Bài học chiến tranh nhân dân cho cuộc chiến chống dịch bệnh hiện nay


Cập nhật lần cuối vào 26/08/2021

Ở Việt Nam để huy động được động lực và quyết tâm của dân chúng vào một công việc nào đó thì định hướng thường gặp là hướng họ vào lối tư duy và hành động của thời chiến, bởi vì truyền thống nổi bật nhất kết tinh sâu sắc nhất của văn hóa Việt Nam là truyền thống yêu nước chống ngoại xâm.

Truyền thống đó đã ngấm sâu vào văn hóa Việt Nam đến mức cho dù không có giặc ngoại xâm, không có chiến tranh thì khi muốn tạo động lực cho người tham gia chúng ta vẫn thường biến nó thành một “chiến dịch” và “ra quân” để thực hiện. Do đó mà có “Chiến dịch Đông Xuân” cho hoạt động nông nghiệp, “Chiến dịch Mùa hè xanh” cho hoạt động hè thiện nguyện, “Chiến dịch giải cứu” (một nông sản nào đó) vv…

Những người tham gia đều được gọi là chiến sĩ trên mặt trận (nào đó) và các buổi phát động hay mở đầu các hoạt động này đều là lễ “xuất quân” “ra quân”. Làm như vậy để khiến cho người tham gia thấy nhiệt huyết sục sôi với tâm thế của người lính ra trận – một tâm thế mạnh của văn hóa Việt Nam.

PGS.TS. Trần Thị Thu Lương – Trưởng Bộ môn Việt Nam học Đại học quốc tế Hồng Bàng

Như vậy nên trong cuộc chiến sinh tử (theo nghĩa đen) với dịch bệnh hiện nay thì “đội quân các chiến sĩ áo trắng” “ra quân trên tuyến đầu” và cả nước phải vào cuộc “chống dịch như chống giặc” là tất yếu và đúng đắn.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói thêm ở đây là, nếu chúng ta đã vận dụng văn hóa chống ngoại xâm của Việt Nam và cuộc chiến đấu chống dịch bệnh hiện nay thì rất cần phải hiểu rõ hơn, vận dụng tốt hơn bài học tinh hoa của truyền thống chống ngoại xâm đó là bài học về huy động chiến tranh nhân dân – một bí quyết khiến cho Việt nam trong lịch sử luôn đánh thắng được những kẻ thù ngoại xâm to lớn và hùng mạnh hơn, bảo vệ toàn vẹn được độc lập dân tộc.

Các chiến thắng của Việt Nam trong lịch sử với kẻ thù hung bạo và hùng mạnh hơn không bao giờ là chiến thắng chỉ của các đội quân chính quy quốc gia và cũng không bao giờ chỉ bằng các trận đánh dàn quân 2 bên đối mặt giao chiến. Các chiến thắng đó luôn là chiến thắng của chiến tranh nhân dân với sự huy động tổng lực sức mạnh của toàn dân. Nếu không hiểu được điều này sẽ thất bại trong cuộc chiến không cân sức khi mà tương quan lực lượng chênh lệch, địch có tiềm lực to lớn hơn hùng mạnh hơn chúng ta.

Trong cuộc chiến đối đầu với dịch bệnh hiện nay, khi virus gây bệnh đã cho thấy sự hung hãn ghê gớm của chúng, luôn biến đổi để nắm thế chủ động tấn công thì một cuộc chiến chỉ có quân chính quy (đội ngũ y tế, y bác sĩ) và thành lũy quốc gia (bệnh viện) là khó có thể chiến thắng.

