CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THEO NGHỊ ĐỊNH THƯ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
Thời gian đóng thông báo: 17:00 ngày 19/6/2022
1. Mục tiêu
Triển khai Biên bản Khóa họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thông báo để các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu hai nước gửi đề xuất các đề tài hợp tác nghiên cứu trong nhằm tăng cường sự hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam – Trung Quốc.
2. Lĩnh vực hợp tác
Các đề tài hợp tác phải thuộc một trong 2 lĩnh vực sau, các đề tài thuộc các lĩnh vực khác sẽ không được xem xét:
– Y dược: (1) Xây dựng, phát triển các mô hình dự báo, công nghệ phục vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi (sốt xuất huyết, sốt rét, sán lá gan,…); phòng, chống bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa,…;(2) Nghiên cứu các công nghệ sản xuất dược, vaccine tiên tiến, đặc biệt là làm chủ công nghệ mRNA; (3) Phát triển công nghệ hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán, điều trị, phòng, chống ung thư; (4) Nghiên cứu mối liên quan của vấn đề dân số và phát triển, nâng cao chất lượng sức khỏe người lao động, phát
huy lợi thế cơ cấu dân số vàng; phát triển công nghệ hỗ trợ thích ứng với quá trình già hóa dân số, nâng cao thể trạng, năng suất lao động của người cao tuổi; (5) Nghiên cứu hiện đại hóa y học cổ truyền, kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng, chống dịch, bệnh.
– Giao thông thông minh: (1) Phát triển các giải pháp hạ tầng hỗ trợ thu phí tự động, bù trừ tự động giữa các hệ thống trong mạng lưới vận tải đô thị; (2) Phát triển nền tảng, ứng dụng hỗ trợ quản lý phương tiện giao thông nội đô; (3) Phát triển hạ tầng Internet kết nối mọi phương tiện tham gia giao thông (Internet of Vehicles – IoV); (4) Phát triển các mô hình dự báo, công nghệ hỗ trợ quản lý, điều hành mạng lưới vận tải trên quy mô vùng kinh tế, quốc gia.
3. Yêu cầu đối với đề tài
– Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác này, các đề tài hợp tác nghiên cứu chung sẽ được hai Bên cùng xem xét tài trợ.
Đề tài phải được nộp đồng thời cho Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam và Trung Quốc. Đề tài chỉ nộp cho một phía sẽ không được xem xét.
– Mỗi đề tài được triển khai thực hiện tối đa trong vòng 36 tháng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định của cơ quan quản lý có thẩm quyền của mỗi bên.
Đối với phía Việt Nam: đề tài cần đáp đầy đủ các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo các quy định hiện hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như đáp ứng các điều kiện theo thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nghị định thư.
Nhiệm vụ Nghị định thư cần có tính đột phá về công nghệ.
Các sản phẩm của đề tài phải là sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới. Các sản phẩm của nhiệm vụ cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia với các sản phẩm dạng I, dạng II và dạng III:
– Sản phẩm dạng I phải là những sản phẩm tiên tiến, có chỉ tiêu kỹ thuật rõ ràng.
– Sản phẩm dạng II ưu tiên những quy trình công nghệ tiên tiến.
– Sản phẩm dạng III gồm ít nhất 01 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, 2 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và được tính điểm hội đồng giáo sư ngành, liên ngành do quỹ Nafosted ban hành. Đào tạo được ít nhất 01 thạc sĩ hoặc góp phần đào tạo tiến sĩ (theo hướng luận văn tốt nghiệp thực hiện theo các nội dung của hợp tác nghị định thư).
– Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hoặc bản quyền sáng chế.
Đối với phía Trung Quốc: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
4. Số lượng và kinh phí cho các đề tài được lựa chọn
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trung Quốc sẽ lựa chọn 04 đề tài (mỗi lĩnh vực 02 đề tài). Các đề tài được lựa chọn sẽ được hai Bên cùng cấp kinh phí trong khả năng tài chính hàng năm.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam: sẽ cấp kinh phí trên cơ sở hồ sơ đã hoàn thiện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định kinh phí theo quy định tại Điều 16, Thông tư 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc: sẽ cấp cho mỗi đề tài tối đa 2 triệu nhân dân tệ.
5. Nộp đề xuất
Yêu cầu nộp hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư. Bản scan nộp trực tiếp theo địa chỉ: http://stm.most.gov.vn và bản gốc gửi trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện về Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Thời hạn nộp: từ ngày 20/4-19/6/2022
6. Đánh giá và lựa chọn đề tài
Tại thời điểm đóng Thông báo này, tất cả các đề xuất đề tài nhận được sẽ được kiểm tra tính hợp lệ. Chỉ các đề xuất được cả hai Bên cho là hợp lệ mới được tiếp tục đưa ra xem xét đánh giá.
Quy trình đánh giá được thực hiện theo quy định của mỗi nước.
7. Thông tin liên hệ
Chị Ninh Thị Huy Hoàng
Trưởng phòng Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ
Điện thoại: 024- 39338901
Tệp đính kèm:
– Nội dung thông báo tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư năm 2022