Bộ KH&CN: Thông báo tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư với Hàn Quốc năm 2023

CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM – HÀN QUỐC
Thông báo tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư năm 2023  

1. MỤC TIÊU  
Trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, ký năm 1995, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Bộ KH&CN) và Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) (dưới đây được gọi là hai Bên) khởi động Chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giai đoạn 2023-2026.  
Hai Bên thông báo để các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu hai nước gửi đề xuất các đề tài hợp tác nghiên cứu chung nhằm mục đích khuyến khích sự hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.   
2. LĨNH VỰC HỢP TÁC  
Các đề tài hợp tác phải thuộc một trong 4 (bốn) lĩnh vực sau, các đề tài thuộc các lĩnh vực khác sẽ không được xem xét:  
Năm 2023 hợp tác chung về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc tập trung vào chủ đề: Bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.  
–    Lĩnh vực công nghệ thông tin: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng sau: (1) Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong đảm bảo công nghệ an ninh mạng; (2) Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong đánh giá khả năng tiết kiệm năng lượng và giảm thải khí nhà kính.   
–    Lĩnh vực công nghệ sinh học: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong: (1) Công nghệ protein/ enzyme trong xử lý môi trường (thu giữ carbon,…); (2) Công nghệ chỉnh sửa gen trong lĩnh vực trồng trọt ứng phó biến đổi khí hậu.  
–    Lĩnh vực công nghệ khí hậu/ môi trường: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng sau: (1) Công nghệ xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy (POPs); (2) Xử lý ô nhiễm môi trường biển (rác thải nhựa, vi nhựa); (3) Công nghệ thu hồi carbon giảm phát thải.  
–    Lĩnh vực công nghệ nano: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về một trong các hướng nghiên cứu, ứng dụng sau: (1) Vật liệu nano ứng dụng trong xúc tác và hấp phụ xử lý môi trường; (2) Công nghệ nano chế tạo vật liệu và linh kiện ứng dụng trong các lĩnh vực: (i) Chiếu sáng hiệu năng cao và (ii) Pin nhiên liệu.  
3. YÊU CẦU CHUNG  
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác này, các đề tài hợp tác nghiên cứu chung sẽ được hai Bên cùng xem xét tài trợ.    
Các ứng viên được yêu cầu làm quen với các quy định trước khi nộp hồ sơ cho Kêu gọi này; việc nộp hồ sơ được hiểu là ứng viên đã thực hiện việc tìm hiểu và đồng bị ràng buộc bởi các điều khoản đó.  
Mỗi đề tài phải được nộp đồng thời cho các cơ quan có thẩm quyền điều phối Chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ phía Hàn Quốc và Việt Nam. Đề tài chỉ nộp cho một phía sẽ không được xem xét.  
Về phía Hàn Quốc: Thông báo này mở cho các nhà nghiên cứu theo quy định bởi Luật pháp Hàn Quốc.  
Về phía Việt Nam: Thông báo này mở cho các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan được quy định bởi pháp luật Việt Nam.  
4. YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐỀ TÀI  
Về phía Hàn Quốc  
Về nguyên tắc, mỗi đề tài có thời gian thực hiện 3 năm với đánh giá hàng năm để quyết định việc thực hiện đề tài năm tiếp theo.  
Một bên có thể yêu cầu ngừng tài trợ cho năm tiếp theo với các lý do xác đáng như kết quả nghiên cứu không đạt hoặc sử dụng nguồn tài trợ nghiên cứu sai mục đích.   
Báo cáo và đánh giá kết quả:  
Chủ nghiệm đề tài phải nộp các báo cáo trung hạn trước thời điểm kết thúc giai đoạn thực hiện đề tài hàng năm và các báo cáo cuối cùng sau khi đề tài kết thúc.   
Báo cáo về các đề tài hợp tác sẽ được đánh giá bởi các chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp và là thông tin tham khảo cho mỗi Bên trong các quyết định trong tương lai và trong việc sử dụng nguồn vốn chung.   
Về phía Việt Nam  
Yêu cầu cụ thể đối với nhiệm vụ Nghị định thư   
– Nhiệm vụ Nghị định thư cần đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia quy định tại Khoản 1, Điều 25, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP;  
–    Bảo đảm có sự đóng góp nguồn lực của đối tác nước ngoài để hợp tác thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư;   
–    Góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ với đối tác nước ngoài và đáp ứng một trong những yêu cầu quy định tại Điều 4, Thông tư số 10/2019/TTBKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nghị định thư.   
