Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 25/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 24/11/2020 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch số 1847-KH/BCSĐ ngày 09/02/2021 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Nhằm nắm bắt các thông tin cần thiết về nhu cầu của các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương về các giải pháp khoa học và công nghệ cần triển khai trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo đến các Sở, ban, ngành, địa phương; các trường Đại học và Cao đẳng, các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các tổ chức và cá nhân tham gia đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (sau đây gọi là đề tài) và dự án sản xuất thử nghiệm (sau đây gọi là dự án) với các nội dung sau:
I.Căn cứ để xây dựng đề xuất, đặt hàng
– Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
– Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 25/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025;
– Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 24/11/2020 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025;
– Kế hoạch số 1847-KH/BCSĐ ngày 09/02/2021 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025;
– Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/07/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2021, định hướng đến năm 2025;
– Kế hoạch hành động số 111/KH-UBND ngày 29/7/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch hành động số 111/KH – UBND ngày 29/7/2021 của UBND tỉnh;
– Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023;
– Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 16/03/2023 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc phê duyệt đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”;
– Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
– Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ngành, địa phương, đơn vị;
– Các yêu cầu, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh;
– Những vấn đề bức xúc, các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trọng điểm có tính đặc thù của ngành, địa phương cần có sự tham gia, đóng góp của khoa học và công nghệ để giải quyết.
II. Nguyên tắc xây dựng đề xuất, đặt hàng
Đáp ứng các nguyên tắc xây dựng đề xuất đặt hàng quy định tại Điều 4, Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh V/v xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cụ thể như sau:
1. Có đủ căn cứ về tính cấp thiết và triển vọng đóng góp của các kết quả tạo ra vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.
2. Đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau đây:
a) Có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội trong phạm vi tỉnh;
b) Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ trong phạm vi tỉnh;
c) Có tính khả thi trong triển khai thực hiện đề tài, dự án.
d) Không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện.
e) Có sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.
3. Có địa chỉ ứng dụng cho các kết quả chính được tạo ra và được lãnh đạo các Sở, ban, ngành và các ủy ban nhân dân huyện, thành phố cam kết sử dụng kết quả tạo ra khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hoàn thành. Tổ chức, cơ quan ứng dụng kết quả dự kiến có đủ uy tín và năng lực để tiếp nhận và triển khai một cách hiệu quả sản phẩm tạo ra.
4. Có yêu cầu thời gian (tính từ thời điểm đặt hàng đến thời điểm có kết quả) phù hợp để bảo đảm tính khả thi cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
III. Định hướng nhiệm vụ phát triển Khoa học và Công nghệ các ngành, lĩnh vực
1. Khoa học xã hội và nhân văn
– Tăng cường nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa: về vùng đất, con người và truyền thống lịch sử của Bà Rịa – Vũng Tàu; bảo vệ, tôn vinh và phát huy chọn lọc, khai thác tiềm năng các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
– Nghiên cứu những vấn đề nổi bật về kinh tế – xã hội: các thế mạnh về kinh tế, vấn đề an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo, công tác xây dựng Đảng … ở tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tổng kết thực tiễn và đề xuất chính sách, công cụ để quản lý, phát triển kinh tế –xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
– Nghiên cứu đổi mới, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đánh giá việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ.
– Nghiên cứu tác động của hội nhập, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Xây dựng và phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
– Nghiên cứu, tham mưu bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ; khuyến khích phát triển, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về công tác tại tỉnh, nhất là trong các doanh nghiệp.
2. Khoa học và công nghệ biển
– Xây dựng tiềm lực và hệ thống khoa học và công nghệ về biển; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng về biển, các giải pháp khoa học và công nghệ mới, tiên tiến phục vụ công tác khảo sát điều tra cơ bản về tài nguyên biển và ven bờ, hải đảo, dự báo và cảnh báo môi trường biển phục vụ phòng chống ô nhiễm biển, phòng tránh thiên tai, bảo tồn tài nguyên biển, đa dạng sinh học biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biển của tỉnh.
– Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý xói lở bờ biển và cảnh báo các ao xoáy tại các bãi tắm du lịch.
3. Công nghệ thông tin và truyền thông
– Tăng cường tiếp cận, triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là chuyển đổi số.
– Xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông và Internet.
– Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cốt lõi như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR)… để thúc đẩy và phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
– Nghiên cứu các nguy cơ từ an ninh mạng, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng, ứng phó các thách thức từ không gian mạng; chuyển giiao và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật an toàn, an ninh mạng.
– Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý không gian các hoạt động kinh tế – xã hội và đô thị – nông thôn.
4. Công nghiệp và năng lượng
– Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến trong công nghiệp, khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế tạo, chế biến gắn với công nghệ thông minh, chú trọng công nghiệp xanh.
– Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nghiên cứu thiết bị ứng dụng công nghệ sau thu hoạch chế tạo gắn với công nghệ thông minh.
– Ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; ứng dụng các công nghệ và tăng cường sử dụng các thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng; phát triển công nghệ xanh, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
– Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thiết bị, phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh phù hợp với định hướng, quy hoạch của tỉnh.
5. Tài nguyên và môi trường
– Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực công nghệ trong dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
– Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, công nghệ xử lý, cải tạo, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng và xử lý khí thải; triển khai dự án thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
– Ứng dụng công nghệ dự báo, như dự báo chất lượng môi trường không khí xung quanh, dự báo trữ lượng nước ngầm.
– Nghiên cứu công nghệ môi trường trong xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, nhất là các điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường trong sản xuất, kinh doanh; phát triển công nghệ tái chế chất thải. Dự án ứng dụng công nghệ tái chế để xử lý xỉ thép, bụi lò của các nhà máy thép.
– Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái, ứng dụng các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để hiện đại hóa công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
– Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
– Nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm phát thải khí mê-tan.
6. Nông nghiệp
– Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chí quy định tại quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hình thành khu và các vùng nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và GAP khác; thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, hợp tác xã, trang trại, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn, an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, gắn với phát triển công nghiệp, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học.
– Nghiên cứu khoa học công nghệ áp dụng biện pháp phòng trừ sinh học, kiểm soát các ngoại lai xâm hại, xác định con đường lây lan của các loài ngoại lai xâm hại do tác động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định về chống khai thác IUU;
– Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các giải pháp chống xói lở bờ biển, bồi tụ và xâm nhập mặn các vùng ven biển.
7. Giao thông vận tải
– Triển khai các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong quy hoạch, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, bảo trì công trình giao thông; ứng dụng khoa học và công nghệ trong đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì công trình giao thông; các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành giao thông vận tải.
– Hiện đại hóa hệ thống cảng biển, quy trình công nghệ tiên tiến khai thác cảng; tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ Logistics, khuyến khích áp dụng mô hình quản lý chuỗi cung ứng tiến tiến; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về phát triển dịch vụ logistics, trong đó ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong hoạt động logistics.
– Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, hình thành hệ sinh thái logistics.
8. Xây dựng
– Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị thông minh, nông thôn; ứng dụng công nghệ thông minh, kỹ thuật số, hệ thống thông tin địa lý GIS trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong phát triển đô thị tăng trường xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.
– Tăng cường sử dụng các loại vật liệu xây dựng theo công nghệ tiên tiến, vật liệu xây không nung và các vật liệu khác thân thiện với môi trường trong xây dựng công trình và đô thị nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
– Ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai, đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường.
– Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sạch, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn… vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
9. Y – dược
– Ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong trong lĩnh vực y tế; các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh; thực hiện y tế thông minh. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt các dịch bệnh mới, dự báo, phát hiện sớm, có biện pháp khống chế, kiểm soát trong phòng, chống dịch.
– Ứng dụng các trang thiết bị hiện đại trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu về các vấn đề dân số của tỉnh. Chú trọng lĩnh vực công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trẻ em.
– Ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; các phương pháp khám và điều trị bằng y học cổ truyền.
– Tăng cường kiểm soát các loại thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và nâng cao nhận thức của người dân trong phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Ứng dụng tiến bộ khoa học về dinh dưỡng trong nhân dân.
– Tăng cường nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
10. Giáo dục – đào tạo và dạy nghề
Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý giáo dục thông minh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo và dạy nghề; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
11. Du lịch
– Phát triển, định vụ thương hiệu du lịch tỉnh; phát triển đồng bộ du lịch gắn với tăng cường quản lý hoạt động du lịch văn hóa tâm kinh, lịch sử và sinh thái. Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, kinh tế ban đêm…
– Nghiên cứu, ứng dụng tăng cường giải pháp trong quy hoạch, tạo lập môi trường phát triển du lịch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao và trong quảng bá du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2017 -2021, định hướng đến năm 2030 và gắn với chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng 2030.
– Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển du lịch thông minh, bảo đảm an toàn cho du khách; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao kiến thức công nghệ về đào tạo, bồi dưỡng du lịch, hỗ trợ các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, phát triển mô hình du lịch mới, phù hợp với địa phương; định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quản lý hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử và sinh thái, đồng thời bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiện đại; phục hồi thương hiệu các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh trước đây.
– Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương và tăng cường thu hút khách du lịch đến tỉnh.
12. Quốc phòng và an ninh
– Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ đưa ra các giải pháp nhằm phục vụ công tác quốc phòng an ninh, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; kiềm chế gia tăng, từng bước kéo giảm tội phạm và tai nạn giao thông của địa phương. Nâng cao chất lượng công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và cải cách tư pháp.
– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào các quá trình thu thập xử lý dữ liệu, sản xuất trang thiết bị phục vụ công tác phòng thủ dân sự; nâng cao năng lực quan trắc thời gian thực, xử lý thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần.
IV. Trình tự, thời hạn, địa chỉ nhận Phiếu đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ
1. Sở Khoa học và Công nghệ thông báo đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ đến các Sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ để các tổ chức, cá nhân gửi đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2. Các tổ chức, cá nhân thực hiện đề xuất, đặt hàng theo trình tự sau:
– Các cá nhân, Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu, tổ chức Khoa học và công nghệ căn cứ vào định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh để trao đổi, làm việc và gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ đến các Sở, ban, ngành, địa phương quản lý theo lĩnh vực của nhiệm vụ được đề xuất, đồng thời gửi đến Sở Khoa học và Công nghệ theo Mẫu A-ĐXNV (và các tài liệu kèm theo nếu có).
Thời hạn: Trước ngày 12 tháng 09 năm 2023.
– Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Tự đề xuất những vấn đề khoa học và công nghệ cần được giải quyết và có thể mời chuyên gia, nhóm chuyên gia, tổ chức, cơ quan dự kiến hưởng thụ kết quả nghiên cứu tham gia xây dựng đề xuất đặt hàng; tổng hợp, lựa chọn các phiếu đề xuất khoa học và công nghệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên cơ sở căn cứ xác định tại Mục I của Thông báo này, quyết định lựa chọn xây dựng đặt hàng theo mẫu B1-ĐXĐT/ĐA đối với đề tài hoặc Mẫu B2-ĐXDAXSTN đối với dự án sản xuất thử nghiệm (đính kèm phiếu đề xuất của các tổ chức, cá nhân theo mẫu A-ĐXNV nếu nhiệm vụ xuất phát từ đề xuất của các cá nhân, tổ chức và các tài liệu kèm theo nếu có) gửi về Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 30 tháng 09 năm 2023.
– Phiếu đặt hàng của các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố gửi sau thời hạn nêu trên, tùy thuộc vào tính cấp thiết của nhiệm vụ sẽ được bổ sung vào danh sách đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ năm 2024 hoặc đưa vào danh mục đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ của năm tiếp theo.
– Thông báo và các mẫu biểu được đăng tải trên trang Web của Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: http://sokhcn.baria-vungtau.gov.vn/, tại mục Thông báo.
Phiếu đề xuất nhiệm vụ, phiếu đặt hàng xin gửi về địa chỉ: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Khu Trung tâm Hành chính – Chính trị tỉnh, số 198 đường Bạch Đằng, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, đề nghị gửi kèm bản điện tử Phiếu đề xuất, đặt hàng (file word) đến hộp thư: quanlykhoahocbrvt@gmail.com để phục vụ cho công tác tổng hợp.
3. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ thông báo danh sách các đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh kế hoạch năm 2024 trên trang Web của Sở KH&CN tại địa chỉ: http://sokhcn.baria-vungtau.gov.vn/.
4. Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp đề xuất đặt hàng và tổ chức hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh để xem xét, đánh giá; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh kế hoạch năm.
5. Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sẽ được đăng tải tại Cổng Thông tin Điện tử của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Trang Web của Sở Khoa học và Công nghệ: http://sokhcn.baria-vungtau.gov.vn/ và báo Bà Rịa – Vũng Tàu để tiến hành tuyển chọn hoặc giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai thực hiện.
Mọi chi tiết, xin liên hệ Phòng Quản lý khoa học và Công nghệ. Điện thoại: 0254.3513.024 để được hướng dẫn cụ thể.
Xem nội dung chi tiết thông báo tại đây
Đính kèm biểu mẫu