Những phong tục truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán


Cập nhật lần cuối vào 09/02/2021

Tết là dịp con cháu đi học và làm ăn xa trở về đoàn tụ bên gia đình, bữa cơm chiều 30 Tết sum vầy ấm cúng. Tết truyền thống của người Việt còn lưu giữ nhiều tập tục ý nghĩa lưu truyền từ thời cha ông cho đến nay, đó là những tập tục nào, cùng điểm danh qua nhé.

Tết đoàn viên

Một năm vất vả làm ăn xa quê, Tết là dịp con cháu trở về quê đoàn tụ và sum họp bên gia đình. Bữa cơm chiều 30 Tết với mâm cỗ đủ đầy, con cháu sum vầy cùng nhau nhìn lại một năm đã qua và cùng chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Đây trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt, cứ dịp Tết đến xuân về con cháu lại trở về sum vầy bên gia đình, đón một cái Tết Đoàn viên.

Ảnh minh họa

Gói bánh chưng, bánh tét

Tương truyền tục gói bánh chưng có từ thời vua Hùng dựng nước, đến nay trải qua hơn 4 ngàn năm lịch sử, tục gói bánh chưng vẫn được người dân Việt Nam lưu giữ.

Nguyên liệu gói bánh chưng gồm: nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ, gia vị , gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Bánh được nấu liên tục trong vòng 8 tiếng sẽ cho thành phẩn thơm ngon, béo ngậy dâng lên Ông bà tổ tiên. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt những ngày Tết. Ở miền Nam, người dân thường gói bánh tét vào dịp Tến đến, nguyên liệu cũng tương tự như bánh chưng.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về nhà nhà gói bánh chưng, bánh tét dâng lên ông bà tổ tiên (Ảnh minh họa)

Xông đất đầu năm

Theo quan niệm dân gian của người Việt, một năm mới bắt đầu từ mùng 1 Tết, nếu ngày mùng 1 mà mọi việc suôn sẻ, thuận lợi, may mắn thì cả năm cũng được tốt lành, hanh thông và thuận lợi. Chính vì thế khách xông đất cũng rất quan trọng, nhiều gia đình thường chọn người có tuổi “tam hợp” với gia chủ hoặc người có tính tình cởi mở, vui vẻ, rộng rãi, làm ăn phát đạt để nhờ xông đất đầu năm.

Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm

Vào ngày mùng 1 Tết, các thành viên trong gia đình thường tụ họp đầy đủ tại nhà ông bà, cha mẹ để làm lễ cúng lạy tổ tiên, mừng thọ các cụ cao niên trong gia đình. Đồng thời con cháu chúc ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trong tuổi. Người lớn sẽ phát bao lì xì mừng tuổi cho con cháu cùng lời chúc chăm ngoan, học giỏi, hay ăn chóng lớn.

Đầu xuân năm mới con cháu được ông bà lì xì mừng tuổi (ảnh minh họa)

Xuất hành, du xuân đầu năm

Đầu năm lên chùa hái lộc cầu cho gia đình một năm mới sức khỏe, bình an, may mắn, làm ăn phát tài, con cháu học hành giỏi giang thành công. Việc xuất chọn hướng xuất hành cũng rất quan trọng, vì theo quan niệm nếu chọn hướng xuất hành tốt cả năm sẽ vạn sự hanh thông, hướng Đông – Tây – Nam – Bắc hướng nào tốt, thường được gia chủ tìm hiểu kỹ trước khi xuất hành.

Ngoài lên chùa hái lộc, ở nhiều địa phương trong cả nước thường tổ chức nhiều lễ hội xuân để người dân vui chơi ngày Tết và thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, để du xuân an toàn đảm bảo sức khỏe gia đình, vì cộng đồng Tết này các bạn hạn chế đến những nơi đông người, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, quy tắc 5K của Bộ Y tế nhé.

Thu Hằng (Tổng hợp)


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172