nộp đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2023.
Đối với các hồ sơ nhận từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến 31 tháng 12 năm 2023: sẽ được thẩm định vào Quý I/2024.
V. THÔNG TIN LIÊN HỆ
– Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM.
– Địa chỉ: số 244 đường Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM.
– Website: www.dost.hochiminhcity.gov.vn.
– Điện thoại: 028.39322147 hoặc 028.39325883 (Phòng Quản lý Khoa học)./.
Tài liệu đính kèm:
469_TB_Dat_hang_nhiem_vu_theo_dinh_huong.pdf |