Yêu cầu bổ sung để sắp xếp tính ưu tiên khi đánh giá hồ sơ đề xuất: (1) Đề xuất có tính mới, công nghệ tiên tiến, có định hướng ứng dụng cao, tạo ra các sản phẩm cụ thể có hàm lượng khoa học cao, chuyển giao các công nghệ tiên tiến; hợp tác xuất bản các ấn phẩm khoa học, công bố khoa học; hợp tác nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tập huấn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ Nghị định thư; (2) Đề xuất liên quan đến nội dung mà hai phía đối tác đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả; nêu bật được giá trị gia tăng về hợp tác quốc tế mà Việt Nam được thụ hưởng; (3) Chủ nhiệm đề tài đã có thời gian học và nhận bằng Ths/TS tại Hàn Quốc hoặc đã có thời gian nghiên cứu liên tục tại Hàn Quốc từ 02 năm trở lên.  
Thời gian thực hiện: Đề tài có thời gian thực hiện 3 năm với đánh giá hàng năm để quyết định việc thực hiện đề tài ở năm tiếp theo.  
c) Yêu cầu về sản phẩm của nhiệm vụ Nghị định thư  
Về phía Hàn Quốc
Phía Hàn Quốc không hạn chế đối với yêu cầu cụ thể về sản phẩm của nhiệm vụ Nghị định thư.
Về phía Việt Nam
Các sản phẩm của nhiệm vụ cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đối với các sản phẩm dạng I, dạng II và dạng III và IV:  
–    Sản phẩm dạng I: Phải là những sản phẩm tiên tiến, có chỉ tiêu kỹ thuật rõ ràng, có hàm lượng khoa học cao. Ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong thực tế; có sản phẩm có thể đăng ký được về sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích, sáng chế, quyền tác giả, …).  
–    Sản phẩm dạng II: Các quy trình công nghệ phù hợp, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: có sản phẩm là các công nghệ hoặc qui trình công nghệ có thể đăng ký được về sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích, sáng chế, quyền tác giả, …).   
–    Sản phẩm dạng III: Có ít nhất 01 bài báo được chấp nhận đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Web of science hoặc Scopus, 02 bài báo khoa học trong nước được chấp nhận đăng trên Tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành được phê duyệt theo Quyết định của Hội đồng giáo sư nhà nước. Ưu tiên các nhiệm vụ có thể đăng ký được sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích, sáng chế, quyền tác giả, …).  
–    Sản phẩm dạng IV: Hỗ trợ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (nếu có) theo hướng thực hiện chuyên đề nghiên cứu hoặc luận văn tiến sĩ, thạc sĩ theo nội dung của đề tài.  
5. NỘP ĐỀ XUẤT  
THỜI GIAN NỘP: Từ 12/7/2023 đến 13/9/2023.  
Về phía Hàn Quốc  
Các đề xuất phải được tải lên hệ thống nộp hồ sơ điện tử quốc gia Hàn Quốc, địa chỉ: https://iris.go.kr  
Về phía Việt Nam   
Yêu cầu về nộp hồ thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư. Hồ sơ điện tử nộp trực tuyến theo địa chỉ: http://stm.most.gov.vn và  bản gốc nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện về Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội.  
6. SỐ LƯỢNG VÀ KINH PHÍ CHO CÁC ĐỀ TÀI ĐƯỢC LỰA CHỌN  
04 đề tài sẽ được lựa chọn để MSIT và MOST đồng cấp kinh phí. Các đề tài được lựa chọn sẽ được hai Bên cùng cấp kinh phí trong khả năng tài chính hàng năm của mình.   
Về phía Hàn Quốc  
Mỗi đề tài trong từng lĩnh vực (tổng cộng 4 đề tài) sẽ được lựa chọn cho năm 2023. Kinh phí cho mỗi đề tài được tài trợ là 40.000.000 KRW (tương đương 40.000 USD)/ đề tài/năm (tổng kinh phí là 120.000.000 KRW/ đề tài).
Về phía Việt Nam  
Sau khi nhận được thông báo, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài được lựa chọn trong Chương trình hợp tác hoàn thiện hồ sơ và gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm định kinh phí theo quy định tại Điều 16, Thông tư 10/2019/TTBKHCN ngày 29/10/2019 quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.  
7. ĐÁNH GIÁ VÀ LỰA CHỌN ĐỀ TÀI  
Tại thời điểm đóng Thông báo này, tất cả các đề xuất đề tài nhận được sẽ được kiểm tra về tính hợp lệ. Chỉ các đề xuất được cả hai Bên đánh giá là hợp lệ mới được tiếp tục đưa ra xem xét đánh giá.  
Quy trình đánh giá được thực hiện theo quy định của mỗi nước.  
8. THÔNG TIN LIÊN HỆ  
Phía Việt Nam  
Chị Tô Mai Trinh  
Phó Trưởng phòng Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ  
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ  
113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam  
Tel: 84-4. 39448901; Fax: 84-4. 39439987; E-mail: tmtrinh@most.gov.vn

Phía Hàn Quốc  
Mr. Taesung Lee  
Nghiên cứu viên, Phòng Châu Mỹ và Châu Á  
Vụ Hợp tác quốc tế  
Quỹ Nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc  
E-mail: taesunglee@nrf.re.kr  

Tệp đính kèm:

– Các Tài liệu liên quan

Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172