Sở KH&CN Tây Ninh: Thông báo đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2023


Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tây Ninh thông báo đến các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan về việc đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2023 như sau:
 
Định hướng xây dựng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN
Trong giai đoạn 2023-2025, ưu tiên các đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với các định hướng phát triển của tỉnh, tập trung các lĩnh vực đột phá, phát triển công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, thành phố thông minh, các thế mạnh đặc thù của tỉnh Tây Ninh, các giải pháp thích ứng linh hoạt hậu dịch Covid-19,…nhằm góp phần tích cực vào sự phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, gắn hoạt động khoa học, công nghệ với đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sự phát triển các ngành, lĩnh vực, giải quyết những vấn đề cấp thiết của ngành và địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang tính ứng dụng vào điều kiện thực tiễn ngày càng cao, tạo ra được nhiều giải pháp, sản phẩm, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh. Một số định hướng cần tập trung nghiên cứu:
 
Lĩnh vực khoa học nông nghiệp
– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học: về cải tiến tính trạng quý trên các loại cây trồng nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, tăng sức chống chịu sâu bệnh hại mang lại giá trị kinh tế cao và ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn; tạo ra các chế phẩm sinh học thế hệ mới, kít chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng, vật nuôi, thủy sản và giám định, chẩn đoán độ phì nhiêu, sức khỏe đất trồng trọt và nước tưới.
 
– Nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào sản xuất, trong đó chú trọng nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong bảo quản, chế biến nông, lâm sản sau thu hoạch.
 
– Phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm, đặc sản có giá trị của địa phương; tiếp cận công nghệ gen thế hệ mới trong nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mang tính trạng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất và chất lượng vượt trội phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ
– Ưu tiên nghiên cứu, lựa chọn, chuyển giao công nghệ tiên tiến, phù hợp phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến, bảo quản (nông, lâm sản; thực phẩm; khoáng sản), nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm xuất khẩu.
 
– Chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất các vật liệu tiên tiến phục vụ công nghiệp và xây dựng như vật liệu polyme và composit tiên tiến; ứng dụng công nghệ nano trong công nghiệp, xây dựng, quốc phòng, an ninh, trong nông nghiệp, y, dược.
 
– Nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, quá trình biến đổi khí hậu, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
– Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH&CN mới về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, vật liệu mới thân thiện với môi trường; các công nghệ liên quan đến tiết kiệm năng lượng, công nghệ thân thiện môi trường; các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực giám sát, đánh giá và cảnh báo ô nhiễm môi trường; các công nghệ trong xử lý nước thải công nghiệp, bệnh viện, làng nghề và sinh hoạt với chi phí hợp lý. Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các biện pháp, giải pháp sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm.
 
– Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông để tạo các nền tảng công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong quản lý xã hội; làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
 
Lĩnh vực khoa học y, dược
– Chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ trong chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán và điều trị bệnh, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, tế bào gốc để chữa trị các loại bệnh hiểm nghèo; nghiên cứu sản xuất vắcxin, thuốc điều trị kịp thời phòng, chống dịch bệnh mới phát sinh ở người; nghiên cứu, phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng từ nguồn thảo dược trong nước.
 
– Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; nghiên cứu các giải pháp vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng; nâng cao năng lực y tế dự phòng.
 
– Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, công nghệ sinh học trong phát triển sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu và các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh.
 
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
– Nghiên cứu cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn trong việc hoạch định, thực hiện các chủ trương, nghị quyết trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; Nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp; Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh.
 
– Nghiên cứu xây dựng thương hiệu du lịch, tăng tính linh hoạt của các sản phẩm du lịch, các chương trình phát triển du lịch để nâng cao năng lực ứng phó trước tình hình mới như đại dịch, biến đổi khí hậu; giải pháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hoá, các di sản văn hoá trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm nét văn hoá địa phương;
 
– Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh: dịch vụ công, dịch vụ phát triển du lịch và sản phẩm du lịch; khai thác tốt tiềm năng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái – văn hóa – nhân văn tỉnh Tây Ninh; hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh gắn với phát triển du lịch;
 
– Nghiên cứu luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng các giải pháp tăng cường liên kết KH&CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp. Nghiên cứu đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng học tập, giáo dục và đào tạo. Các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, sáng kiến trong hệ thống trường học, trường chuyên nghiệp và dạy nghề.
 
– Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá của tỉnh, các mô hình, các giải pháp phát triển du lịch.
 
Biểu mẫu và các căn cứ đề: Tải về Bieu mau.zip
 
Thời gian nhận đề xuất, đặt hàng: trước ngày 01/4/2022.
 
Văn bản đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN năm 2023 gồm bản giấy có ký tên, đóng dấu và bản điện tử (file Word), vui lòng gửi về theo địa chỉ:
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh
Số 211, đường 30/4, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh
Điện thoại: 0276.3825849;        Email: qlkh@tayninh.gov.vn
Sở KH&CN sẽ thông báo kết quả các nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức, cá nhân có đề xuất được UBND tỉnh phê duyệt trong Kế hoạch.


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172