Chúng ta có thể học lại bài học chiến tranh nhân dân trong nhiều cuộc kháng chiến của lịch sử chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc, như bài học thắng lợi của nhà Trần trong việc tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân khi đối đầu với kẻ thù hùng mạnh và hung hãn nhất thế giới ở thế kỷ XIII là quân xâm lược Nguyên Mông, cũng như bài học thất bại của nhà Hồ ở thế kỷ XIV khi rời bỏ chiến tranh nhân dân mà chỉ tập trung vào quân đội chính quy, để thấy rằng: vẫn là nhân dân đó, vẫn là đất nước đó, thậm chí kẻ thù không mạnh bằng nhưng nhà Trần thì đại thắng bảo toàn trọn vẹn độc lập dân tộc còn nhà Hồ thì nhanh chóng thất bại khiến đất nước rơi vào vòng nô lệ.

Thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thời Trần có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra chiến thắng đó là thế trận chiến tranh nhân dân. Nhà Trần xây dựng quân đội theo nguyên tắc “ngụ binh ư nông” – hiểu nôm na là người lính thuộc quân đội (ngụ binh) nhưng vẫn là nông dân (ư nông). Nhà Trần chỉ giữ một đội quân tinh nhuệ ở Trung ương còn quân lính huy động để đánh giặc chính là những người dân trong tất cả các làng quê Việt Nam. Những nông dân này được giáo dục để hiểu và có ý thức họ là chiến binh chống giặc và được chỉ đạo tự giác tập luyện để luôn sẵn sàng làm chiến binh bảo vệ quê hương khi kẻ thù kéo đến. Như vậy gánh nặng nuôi quân được san sẻ: nhà nước lo đội quân tinh nhuệ, còn nông dân tự sản xuất, tự nuôi mình nhưng khi cần huy động lực lượng thì nông dân trở thành chiến binh có mặt trên khắp đất nước .

Thế trận này giúp đất nước có một lực lượng chiến đấu mạnh mà không bị quá tải và có thể bền vững chiến đấu trong một thời gian lâu dài mà không bị cạn kiệt nguồn lực. Hơn nữa không ai hiểu địa hình, địa vật ở địa phương hơn là những người nông dân ở địa phương đó nên khi quân giặc đến, lực lượng tại chỗ này sẽ là đội quân chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả hơn bất cứ một đội quân chính quy nào ở nơi khác kéo đến. Rõ ràng là, thế trận này phát huy được sức mạnh kháng cự và trí tuệ của toàn dân vào cuộc chiến, biến mỗi người dân thành một chiến sĩ chống giặc bảo vệ quê hương. Nhờ đó mới có thể kháng chiến lâu dài và chuyển hóa được lực lượng để giành chiến thắng.

Chúng ta nên vận dụng bài học chiến tranh nhân dân này và cuộc chiến đấu “chống dịch như chống giặc” hiện nay của chúng ta như thế nào?

Ở những đợt dịch đầu, khi virus chưa có khả năng lây lan nhanh chóng, ta chỉ huy động đội quân tinh nhuệ (đội quân áo trắng y, bác sĩ) và dựa vào thành lũy quốc gia (các bệnh viện) để tiêu diệt địch (virus trong người bệnh) và cơ bản ta đã giữ được thế trận. Tuy nhiên ở đợt dịch này kẻ thù đã trở nên hùng mạnh (biến thể Delta), quá nhanh, quá nguy hiểm, khiến cho dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng, trên nhiều tỉnh thành, số lượng người lây nhiễm và tử vong tăng thì một mình đội quân tinh nhuệ khó kham nổi, bị cạn kiệt sức lực, bệnh viện nhanh chóng bị quá tải.

Ngay sau đó chúng ta đã thay đổi chiến lược, không tập trung vào việc tách F0 mà tập trung và điều trị bệnh nhân nặng, kêu gọi nhiều người tình nguyện tham gia, lập thêm bệnh viện dã chiến, tăng cường thiết bị y tế, đẩy mạnh tiêm vắc xin, xiết chặt phong tỏa trên diện rộng, kêu gọi giữ vững các “vùng xanh“, kiểm soát chặt hơn các “vùng đỏ” để khống chế tiến đến xanh hóa “vùng đỏ”. Đó là sự thay đổi đúng và nên tiếp tục phát huy.

