Hội thảo Chuyển đổi số trong Giáo dục tại các trường THPT


Cập nhật lần cuối vào 26/02/2022

Ngày 25/02/2022, Đại Học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tổ chức hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong giáo dục tại các trường THPT” với sự tham dự của các thầy cô đại diện cho Ban Giám hiệu của hơn 100 trường THPT tại TPHCM nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận về vấn đề chuyển đổi số cho cấp THPT, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia đến từ Google for Education, chia sẻ về ứng dụng các platform hỗ trợ dạy học trực tuyến tại Việt Nam.

Th.S Nguyễn Viêt Thái, Giám đốc TTTS&TT HIU chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội thảo

Nghề cũ biến mất, nghề mới xuất hiện 

Tại hội thảo, ông Bung Trần – Chủ tịch của AI Education, đơn vị uỷ quyền đào tạo của Google for Education và Amazon Web Services Educate tại Việt Nam bày tỏ chỉ vài năm nữa thôi, 10 người đồng nghiệp với chúng ta thì có 5 người là robot, có những công việc mà sắp tới robot sẽ thay luôn hoàn toàn cho con người. Chẳng hạn như trước đây để đọc văn bản bằng một thứ tiếng khác thì cần phải có người dịch nhưng hiện nay Google translate làm việc này trong vòng “1 nốt nhạc”. Nghề phiên dịch cấp cơ bản cũng dần biến mất, nếu còn thì người phiên dịch không chắc dịch giỏi bằng phần mềm. Tương tự, có nhiều nghề mà robot sẽ làm thay như vậy.

Một ví dụ khác được chuyên gia này đưa ra là chương trình chống đạo văn. Nếu trước đây mất nhiều thời hoặc hoặc phải mua phần mềm rất đắt tiền thì bây giờ Google document có thể kiểm tra chống đạo văn miễn phí. Hoặc trong một trường THPT có tài khoản của Google và khi học sinh đăng nhập vào tài khoản để làm bài thì phần mềm sẽ phát đi cảnh báo có bao nhiêu học sinh trong trường đang làm bài giống nhau. Việc này giảm tải công việc rất lớn cho giáo viên.

Ông Bung Trần , nhà đồng sáng lập và chủ tịch của AI Education, đơn vị uỷ quyền đào tạo của Google for Education và Amazon Web Services Educate tại Việt Nam, chia sẻ tại buổi Hội thảo

Từ đó, ông Bung Trần đặt vấn đề nhà trường nên làm gì để thích ứng với 4.0, cần trang bị, dạy gì cho học sinh để trở thành người có năng lực trong thời đại mới. Trước hết, cần hiểu định nghĩa Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việcphương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

“Đây là quá trình thay đổi mỗi ngày một chút và diễn ra rất dài chứ không phải trong vài ba tháng, đòi hỏi tổng thể không phải chỉ của hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn hay phòng công nghệ thông tin mà là của tất cả mọi người. Chuyển đổi số trong kinh doanh, y tế, giáo dục… đều đòi hỏi chúng ta thay đổi cách sống và làm việc, thay đổi thói quen và suy nghĩ của chúng ta dựa trên công nghệ số”, ông Bung Trần nhấn mạnh đồng thời đưa ra một khung gồm 7 cấu thành của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

Trong đó, ông nhấn mạnh yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là mỗi ngôi trường là một thực thể khác nhau, đòi hỏi một quá trình làm việc khác nhau để có công thức chuyển đổi số trong giáo dục khác nhau. Mỗi trường học sẽ là đơn vị đặc biệt và duy nhất, với cấu trúc giảng viên, vị trí địa lý, không gian nhà trường, cơ sở vật chất, chất lượng phụ huynh…

7 yếu tố được xếp thứ tự là: Tầm nhìn, văn hóa, ứng dụng công nghệ, quy trình học tập, phát triển năng lực chuyên môn, tài chính và bền vững, tương tác cộng đồng.

Ông Bung Trần cho biết thêm: Dù là đơn vị cung cấp về công nghệ nhưng công nghệ chưa bao giờ nằm ở hạng 1. Công thức chúng tôi đưa ra để thay đổi gồm 3M: men (con người),  methodology (phương pháp luận, phương thức triển khai) và vấn đề thứ 3 mới là machine (máy móc, trang thiết bị).

Con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, chỉ khi nào thống nhất với nhau để có những con người đầu óc cởi mở, muốn tìm kiếm, thử nhiệm giải pháp, không gian mới thì quy trình chuyển đổi số trong giáo dục mới diễn ra tốt được. Nó thay đổi quy trình học tập, có quá trình phát triển chuyên môn.

Ms. Yumi Nguyễn, đại diện Google Việt Nam tại Singapore tham dự hội thảo dưới hình thức trực tuyến

“Tất cả người học đều ngồi ở bàn đầu”

PGS.TS Lê Khắc Cường – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng bày tỏ: “Hơn 10 năm trước, khi được giao xây dựng chương trình đào tạo theo hình thức E-learning cho một ngành học, điều làm tôi khổ nhất là công nghệ quá đắt, sợ thu không đủ chi. Nay thì điều đó đã không còn là vấn đề. Nhiều nền tảng cho phép ta có thể tổ chức việc dạy và học miễn phí. Công nghệ không chỉ giúp chúng ta tổ chức việc dạy học trên mạng dễ dàng mà còn giúp người thầy có thể trình bày bài giảng của mình sinh động hơn, hấp dẫn hơn, tương tác với người học không kém tương tác trực tiếp tại lớp”.

PGS.TS. Lê Khắc Cường, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo HIU

Theo ông Cường, chuyển đổi số (Digital transformation) đang là xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu. Có thể hình dung một cách đơn giản chuyển đổi số là chuyển hoạt động từ thế giới thực sang thế giới ảo, trên môi trường mạng. Những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho nhân loại là không phải bàn cãi. Nó giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhiều, nhanh và chính xác hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian và các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên. Nội dung chuyển đổi số rất đa dạng như chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông, y tế, giáo dục).

Thời gian qua, khi dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, thật khó hình dung hoạt động giáo dục sẽ như thế nào nếu không chuyển từ học trực tiếp tiếp tại trường, tại lớp sang học online qua mạng. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngành Giáo dục đã có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, học tập, chuyển dần phương pháp giảng dạy, học tập truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động; từ mô hình lớp học tập trung dần chuyển sang các mô hình dạy học trực tuyến. Qua đó, người học có thể tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc, chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thực vào thực tiễn.

Hơn 100 thầy cô giáo là BGH của 100 trường THPT tại TPHCM tham dự hội thảo Chuyển đổi số

Sự bùng nổ về công nghệ giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục vì con người. Bill Gates đã có câu nói rất hay Elearning là hình thức đào tạo mà tất cả người học đều ngồi ở bàn đầu! Đấy là một ẩn dụ nêu bật những ưu điểm và tiện ích mà Công nghệ 4.0, chuyển đổi số mang lại cho giáo dục” – PGS.TS Lê Khắc Cường chia sẻ.

Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172