Sở KH&CN Lâm Đồng: Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN lần 1 năm 2022


Căn cứ Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 09/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng;
Căn cứ Quyết định số 893/QĐ-UBND 24/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ lần 1 năm 2022;
Sở Khoa học và Công nghệ thông báo đến các đơn vị, cá nhân có đủ năng lực đăng ký tham gia dự tuyển chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ lần 1 năm 2022 với các nội dung như sau:

1. Nhiệm vụ: Nghiên cứu tuyến trùng hại cây dâu tằm (Morus alba L.) và các biện pháp phòng chống tổng hợp tại Lâm Đồng.
* Mục tiêu:
Xác định thành phần loài tuyến trùng và các loài tuyến trùng gây hại chính trên cây dâu tằm tại Lâm Đồng.
Xác định được mức độ gây hại, phân bố, điều kiện phát sinh gây hại và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát sinh gây hại của tuyến trùng ký sinh trên cây dâu tằm tại Lâm Đồng.
Xác định được các biện pháp phòng chống tuyến trùng hại cây dâu tằm hiệu quả và an toàn.
Xây dựng được quy trình phòng chống tuyến trùng hại cây dâu tằm để chuyển giao áp dụng vào sản xuất.
* Sản phẩm:
Dữ liệu về mức độ gây hại, diễn biến gây hại và các yếu tố ảnh đến sự phát sinh gây hại của tuyến trùng trên cây dâu tằm tại Lâm Đồng.
Danh lục thành phần loài tuyến trùng hại cây dâu tằm và các loài tuyến trùng gây hại chính cây dâu tằm tại Lâm Đồng.
Các giải pháp kỹ thuật có khả năng phòng chống hiệu quả tuyến trùng hại cây dâu tằm đồng thời đảm bảo an toàn con tằm và danh mục các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp.
Quy trình phòng chống tuyến trùng hại cây dâu tằm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
05 mô hình phòng chống tuyến trùng gây hại cây dâu tằm tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Lâm Hà (mỗi mô hình diện tích 0,1 ha, hiệu quả giảm bệnh 70%, tăng hiệu quả kinh tế 10-15%).
01 thạc sĩ và 01-02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành.

2. Nhiệm vụ: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất và nước lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
* Mục tiêu:
Xây dựng bộ dữ liệu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất, nước lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực có liên
Xây dựng các kịch bản dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất, nước lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn
Đề xuất giải pháp cụ thể về kỹ thuật và quản lý thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất, nước lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
* Sản phẩm:
Bộ dữ liệu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Báo cáo đánh giá được các tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất, nước (kết quả và các yếu tố tác động).
Báo cáo đánh giá được các tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực có liên quan (kết quả và các yếu tố tác động).
Các kịch bản dự báo tác động của biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.
Các bản đồ chuyên đề theo quy định của ngành tài nguyên môi trường.
Hệ thống các giải pháp cụ thể về kỹ thuật, quản lý tài nguyên đất, nước lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng và cho các ngành, lĩnh vực có liên quan trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
01 bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành.

3. Nhiệm vụ: Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Lâm Đồng” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Lâm Đồng.
* Mục tiêu:
Xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Lâm Đồng” cho sản phẩm cà phê Arabica và Robusta của tỉnh Lâm Đồng.
Xây dựng chuỗi giá trị cà phê Lâm Đồng nhằm phát huy giá trị của sản phẩm trên thị trường.
* Sản phẩm:
Đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm, xác định cơ sở khoa học phục vụ việc đăng ký và quản lý CDĐL.
Xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký CDĐL “Lâm Đồng” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Lâm Đồng.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vùng trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và công cụ quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê Lâm Đồng được bảo hộ CDĐL.
Xây dựng hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm cà phê mang CDĐL: bộ máy quản lý, bộ công cụ quản lý, đào tạo, tập huấn, bộ công cụ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm.
Tổ chức hoạt động quản lý, khai thác và phát triển CDĐL: hội thảo, hội nghị công bố công cụ quản lý, phát triển CDĐL; tuyên truyền quảng bá sản phẩm; báo cáo vận hành thử nghiệm hệ thống quản lý.
Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm cà phê được bảo bộ CDĐL “Lâm Đồng” theo chuỗi giá trị: báo cáo nghiên cứu thị trường, 04 hệ thống liên kết sản xuất và tiêu thụ.

4. Nhiệm vụ: Xây dựng quy trình bảo quản lạnh tinh trùng cá Tầm Nga
(Acipenser gueldenstaedtii) và cá Tầm Xiberi (A. baerii) tại tỉnh Lâm Đồng.
* Mục tiêu:
Nghiên cứu thành công quy trình bảo quản lạnh tinh trùng cá Tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii) và cá Tầm Xiberi (A. baerii) để nâng cao hiệu quả sản xuất giống cá tầm tại tỉnh Lâm Đồng.

* Sản phẩm:
Đánh giá chất lượng tinh trùng nguồn cá tầm đực.
Nghiên cứu kỹ thuật bảo quản lạnh 1.000ml tinh trùng cá Tầm Nga
(Acipenser gueldenstaedtii) và cá Tầm Xiberi (A. baerii).
Đánh giá hiệu quả rã đông: hoạt lực tinh trùng ≥ 40%, tỉ lệ thụ tinh ≥ 50%, tỉ lệ nở ≥ 50%.
Đánh giá chất lượng sản xuất giống và con giống.
Đánh giá hiệu quả 02 mô hình nuôi thương phẩm cá Tầm sản xuất giống từ tinh trùng bảo quản lạnh và không bảo quản lạnh (mật độ nuôi 12-15 con/m3, thời gian nuôi 12 tháng).
Xây dựng quy trình bảo quản lạnh tinh trùng cá tầm.
Đào tạo tối thiểu 05 kỹ thuật viên.

Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn: theo mẫu quy định đăng trên website http://skhcn.lamdong.gov.vn/ gồm:
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì;
Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN;
Bản thuyết minh đề cương theo mẫu quy định;
Lý lịch khoa học của chủ nhiệm và các thành viên;
Tóm tắt hoạt động KH&CN của tổ chức;
Quyết định cử chủ nhiệm nhiệm vụ của cơ quan chủ trì;
Văn bản xác nhận đồng ý của tổ chức phối hợp (nếu có);
Các văn bản pháp lý chứng minh khả năng huy động vốn (nếu có).

Dự toán kinh phí thực hiện theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành định mức chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước tại tỉnh Lâm Đồng.

Số lượng hồ sơ tham gia tuyển chọn: gồm 15 bộ (trong đó có 02 bản chính, 13 bản sao); hồ sơ được niêm phong và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng (qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Văn thư Sở). Địa chỉ: Tầng 9 Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, số 36 Trần Phú, TP.Đà Lạt; Điện thoại: (0263) 3822106 – 3821377.

Ngoài bì thư ghi rõ: Hồ sơ tham gia dự tuyển chủ trì nhiệm vụ KH&CN lần 1 năm 2022; Tên đề tài, dự án KH&CN dự tuyển; Tên đơn vị tham gia dự tuyển chủ trì thực hiện; Họ và tên cá nhân đăng ký chủ nhiệm đề tài, dự án KH&CN; Danh mục tài liệu, văn bản trong hồ sơ.

Thời gian nhận hồ sơ: kể từ ngày ra thông báo đến 17 giờ 00 phút ngày 25/7/2022 (căn cứ theo dấu bưu điện hoặc dấu công văn đến).
Chi tiết xin liên hệ Phòng Quản lý khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng – Điện thoại: 02633.822106 để được hướng dẫn cụ thể./.


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172