Tuy nhiên sự chuyển hướng này vẫn chưa thể hiện rõ được chiến lược thế trận cuộc chiến tranh nhân dân. Lập ra các tháp tầng điều trị, tăng thiết bị y tế, lập bệnh viện dã chiến… là cuộc chiến của đội quân tinh nhuệ trong các pháo đài quốc gia và hãy cứ tiếp tục làm như vậy. Dẫu vậy, cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm và hung bạo trong điều kiện tài lực vật lực của chúng ta như hiện nay thì phải trao vũ khí cho toàn dân. Phải huy động và chỉ đạo thành công cuộc chiến tranh nhân dân thì mới có thể chiến thắng được trong cuộc chiến dịch bệnh cam go và còn có thể kéo dài.

Muốn phát động và chỉ đạo được cuộc chiến tranh nhân dân trong phòng chống dịch bệnh này thì vũ khí đầu tiên cần trao cho người dân là ý thức chủ động trở thành một chiến sĩ. Không nên biến dân thành đối tượng yếu đuối được nhà nước bảo vệ một cách bao cấp mà phải biến họ thành chiến sĩ chiến đấu tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình, cùng với sự hỗ trợ cộng đồng từ các cấp ngõ xóm, hẻm phố, phường xã, quận huyện… đến Trung ương. Nghĩa là nhà nước tập trung vào chỉ đạo còn người thực hiện chiến đấu phải là tất cả nhân dân.

Hiện nay chúng ta chưa có chiến lược tuyên truyền đủ tầm cho dân ý thức mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân (từ già đến trẻ) đều là một chiến sĩ chống dịch. Hãy nêu thêm khẩu hiệu “Mỗi gia đình là một pháo đài xanh” bên cạnh khẩu hiệu “giữ vùng xanh” ở các địa phương hiện nay. Nghĩa là phải bắt đầu giữ xanh ở cấp độ tế bào gia đình và phải là tự giác từ bên trong mỗi người chứ không phải chỉ là lập chốt kiểm soát “vùng xanh” ở bên ngoài một khu vực nào đó vì chỉ một người vô ý thức thì “vùng xanh” sẽ lập tức bị đỏ hóa trong giây lát.

Để hỗ trợ việc mỗi gia đình trở thành một pháo đài xanh, mỗi ngõ xóm, mỗi khu phố, mỗi phường xã trở thành một pháo đài xanh thì việc tập trung chỉ đạo hiện nay là ở cấp cơ sở.

Ta đã làm tốt cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp thành phố nhưng càng xuống cấp dưới càng yếu dần, đặc biệt là cấp phường, cấp tổ dân phố, cấp xã ấp. Sự yếu kém này có thể không phải do ý thức của cán bộ quản lý kém mà chủ yếu là do họ bị sự bị động thống trị. Họ sợ sai, họ sợ chịu trách nhiệm do đó nảy sinh ra sự cứng nhắc, sự chậm chạp trong ứng phó vì luôn chờ sự chỉ đạo của cấp trên, trong khi đó dịch bệnh thì lao đến như gió lốc. “Nước xa không cứu được lửa gần”, “trên chặt dưới lỏng”, “ngoài chặt trong lỏng” và vì thế dịch bệnh đã diễn biến ngày càng phức tạp và trở nên khó khống chế.

Hãy tổ chức tập huấn trực tuyến ở từng địa bàn cơ sở cho mọi người dân cách phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là cách tự cứu khi lỡ bị nhiễm bệnh. Đội quân tinh nhuệ y bác sĩ nên có một hệ thống chịu trách nhiệm từng địa bàn cụ thể, kết nối với y tế phường, tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh của từng địa bàn để hỗ trợ tư vấn phòng bệnh, hỗ trợ điều trị với các trường hợp F0 nhẹ có thể tự chữa ở nhà và kịp thời chuyển họ đi bệnh viện khi bệnh trở nặng.

Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch cộng đồng cấp cơ sở, có sự tham gia hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên để quản lý và hỗ trợ giúp cho việc thực hiện mỗi gia đình là một pháo đài xanh thành công. Đảm bảo người dân trong từng hộ gia đình được tuyên truyền kỹ lưỡng về kiến thức phòng chống và tự chữa bệnh, được hỗ trợ tư vấn chăm sóc khi bị nhiễm bệnh, hỗ trợ lương thực, thực phẩm để đảm bảo không bị đói, không bị bỏ rơi. Các lực lượng thiện nguyện ở địa phương nào chủ yếu lo cho địa phương đó không chạy khắp nơi. Các nguồn lực vật chất thiện nguyện được quản lý chặt ở từng địa bàn, phân phối công khai minh bạch, đúng đối tượng, tránh bị trục lợi và thiếu công bằng.

Đồng thời tiến hành một chiến dịch tuyên truyền về pháo đài xanh trên các phương tiện truyền thông quốc gia. Hãy luôn thông tin về các pháo đài xanh gia đình, các chiến sĩ nhân dân đang dũng cảm chống dịch giữ gia đình, ngõ xóm của khu phố của địa bàn họ sinh sống. Hãy khen ngợi, lan tỏa kinh nghiệm hay của các pháo đài xanh này tới hàng triệu các pháo đài xanh khác thì mới hy vọng giữ xanh một cách bền vững.

Ngoài gia đình, mỗi cơ sở sản xuất, mỗi nhà máy cũng phải trở thành một pháo đài xanh. Nhà máy công xưởng nên chia nhỏ thành từng nhóm, từng cụm sản xuất xanh. Ai cũng lo bảo vệ cho nhóm mình cho cụm sản xuất của mình xanh. Nếu có lỡ bị đỏ thì lập tức khoanh lại dập quyết liệt ngay và xanh hóa trở lại ngay. Mỗi công nhân, người lao động cũng phải là một chiến sĩ chủ động chiến đấu giữ xanh cho nơi mình sản xuất, sinh sống chứ không phải là bị động chờ chủ doanh nghiệp, chờ nhà nước hay là bỏ chạy về quê. Chủ doanh nghiệp càng phải chủ động tìm mọi cách phù hợp nhất khả thi nhất để giữ xanh công ty và đơn vị sản xuất của mình. Không nên có những quy định cứng về một mô hình cho tất cả vì chỉ có họ mới biết làm thế nào là tốt nhất.

Điều cần thiết để giành lại thế chủ động của chúng ta trong cuộc chiến chống dịch lúc này là thiết lập lại thế trận chiến tranh nhân dân từ người dân đến hệ thống quản lý cấp cơ sở. Trao cho họ vũ khí tinh thần chủ động trở thành một chiến sĩ tham gia chống giặc dịch bệnh. Hãy tin rằng người Việt Nam (dù cộng đồng dân tộc nào) thì khi trao cho họ sứ mệnh là chiến sĩ, họ lập tức sẽ mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn và kiên cường hơn rất nhiều.

Cuộc chiến chống dịch này có thể còn kéo dài. Chúng ta không thể phong tỏa mãi, không thể kiểm tra giấy ra đường mãi và lại càng không thể xử phạt hết các hành vi thiếu tự giác của người dân. Chúng ta phải chiến thắng dịch bệnh theo kiểu của Việt Nam như cha ông ta đã chiến thắng những kẻ thù xâm lược hung bạo trong lịch sử.

Hãy bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ tối đa để xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xanh hóa từ cấp gia đình đến các phường, xã, quận, huyện… Kết hợp tổng lực các mặt trận: Phòng dịch tốt trong cộng đồng, chữa trị giỏi trong bệnh viện, tiêm vắc xin hiệu quả cho toàn dân, giữ vững không để đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng.

PGS.TS. Trần Thị Thu Lương
Trưởng Bộ môn Việt Nam học Đại học quốc tế Hồng Bàng

(Theo Phụ Nữ online)


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172