Cập nhật lần cuối vào 16/07/2021
Từ ngày 14-16/01/2019, Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM tiếp tục phối hợp với NXB Springer tổ chức HỘI THẢO QUỐC TẾ THƯỜNG NIÊN VỀ KINH TẾ LƯỢNG NĂM 2019 (ECONVN2019).
Tham dự Hội thảo Kinh tế lượng quốc tế lần thứ hai có hơn 200 các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, toán ứng dụng và cả các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu từ nhiều các quốc gia khác nhau như Hoa Kỳ, Anh quốc, Thụy Điển, Hà Lan, Canada… cùng đông đảo các phóng viên báo, đài đến dự và đưa tin.
Hội thảo ECOVN2019 gồm các phiên toàn thể và các phiên song song. Các phiên toàn thể diễn ra trong các buổi sáng từ ngày 14-16/01/2019. Trong khi đó, các phiên song song diễn ra vào các chiều cùng ngày tương ứng, với các nội dung phong phú và đặc sắc.
Mở đầu Hội thảo là bài phát biểu khai mạc của PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường. Bài phát biểu đã cho thấy mục tiêu của Hội thảo là để các nhà khoa học hàng đầu, các nhà nghiên cứu và các học giả nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế lượng cùng nhau trao đổi, cập nhật chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm của họ liên quan đến các công cụ định lượng hiện đại đang được các nhà nghiên cứu trên thế giới sử dụng cũng như xu hướng ứng dụng các công cụ này để giải quyết các vấn đề đương đại ở Việt Nam và trên thế giới.
GS. Hung T. Nguyen, đến từ New Mexico State University, USA and Chiang Mai University, Thailand, Chủ tịch hội đồng khoa học của ECONVN2019 cho biết, kinh tế ngày càng trở nên khó dự báo hơn và chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi đưa các yếu tố kinh tế vào mô hình dự báo. Một trong những lí do dẫn đến khó khăn trong công tác dự báo chính là hiện nay có rất nhiều yếu tố không chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Và để dự báo kinh tế được chính xác hơn, hiệu quả hơn thì cần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố không chắc chắn này.
GS. Hung T. Nguyen, đến từ New Mexico State University, USA and Chiang Mai University, Thailand phát biểu tại Hội thảo.
Về nội dung, Hội thảo tiếp nhận các bài viết bằng tiếng Anh về phương pháp xác suất thống kê trong kinh tế ngoài các phương pháp truyền thống với các chủ đề:
1. Kinh tế học vĩ mô và kinh tế quốc tế
2. Chính sách tiền tệ và tỷ giá
3. Thị trường tiền tệ và thị trường vốn
4. Quản lý rủi ro và các ngân hàng thương mại
5. Tài chính công và tài chính doanh nghiệp
6. Kế toán và kiểm toán
7. Động thái giá tài sản, biến động và dự đoán
Ngoài ra, các đại biểu tại Hội thảo được nghe các diễn giả trình bày về kết quả nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực quản lý, những thách thức trong việc ứng dụng nghiên cứu kinh tế lượng thực tiến và đưa ra những định hướng giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Đến với Hội thảo Kinh tế lượng quốc tế 2019, các nhà nghiên cứu đã có cơ hội tiếp cận những kiến thức mới, đồng thời cập nhật được những thông tin về kinh tế lượng, về kinh tế từ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách. Hơn thế nữa, ECONVN2019 cũng là nơi gặp gỡ giao lưu và chia sẻ những cơ hội hợp tác về học thuật, nghiên cứu khoa học; từ đó các cá nhân và các tổ chức xây dựng các mối liên kết và hợp tác đề phát triển trong tương lai.
Hội thảo quốc tế về kinh tế lượng lần 2 năm 2019 là một cơ hội để Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nâng cao năng lực nghiên cứu của nhà trường, đồng thời nâng cao vị thế của trường ở lĩnh vực vực nghiên cứu trong khu vực và quốc tế.
Chủ đề chính của Hội thảo lần 2 là “Ngoài các phương pháp xác suất thống kê truyền thống trong kinh tế học”, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến khám phá phương pháp mới trong xác suất thống kê và ứng dụng trong kinh tế học, đặc biệt là tài chính – ngân hàng, kết nối các nhà khoa học và giảng viên trong nước với Hội đồng chuyên môn quốc tế, tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu có cơ hội đăng bài trên Springer series (Scopus/ISI).
Đơn vị tổ chức: Sở Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Ngân hàng
Tài liệu Hội thảo – Click vào đây để xem trước nội dung: download file đính kèm tại đây
Tin: Dũng Trần – Viện ĐTQT.
Ảnh: Ban Website (Hội thảo quốc tế về kinh tế lượng lần 2 – ECONVN2019)